Các CTCK cho rằng, sự ổn định của kinh tế vĩ mô sẽ giúp thị trường đi lên trong trung và dài hạn.
Các CTCK cho rằng, sự ổn định của kinh tế vĩ mô sẽ giúp thị trường đi lên trong trung và dài hạn.
Kết thúc tuần giao dịch từ 26/3/2012 đến 30/3/2012, trên sàn HOSE có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Nếu so với phiên cuối tuần trước, chỉ số VN-Index đã mất đi 13,07 điểm (-2,88%) khi đóng cửa tuần ở mức 441,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh cả tuần đạt 438.524.650 đơn vị, tăng 12,61% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch cả tuần đạt hơn 6.239,29 tỷ đồng, tăng 9,99%.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số HNX-Index dừng lại ở mốc 72,20 điểm, giảm 5,37 điểm so với cuối tuần trước đó (-6,92%). Tổng khối lượng giao dịch báo giá cả tuần đạt 501.750.960 đơn vị, tăng 3,68% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch cả tuần đạt hơn 4.761,78 tỷ đồng, giảm 1,62%.
Trong tuần, khối ngoại đã mua ròng 129,97 tỷ đồng trên HNX (+476,6%) và mua ròng 725,16 tỷ đồng trên HOSE (+81,9%). Cụ thể, họ đã mua vào 12.627.817 cổ phiếu trên HNX (trị giá 175,19 tỷ đồng) và bán ra 4.674.917 cổ phiếu (trị giá 45,22 tỷ đồng). Trên sàn HOSE, họ mua vào 36.324.930 cổ phiếu (trị giá 1.110,40 tỷ đồng) và bán ra 15.789.600 cổ phiếu (trị giá 385,24 tỷ đồng).
Nhận định của một số CTCK
CTCK Dầu khí (PSI): Nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ tín hiệu break out
Quan ngại về dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế có thể có những ảnh hưởng nhất định tới thị trường, tuy nhiên chúng tôi cho rằng kinh tế vĩ mô ổn định khi lạm phát giảm nhiệt mạnh đang có sức hỗ trợ trung – dài hạn đối với dòng tiền tham gia thị trường.
Về mặt kĩ thuật, hiện tại chỉ số 2 sàn nhận đường EMA(25) là đường hỗ trợ, theo đó VN-Index có hỗ trợ ngắn hạn tại 435 điểm còn HNX-Index có hỗ trợ tại 72 điểm. Trong trường hợp chỉ số tiếp tục giảm điểm phá vỡ các hỗ trợ nêu trên thì khả năng giảm ngắn hạn có thể tiếp diễn khi chỉ số hướng tới dải bollinger band phía, tương ứng 66 điểm với HNX-Index và 420 điểm với VN-index. Nếu đà giảm dừng lại và thị trường phục hồi trong đầu tuần sắp tới, NĐT vẫn nên kiên nhẫn chờ tín hiệu break out chắc chắn của chỉ số 2 sàn khỏi các kháng cự hiện hữu tương ứng với đỉnh cũ gần nhất trước đó.
CTCK KimEng (KEVS): VN-Index có mức hỗ trợ 423 điểm trong ngắn hạn
Chỉ số của hai sàn chứng khoán tăng giảm trái chiều trong phiên cuối tuần. HNX-Index giảm đáng kể phiên thứ hai liên tiếp. VN-Index tăng điểm nhờ các mã vốn hóa lớn và đa số các mã vẫn giảm điểm - sự tăng điểm của chỉ số này có thể được gọi là "xanh vỏ đỏ lòng".
Thanh khoản trên hai thị trường giảm một cách rõ rệt. Khối lượng giao dịch của cả hai sàn chỉ còn 132,8 triệu cổ phiếu. Để dễ so sánh, trung bình 10 ngày gần nhất, tổng hai sàn có khối lượng khoảng 172,5 triệu cổ phiếu/ngày.
Chúng tôi cho rằng chỉ số HNX-Index có thể biến động trong một khoảng giao dịch rộng 10 điểm từ 69-79 nếu mức hỗ trợ 69 điểm không bị phá vỡ. Mức 423 điểm là hỗ trợ quan trọng của VN-Index trong ngắn hạn.
Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên giữ cái nhìn thận trọng, khi các tín hiệu thận trọng hơn đã xuất hiện. Không nên mở các vị thế mua mới. Nên chú trọng tới mức dừng lỗ đối với danh mục hiện có. Trong xu hướng ngắn hạn, KEVS giữ cái nhìn trung tính đối với VN-Index… KEVS cho rằng nên tìm cách giảm tỉ lệ cổ phiếu đối với các danh mục sử dụng đòn bẩy tài chính. Các phiên hồi phục có thể là thời điểm tốt để thực hiện việc này...
