Sự kiện hot
2 năm trước

Dòng chảy ngân sách duy trì thông suốt trong đại dịch

2021 là năm thứ 2 Việt Nam tiếp tục chịu tác động của đại dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến chủng Delta và Omicron có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn nhiều so với chủng gốc trước đây. Trước đợt bùng phát dịch mới, nhiều địa phương phải chịu hậu quả nặng nề khi mọi hoạt động kinh tế - xã hội bị tê liệt, tỷ lệ người dân mất việc làm tăng cao... Với trọng trách được giao, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước luôn bám sát tình hình thực tiễn từng địa phương để vừa phòng dịch hiệu quả, vừa đảm bảo chi trả nguồn ngân sách kịp thời.

Kho bạc không thể nghỉ

Làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 như vết dầu loang khổng lồ, giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của nước ta. Nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa; hàng triệu người dân phải đi cách ly tập trung; các “huyết mạch” giao thương kinh tế tại nhiều nơi, nhiều địa bàn bị đóng băng.

Dòng chảy ngân sách duy trì thông suốt trong đại dịch
Hoạt động của Kho bạc Nhà nước trên môi trường điện tử.

Là cơ quan được phép hoạt động ngay cả khi có lệnh giãn cách, hơn ai hết, Kho bạc Nhà nước (KBNN) hiểu rất rõ vai trò của mình là đơn vị phục vụ, chi trả mọi khoản chi cho an sinh xã hội, cho đầu tư phát triển. Lúc nào Kho bạc cũng phải có cán bộ để giải quyết các nhu cầu thu, chi ngân sách, đáp ứng kịp thời cho các đơn vị thụ hưởng.

Ông Phan Quảng Thống - Giám đốc KBNN Đà Nẵng cho biết, 6 tháng đầu năm 2021 là giai đoạn KBNN Đà Nẵng tập trung triển khai nhiều đề án, chính sách mới của địa phương. Đặc biệt, ngày 1/3/2021, KBNN Hải Châu sáp nhập vào KBNN Đà Nẵng và thành phố thí điểm mô hình chính quyền đô thị, nhưng đây cũng chính là thời gian Đà Nẵng gặp khó khăn khi trở thành tâm điểm của đại dịch Covid-19 vào tháng 5/2021.

Là thành phố lớn với nhu cầu chi ngân sách rất cao, nên mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng để đảm bảo “kho bạc không nghỉ”, KBNN Đà Nẵng đã cho phép 50% công chức làm việc trực tuyến tại nhà để khi có sự cố, các giao dịch thu chi ngân sách vẫn được duy trì.

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 đầu tàu kinh tế của cả nước đã phải chịu hậu quả nặng nề nhất của đợt dịch này khi có thiệt hại về người. Tại đây, cơ quan KBNN đã có những cách phòng chống dịch hiệu quả, giúp cho nguồn ngân sách được chi trả kịp thời đến các đơn vị thụ hưởng, nhất là các nguồn chi cho công tác phòng dịch và các khoản chi cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc KBNN Hà Nội cho biết, mặc dù vẫn được hoạt động nhưng khi thành phố thực hiện giãn cách, KBNN Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn trong vận hành công việc do khu phố cách ly khu phố; quận, huyện cách ly với quận, huyện…

Do đó, trên các địa bàn có dịch, KBNN Hà Nội đã yêu cầu các KBNN trực thuộc bố trí số lượng công chức tối thiểu (bao gồm cả lãnh đạo) làm việc tại cơ quan để công việc diễn ra bình thường, thông suốt. Đặc biệt, KBNN Hà Nội đã thực hiện thông báo trên dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) về việc đẩy mạnh giao dịch điện tử, không thực hiện giao dịch trực tiếp tại kho bạc. Trường hợp bắt buộc các đơn vị sử dụng ngân sách phải đến giao dịch trực tiếp, KBNN Hà Nội cử cán bộ tiếp nhận hồ sơ ngay tại sảnh kho bạc và mang vào trong giao cho cán bộ thực hiện kiểm soát, đảm bảo an toàn cho khách hàng giao dịch cũng như cán bộ kho bạc.

