Sự kiện hot
5 năm trước

Động lực nào để bất động sản Đà Nẵng bứt phá?

Cơn sốt "ảo” hồi đầu năm, tính pháp lý của các dự án, cộng với việc quản lý chặt chẽ chính quyền được xem là các yếu tố khiến thị trường BĐS Đà Nẵng “lao dốc” trong thời gian qua. Tuy vậy, theo các chuyên gia, những vấn đề trên không thể “kìm hãm” sự phát triển của thị trường BĐS Đà Nẵng.

Nhà đầu tư bỏ chạy

Những diễn biến nóng, lạnh bất thường đã khiến thị trường BĐS ở TP. Đà Nẵng lao dốc và "ảm đạm" trong thời gian qua. Đặc biệt, khu vực vốn sôi động nhất như khu Hòa Xuân, Golden Hilss… vẫn lên xuống thất thường.

Chị Na, chủ một sàn giao dịch BĐS ở TP. Đà Nẵng cho hay, vào đầu năm 2019, sốt đất đã diễn ra ở nhiều nơi như khu đô thị Hòa Xuân, Golden Hilss, Hòa Tiến... điển hình như khu vực Hòa Xuân có giá khoảng 4-5 tỷ đồng/lô/100m2. Tuy nhiên, giá này chỉ cầm chừng được vài tháng rồi lại xuống còn tầm 3,5 – 4 tỷ cho đến nay. “Giá đã xuống đến thế mà mấy tháng trở lại đây không thấy ai đến xem, chưa nói đến chuyện mua”, chị Na nói.

Còn như khu vực Hòa Tiến, huyện Hòa Vang thì sốt "ảo” được một thời gian rất ngắn hồi đầu năm, sau đó lại quay về với giá trị ban đầu và nằm tại chỗ cho đến nay, chị Na thông tin thêm.

bd
Hàng loạt vụ tranh chấp xảy ra giữa nhà đầu tư và nhà phân phối, thủ tục pháp lý của dự án chưa rõ ràng, chủ đầu tư chậm bàn giao sổ đỏ, tranh chấp kiện tụng... khiến nhà đầu tư mất niềm tin và "bỏ chạy".

Theo một số chuyên gia bất động sản, giá đất TP. Đà Nẵng “lao dốc” và "ảm đảm" trong thời gian qua là do cung nhiều hơn cầu. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do hàng loạt vụ tranh chấp xảy ra giữa nhà đầu tư và nhà phân phối, thủ tục pháp lý của dự án chưa rõ ràng, chủ đầu tư chậm bàn giao sổ đỏ, rồi chính quyền còn có chủ trương "dìm" bằng được giá BĐS ở đây khiến các nhà đầu tư rất lo ngại khi xuống tiền đầu tư vào thị trường này.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đầu tư BĐS tại Đà Nẵng đã có những bước chuyển hướng đầu tư vào các thị trường BĐS tại các tỉnh khác như Quảng Ngãi, Bình Định, Huế hay xa hơn là Quảng Bình…, khi mà các dự án của họ ở đây gần như đang bị "đóng băng" từ đầu năm 2019 đến nay.

Động lực để BĐS Đà Nẵng “bứt phá”

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, TP. Đà Nẵng là nơi đã được đầu tư quá mạnh của nhà nước và các doanh nghiệp, đặc biệt là hệ thống hạ tầng đô thị, các công trình công cộng, xã hội, dịch vụ thiết yếu… rất tốt, sự phát triển kinh tế của TP. Đà Nẵng đang rất mạnh.

Do vây, nhu cầu về BĐS của các nhà đầu tư tại TP. Đà Nẵng và nhà đầu tư ở các địa phương đến đầu tư ở đây là phải có. Thị trường BĐS ở TP. Đà Nẵng không phải là cao mà nó ở một mức khá phù hợp, nó tương xứng với một đô thị được đầu tư bài bản, hoàn chỉnh và có nhiều lợi thế như thế.