CTCK Rồng Việt (VDSC): Giữ quan điểm đầu tư thận trọng
Nỗ lực giữ điểm cho thị trường của nhóm cổ phiếu trụ cột đã thành công khi VN-Index vẫn giữ được sắc xanh nhẹ vào cuối phiên thứ Sáu. Tuy nhiên, quan sát toàn cục có thể thấy hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” đang tái diễn: mặc dù VN-Index tăng nhẹ song số lượng cổ phiếu giảm giá lại cao gần gấp ba lần số lượng cổ phiếu tăng giá. Thanh khoản giảm mạnh cũng là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh trống thông tin hỗ trợ như hiện tại.
Như vậy, các chỉ số đã kết thúc tuần biến động giằng co và có vẻ như sự tiêu cực đang lấn lướt. Nếu trạng thái thị trường cùng với thanh khoản không có sự cải thiện vào tuần sau, người bán sẽ khó giữ vững được tâm lý ổn định, rủi ro xuất hiện làn sóng bán tháo theo đó sẽ tăng lên. Hiện tại vẫn cần thêm thời gian kiểm chứng để có thể kết luận về khả năng này, và cho đến khi thị trường bộc lộ tín hiệu rõ ràng hơn, chúng tôi cho rằng NĐT ngắn hạn nên giữ quan điểm đầu tư thận trọng.
CTCK Bảo Việt (BVSC): Tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại
Diễn biến trái chiều về chỉ số, tuy nhiên tâm lý chung trên cả hai sàn là sự lo ngại và thận trọng. Khối lượng giao dịch hai sàn đang dần giảm nhiệt, dấu hiệu này phần nào phản ánh sự thận trọng từ phía những người mua khi vùng giá chưa đủ hấp dẫn so với kỳ vọng. Ngoài trừ việc các mã nhỏ tăng nóng trong thời gian vừa qua có dấu hiệu mất thanh khoản, phần lớn các mã khác trên sàn vẫn duy trì được lực cầu ở vùng giá thấp. Việc cầu còn được duy trì ở các vùng giá thấp sẽ giúp cho mọi nhà đầu tư có nhu cầu bán đều được đáp ứng, tránh được rủi ro bán giải chấp trên thị trường. Theo BVSC, 3 ngày nghỉ sẽ giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại, nhu cầu bán bằng mọi giá sẽ khó xuất hiện sau đó. Nhà đầu tư lướt sóng có thể xem xét giải ngân dần ở các cổ phiếu mang tính đầu cơ, thanh khoản tốt hay các cổ phiếu dự tính nằm trong chỉ số HNX30.
Diễn biến của phiên giao dịch tới sẽ có vai trò quyết định đến khả năng xác lập mô hình tam giác của hai chỉ số. Trong trường hợp thị trường đảo chiều thành công, HNX-Index vượt qua 73,3 điểm, mô hình tam giác sẽ được xác nhận và nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ hoặc gia tăng trạng thái cổ phiếu. Ngược lại, nếu 2 chỉ số tiếp tục sụt giảm về cuối phiên, nhịp điều chỉnh nhiều khả năng sẽ còn kéo dài với vùng hỗ trợ gần nhất tại 423-424 đối với VN-Index và 68-69 đối với HNX-Index. Trong kịch bản này, nhà đầu tư nên cân nhắc giảm thiểu danh mục đầu tư ngắn hạn trong những nhịp nảy lại sau đó.
CTCK Sài Gòn (SSI): Khả năng giảm điểm khá cao
VN-Index có phiên hồi phục tăng điểm vào những giây cuối cùng cuối phiên. Đóng cửa, chỉ số tăng nhẹ 1,14 điểm lên mốc 441,03 điểm với 68 mã tăng giá, 68 mã giữ tham chiếu và 174 mã giảm giá, trong đó có tới 72 mã giảm sàn. Số mã giảm giá vẫn chiếm đa số trên bẳng điện tử, tuy vậy chỉ số tăng điểm nhờ một vài mã có tỷ trọng lớn. Cầu trên diện rộng vẫn tỏ ra yếu kém ngoại trừ những mã có thông tin tích cực tăng giá. Cây nến ngày tăng nhẹ nhưng ở mức yếu, tính thanh khoản tiếp tục thụt giảm về mức gần 61,7 triệu đơn vị, thấp hơn 13,3% so với phiên trước.
SSI cho rằng, sự phục hồi yếu thường rủi ro cho các giao dịch T+4 vào tuần tới và khả năng VN-Index tiếp tục giảm điểm là khá cao. Vùng hỗ trợ ngắn hạn cho tuần kế tiếp ở vùng 430-435 điểm.
CTCK ACBS: Nhà đầu tư ngắn hạn giảm bớt lượng cổ phiếu nắm giữ.