TP. Hồ Chí Minh là địa phương bị thiệt hại nặng nề khi số ca bệnh mắc mới tăng lên hàng ngày, vì thế nhu cầu chi trả các nguồn kinh phí phòng chống dịch trên địa bàn rất cần kíp. Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc KBNN TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngoài việc chủ động thực hiện “3 tại chỗ”, 50% cán bộ làm việc tại nhà, đơn vị đã tăng cường làm thêm giờ, kể cả ngày thứ 7 và chủ nhật để giải quyết hết các hồ sơ của đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến, không để tồn đọng, bỏ sót.

Đảm bảo dòng chảy ngân sách lưu thông ngay “tâm dịch”

Theo đánh giá từ phía các đơn vị sử dụng ngân sách, ngoài việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, KBNN đã đẩy mạnh giao dịch trên DVCTT, do đó, mọi hoạt động chi trả ngân sách không bị ngắt quãng.

DVCTT chính là điểm nhấn nổi bật trong cải cách, hiện đại hóa của KBNN trong năm 2020. Nhờ sự quyết tâm, lăn xả vào việc, cùng làm với đơn vị của công chức kho bạc nên từ cuối năm 2020, DVCTT của KBNN đã được phủ sóng đến tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ khối an ninh, quốc phòng). DVCTT đã mang đến một phương thức giao dịch hiện đại hoàn toàn trên môi trường mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử ngân sách có thể giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ) tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet nên giảm thời gian đi lại và giảm chi phí hoạt động cho các đơn vị. Đồng thời, cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận, hồ sơ, kiểm soát thanh toán, tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của KBNN, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán, nâng cao hiệu quả kiểm soát chi và sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Năm 2021, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, DVCTT càng thể hiện rõ ưu điểm là phương thức giao dịch an toàn khi cán bộ kế toán tại đơn vị sử dụng ngân sách thay vì phải đến kho bạc giao dịch trực tiếp thì có thể ngồi ngay tại nhà đẩy hồ sơ chứng từ lên DVCTT và theo dõi các bước xử lý của cán bộ kho bạc, không phải đi ra ngoài. DVCTT đã giúp đảm bảo thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là “ở yên một chỗ” nhưng vẫn hoàn thành được nhiệm vụ.

Một mùa Xuân nữa lại về với bao niềm mong ước về một thế giới không còn dịch bệnh, để trẻ thơ tung tăng đến trường, trên mọi nẻo đường giao thương tấp nập những chuyến hàng vào, ra... Hòa chung ước mơ ấy, với những cải cách, hiện đại hóa đã đạt được, hệ thống KBNN đang ấp ủ những kế hoạch mới, dự định mới về một Kho bạc số không xa.

Liên thông dữ liệu trên dịch vụ công trực tuyến

Kho bạc Nhà nước đang đặt ra kế hoạch mở rộng triển khai kết nối liên thông hệ thống kế toán hành chính - sự nghiệp với hệ thống dịch vụ công trực tuyến để hình thành liên thông điện tử giữa đơn vị với Kho bạc Nhà nước.

Thực hiện kết nối điện tử với các nhà cung cấp điện, nước, viễn thông theo Nghị định 11/2020/NĐ-CP nhằm thanh toán định kỳ, theo lô với các khoản chi theo hóa đơn của nhà cung cấp và ủy quyền của đơn vị quan hệ ngân sách.

Kho bạc Nhà nước tập trung nghiên cứu cơ chế nghiệp vụ và triển khai liên thông dữ liệu hợp đồng điện tử và hồ sơ chi ngân sách nhà nước giữa dịch vụ công trực tuyến của kho bạc nhà nước với Mạng đấu thầu quốc gia. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về những lợi ích to lớn mang lại cho xã hội khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Kho bạc Nhà nước.

Vân Hà 
Theo Thời báo Tài chính

Từ khóa: