Theo dự kiến có 10.900 căn biệt thự, liền kề tung ra thị trường Hà Nội, trong đó huyện Đông Anh và Đan Phượng chiếm 57% nguồn cung trong những năm tới đây.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu - Tư vấn Savills Hà Nội, thị trường bất động sản Hà Nội 2020 được dự báo nguồn cầu sẽ tốt vì tốc độ tăng trưởng dân số Hà Nội vẫn duy trì ở mức 2,2%. Trong giai đoạn từ 2009 - 2019, theo tổng điều tra dân số thì số hộ dân của Hà Nội tăng lên 50.000 hộ.
Như vậy, khi điều kiện kinh tế - xã hội đang được dự báo tốt, nhu cầu nhà ở đi cùng với nó được hậu thuẫn bởi tốc độ đô thị hoá, triển vọng 2020, ngoại trừ những rào cản về hỗ trợ tín dụng hay chậm trễ xem xét cấp phép dự án, thị trường vẫn có nguồn cung đảm bảo bởi các dự án đang xây dựng hiện nay sẵn sàng cho thời gian tới.
Nếu tình hình xem xét và phê duyệt dự án trong năm 2020 không cải thiện hơn, thì nguồn cung năm tiếp theo 2021 và 2020 sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo đó sẽ ảnh hưởng đến quyết định của người mua vì giá căn hộ gia tăng. Điều này sẽ tác động đến các nhà đầu tư khi nguồn vốn bị hạn chế, buộc họ phải tìm kiếm các kênh huy động vốn khác. Đây là một thách thức, nhưng nếu được giải quyết sớm thì thị trường sẽ phát triển bền vững.
Về nguồn cung tương lai, Savills cho hay, biệt thự liền kề trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều ở khu vực Đan Phượng, Đông Anh, chiếm đến 57%. Ngoài ra, nguồn cung cũng sẽ đến từ những quận như Hà Đông, Hoàng Mai, Từ Liêm, Đan Phượng.
Đại diện Savills Hà Nội cho biết, theo kế hoạch được phê duyệt, các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng sẽ thành quận. Tuy nhiên để lên được quận thì phải đạt rất nhiều tiêu chí như quy mô dân số, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng… Do đó, dù thời gian qua báo chí nói nhiều đến chuyện “sốt đất” ở các khu vực này nhưng việc lên quận có lộ trình, cần nhiều thời gian, nên nhà đầu tư cần có cái nhìn thận trọng, nghiên cứu kỹ càng.
Bà Đỗ Thu Hằng cho hay, đến năm 2022, ước tính thị trường Hà Nội sẽ có khoảng hơn 124.000 căn hộ từ 116 dự án mở bán, trong đó có 41.000 căn gia nhập thị trường ngay trong năm 2020.
Cũng theo báo cáo của Savills Việt Nam, tổng nguồn cung thị trường biệt thự và nhà liền kề tại Hà Nội trong năm 2019 đạt 49.800 căn, tăng 9% theo năm. Trong năm qua, thị trường biệt thự, nhà liền kề Hà Nội có thêm 4 dự án mới, đóng góp khoảng 547 căn vào nguồn cung, chiếm 22% tổng nguồn cung mới trong năm 2019.
Nguồn cung sơ cấp năm 2019 giảm 28% theo năm song tỷ lệ hấp thụ đạt mức cao với 87%. Trong quý IV, nguồn cung sơ cấp đạt gần 1.300 căn, tăng 2% theo quý nhưng giảm 70% theo năm.
Trong năm 2019, huyện Gia Lâm dẫn đầu với 38% tổng lượng giao dịch, tiếp theo là quận Hà Đông với tỷ lệ lượng giao dịch thành công chiếm 17%.
Theo dự báo của Savills Việt Nam, đến năm 2021, dự kiến có 10.900 căn biệt thự, liền kề tung ra thị trường Hà Nội. Huyện Đông Anh và Đan Phượng dự kiến chiếm 57% nguồn cung tương lai. Tiếp đó là nguồn cung dồi dào đến từ quận Hà Đông.
Từ các số liệu trên, bà Thu Hằng cho hay, năm 2019 tại thị trường một số huyện sắp lên quận tại Hà Nội, phân khúc biệt thự, liền kề là phân khúc sôi động nhất. Về mặt bằng giá của phân khúc biệt thự, liền kề, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, giá thứ cấp tăng 6 - 7% so với năm 2018. Mức giá 300.000 USD/căn chiếm khoảng 60% thị trường.
Nêu ý kiến về việc các nhà đầu tư cá nhân và thứ cấp có nên đầu tư vào thị trường bất động sản tại các huyện sắp lên quận này hay không, bà Đỗ Thu Hằng cho hay, các huyện sẽ lên quận nhìn chung đều là các thị trường mới. Trong bối cảnh đô thị hoá, đây chính là các thị trường có dư địa để phát triển và để bất động sản tăng giá, nhiều hơn là các thị trường đã ổn định.
Tuy vậy, vị chuyên gia này cho rằng cần nhấn mạnh một lần nữa, để nhìn thấy rõ sự thay đổi của các huyện này trong quá trình đô thị hoá và thị trường bất động sản phản ánh điều này lên giá đất là một lộ trình. Vì vậy, nhà đầu tư nếu muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư ngắn hạn cần hết sức cẩn trọng với các cơn sốt đất và rủi ro thanh khoản của khoản đầu tư của mình.
Nhân Hà
Theo Nhà đầu tư