Với mức giá hiện tại ở 441,03 điểm, VN-Index hiện được nhiều tín hiệu kỹ thuật hỗ trợ. Ngoài ra, VIC, MSN, EIB … cũng đang dao động ở gần vùng hỗ trợ của mỗi cổ phiếu. Do đó, VN-Index có thể tiếp tục đi ngang trong các phiên tới. Điều cần thiết là khối lượng giao dịch cần được cải thiện. Nếu không, thị trường có thể tiếp tục mất điểm mà không cần áp lực bán mạnh.
Hiện HNX-Index đã cắt xuống dưới đường trung bình 20 ngày và đường xu hướng tăng nối 2 đáy ở 59 và 69. Mặc dù vậy, mức độ xuyên qua không lớn cộng thêm với việc HNX-Index đang giao dịch ở vùng hỗ trợ nhỏ 72-73 nên chúng tôi muốn thấy thêm các dấu hiệu kỹ thuật khác như khối lượng hoặc thời gian. Nếu breakout trên là thật, HNX-Index nhiều khả năng sẽ kết thúc xu hướng tăng ngắn hạn hiện tại. Theo đó, HNX-Index có thể dao động ngang trong vùng 69-79. Ở tình huống tiêu cực hơn, HNX-Index có thể bắt đầu xu hướng giảm mới và có thể rơi về các mức hỗ trợ thấp hơn như 64-65 hoặc 60-61.
Với quan điểm thận trọng, ACBS tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn giảm bớt lượng cổ phiếu nắm giữ.
CTCK VnDirect (VND): Có thể có bẫy phục hồi
Sau chuỗi điều chỉnh 5 phiên liên tiếp, đồ thị các cổ phiếu đều đi xuống rất dốc với mức độ mất điểm tương đối lớn. Đến phiên giao dịch tới, thị trường sẽ rơi về vùng 38,2% Fibonacci của cả nhịp tăng kéo dài từ 9/1 đến nay. Tại cả hai nhịp điều chỉnh vào giữa tháng 2 và tháng 3, thị trường đều đã bật trở lại rất nhanh sau khi về mức 38.2%, tuy nhiên diễn biến trong phiên tại các phiên điều chỉnh thời điểm đó đều cho thấy lực cầu khỏe hơn và cung thì không mạnh bằng hiện tại. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng hỗ trợ 38.2% có thể khiến cho thị trường cân bằng hơn vào nửa đầu tuần sau, nhưng khả năng giải quyết xong hẳn nhịp điều chỉnh là rất khó.
Nhà đầu tư giữ tỷ lệ cổ phiếu thấp. Thị trường vào tuần sau có thể có bẫy phục hồi, nhà đầu tư nên hạn chế mua vào.
CTCK FPTS: Vẫn bám xu hướng đi ngang giảm dần
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 đã khép lại với diễn biến hồi phục nhẹ của VN-Index. Tuy nhiên, đà tăng điểm của chỉ số không thực sự thuyết phục do tái diễn trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng".
Mặc dù áp lực bán giá rẻ đã chững lại nhưng lượng tiền vào thị trường không nhiều kéo thanh khoản sụt giảm đáng kể. Thêm vào đó, nhà đầu tư trong phiên này chủ yếu duy trì tâm lý thận trọng, thăm dò khiến VN-Index diễn biến giằng co đi ngang trong hầu hết thời gian giao dịch. Đóng cửa tăng nhẹ 1,4 điểm lên ngưỡng 441,03 điểm, chỉ số đã tái lập ngưỡng 440 điểm nhưng chưa cho tín hiệu tích cực về xu thế thị trường được được ghi nhận.
Hiện tại, VN-Index vẫn chủ yếu duy trì trạng thái giằng co đi ngang giảm dần là chủ đạo. Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ tích cực thì rủi ro niềm tin của nhà đầu tư bị bào mòn dần theo diễn biến lình xình của thị trường là khá cao. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thông tin về kết quả kinh doanh quý 1/2012 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ sớm được công bố trong tháng 4 cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho kỳ vọng của nhà đầu tư trong tuần giao dịch tiếp theo.
CTCK Woori CBV: Có khả năng hồi phục trở lại
Phiên giao dịch ngày 30/3 có diễn biến trái chiều ở cuối phiên với xu hướng điều chỉnh diễn ra ở đại đa số các mã. Khối lượng giao dịch ở mức thấp so với giai đoạn trước đó cho thấy áp lực bán ra không mạnh. Mặc dù xu hướng ngắn hạn vẫn giảm nhưng với diễn biến trên có khả năng thị trường sẽ hồi phục trở lại hoặc chuyển sang trạng thái sideway ở ngưỡng hỗ trợ 70-72.
Quang Sơn
Theo DTCK