"Quy luật của BĐS là phải tăng và chỉ kiểm soát để nó không thành "bong bóng", không quá "nóng" và làm thể nào để thị trường phát triển ổn định, bền vững và đi lên theo tỷ lệ nhất định. Trên cơ chế được và mất thì thị trường BĐS "ảm đạm" là bức tranh tối như mực của giới đầu tư BĐS nhưng cũng là cơ hội tốt cho người có nhu cầu thực sự mua để ở", ông Đính phân tích.

img_7685-1906
Hàng loạt vụ tranh chấp xảy ra giữa nhà đầu tư và nhà phân phối, thủ tục pháp lý của dự án chưa rõ ràng, chủ đầu tư chậm bàn giao sổ đỏ, tranh chấp kiện tụng... khiến nhà đầu tư mất niềm tin và "bỏ chạy".

Cùng quan điểm, chị Bạch Thị Vân (trú tại quận Sơn Trà), một nhà đầu tư lướt sóng cho rằng, TP. Đà Nẵng vẫn còn rất nhiều tiềm năng, xu hướng nhà đầu tư hiện nay là hướng đến giá trị thực như: những sản phẩm quy hoạch bài bản, vị trí đắc địa, pháp lý đầy đủ, chủ đầu tư uy tín…

“Hiện tại vẫn chưa có một dấu hiệu nào cho thấy thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ “vỡ bong bóng”, bởi khu vực này vẫn còn đang còn hấp dẫn. Bên cạnh, những nhà đầu tư đến từ nơi khác, tại đây vẫn còn có nhiều người dân địa phương đang có những nhu cầu thực tế về nhà ở. Bên cạnh đó, là những cộng hưởng về tiềm năng phát triển về kinh tế – xã hội ở địa phương, sớm hay muộn thị trường BĐS ở đây lại sôi động trở lại như thời gian trước”, chị Vân nói.

Theo chị Vân, tính theo chu kỳ thì khả năng “bứt phá” của thị trường BĐS tại Đà Nẵng sẽ tăng vào những tháng cuối năm và đầu năm kế tiếp.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, lãnh đạo TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã có cuộc họp thúc đẩy tiến độ dự án khơi thông sông Cổ Cò, đồng thời thống nhất việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư đồng bộ đô thị hai bên sông, kết nối hạ tầng phát triển, hứa hẹn sẽ “hâm nóng” thị trường BĐS ở khu vực này.

Mới đây, đơn vị tư vấn Công ty Surbana Jurong (Singapore) đã đề xuất, cấu trúc đô thị của TP. Đà Nẵng gồm 3 phân vùng phát triển, với khu vực mặt nước dọc theo bờ biển và sông; khu công viên giữa đô thị và khu vực sườn đồi phía Tây; đường chân trời đô thị sẽ cao dần từ phía Đông về phía Tây, đến năm 2045, dân số trẻ sẽ phải sống dịch về ngoại thành, chung cư phía Tây thành phố.

Đơn vị tư vấn này cũng đề xuất 2 vành đai kinh tế cho sự phát triển, gồm: vành đai phía Bắc phát triển khu công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin; vành đai phía Nam là khu đổi mới sáng tạo kết hợp khu nông nghiệp công nghệ cao.

Đường sắt được đề xuất kẹp sát phía Đông đường cao tốc nhằm hạn chế chia cắt đô thị thành 3 mảnh và tận dụng cùng hành lang; nhà ga chuyển về phía Nam, khu vực Hòa Tiến, trở thành động lực phát triển của khu vực này.

Những đề xuất trên của đơn vị tư vấn quy hoạch TP. Đà Nẵng sẽ góp phần không nhỏ để thị trường BĐS ở đây dịch chuyển trong thời gian tới.

Văn Dũng
Theo Nhà đầu tư

Từ khóa: