Sự kiện hot
2 năm trước

Dòng tiền tiếp tục đổ vào bất động sản trước áp lực lạm phát

Dòng tiền tiếp tục chảy vào thị trường địa ốc tìm nơi trú ẩn trước áp lực lạm phát tăng cao. Thị trường bất động sản một số địa phương đang “nóng” lên.

Từ cuối tháng 2, dưới tác động của xung đột Nga - Ukraine, nền kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng. Theo Dragon Capital dự báo năm 2022 lạm phát tăng trưởng 4,2%.

Dòng tiền tiếp tục đổ vào bất động sản trước áp lực lạm phát
Bất động sản tiếp tục là kênh trú ẩn mà các nhà đầu tư ưu tiên.

Thị trường bất động sản nóng lên

Ghi nhận thực tế, giá dầu, xăng, gas, thép đều tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đỉnh điểm trong ngày 11/3, giá xăng dầu tiếp tục đạt mức kỷ lục gần 30.000 đồng/lít, giá vàng cũng ghi nhận mức giá 68-70 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia cho rằng, đà tăng tốc giá hàng hóa ngay trong quý đầu năm cùng biến động lớn của giá vàng, giá xăng dầu có thể tác động tiêu cực đến giá nhà đất và thổi bùng làn sóng đầu cơ tích trữ tài sản.

Theo dữ liệu lớn (big data) của Batdongsan.com.vn, trong tháng 2/2022, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng ở hầu hết các loại hình so với tháng 1/2021. Trong đó, loại hình đất, đất nền chứng kiến cả mức độ quan tâm và lượng tin đăng bán tăng ở nhiều địa phương. Cụ thể, mức độ quan tâm đến bất động sản bán tăng trung bình 23% so với tháng 1/2022 (Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng lần lượt 22% và 29%).

Nguồn cung và nhu cầu tìm kiếm/mua đất nền tăng tại hầu hết các tỉnh. Tại Hà Nội có mức độ quan tâm loại hình đất tăng 8% và lượng tin đăng tăng nhẹ 1%; TP. Hồ Chí Minh có mức độ quan tâm và lượng tin đăng bán đất lần lượt tăng 18% và 6%; Đà Nẵng có nhu cầu tìm kiếm và lượng tin đăng bán đất lần lượt tăng 32% và 25%.

Trong khi đó, ở các tỉnh lẻ, mới đây Quảng Trị đã phải ra tay dẹp cơn sốt tại TP Đông Hà và thị trấn Lao Bảo. Trong văn bản của UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương về việc đánh giá, kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản và tăng cường công tác quản lý thị trường bất động trên địa bàn tỉnh.

Hay tại Thanh Hóa, ghi nhận của PV, các phiên đấu giá đất tiếp tục ghi nhận lượng hồ sơ khủng, mức trúng đấu giá cao gấp 2 – 3 lần giá khởi điểm.

Tương tự, tỉnh Vĩnh Phúc mới đây cũng đã có chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn. Trong đó, lãnh đạo tỉnh này cho biết gần đây tại các khu vực có quy hoạch xây dựng, dự kiến thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp… có dấu hiệu hoạt động đầu cơ mua đi bán lại đất đai, bất động sản gây "sốt ảo" trên thị trường.

Nhiều lo ngại "sốt giá" quay trở lại

Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, lạm phát, biến động giá vàng thường khiến người dân, giới đầu tư, đầu cơ tìm kiếm tài sản làm kênh trú ẩn an toàn.

Ông Quang cho rằng, bất ổn từ xung đột Ukraina - Nga vài tuần qua, khiến giá xăng, dầu, khí đốt lập đỉnh càng thúc đẩy người có tài chính tốt bám giữ tài sản để dành nhiều hơn.

Vị chuyên gia cũng cho biết thị trường đang xuất hiện làn sóng các nhà đầu tư lâu năm với lợi thế vốn lớn giữ tài sản có giá trị cao, trong khi người ít tiền lại có xu hướng tìm về vùng xa mua nhà đất chống trượt giá.

“Đầu tư kinh doanh sản xuất sẽ bị lép vế so với đầu cơ tài sản. Lạm phát sẽ càng đẩy giá nhà đất tăng thêm dù 2 năm COVID giá bất động sản đã tăng mất kiểm soát", ông Quang lo ngại.

Trong khi đó, theo ông Phạm Anh Khôi - Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Tài chính Bất động sản (FINA), bất động sản có mối tương quan với lạm phát, một khi lạm phát gia tăng, giá bất động sản thường có xu hướng tăng theo, bởi đây là kênh “trú ẩn” an toàn cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, có hai loại lạm phát mà các nhà đầu tư nên quan tâm là lạm phát kỳ vọng và lạm phát vượt kỳ vọng. Do đó, đây là giai đoạn cần phải hết sức thận trọng và có chiến lược đầu tư lâu dài bởi rất có khả năng sắp tới, lãi suất sẽ tăng.

Cũng ghi nhận tình trạng trên, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cũng bày tỏ lo ngại bất động sản phải chịu rủi ro từ vấn đề lạm phát và chỉ số CPI tăng cao. HoREA phân tích, các tác động khó lường từ bên ngoài và gói kích thích kinh tế, hỗ trợ an sinh xã hội giá trị hơn 350.000 tỷ đồng cũng gây ra rủi ro tiềm ẩn làm gia tăng lạm phát, tăng chỉ số CPI cao hơn mức mục tiêu trong năm nay.

"Các địa phương cần quan tâm xử lý quyết liệt, kịp thời các "đầu nậu", "cò đất", "cò nhà", doanh nghiệp "bất lương" để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản", ông Châu cảnh báo.

Diệu Hoa
Theo batdongsan.enternews.vn

Từ khóa: