Tiền sử không mấy tốt đẹp
Theo tài liệu phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản thu thập được, Dự án Chung cư Nhân Chính nằm trên lô đất rộng 9.140 m2 ở vị trí góc của 2 con đường Ngụy Như Kon Tum và Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân, Hà Nội, tiền thân là đất quốc phòng do Binh đoàn 11 quản lý.
Năm 2004, Binh đoàn 11 đã có công văn gửi Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và được chấp thuận hoàn thành các thủ tục sử dụng đất, xây dựng thành khu chung cư quân đội.
Tới năm 2009, Bộ Quốc phòng có công văn gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị thu hồi 9.173,3 m2 đất quốc phòng (trong đó, có 898,6 m2 Thành phố đã đồng ý giao bổ sung) tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội giao Binh đoàn 11 và Tổng cục Hậu cần quản lý sử dụng để xây dựng chung cư gia đình, kết hợp dịch vụ thương mại và trụ sở làm việc.
Cùng năm 2009, sau khi được UBND TP. Hà Nội chấp thuận, Binh đoàn 11 đã gửi công văn đề nghị và được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất sang xây dựng nhà chung cư bán theo giá nhà thương mại, kết hợp văn phòng cho thuê, tạo nguồn thu giải quyết khó khăn về tài chính.
Nhận được chấp thuận đầu tư, thay vì hoàn tất các thủ tục để triển khai dự án, Tổng công ty Thành An trực thuộc Binh đoàn 11 đã nhanh chóng ký hợp đồng chuyển nhượng dự án cho liên danh 4 công ty gồm Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 41 (Handico 41), Công ty cổ phần Tài Nguyên, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Tây Bắc và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hải Vân, trong đó Handico 41 làm đại diện liên danh.
Ngay sau khi hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký kết, dù dự án vẫn còn trên giấy, nhưng các căn hộ tương lai đã được 4 công ty thứ cấp chào bán tới rất nhiều khách hàng với mức giá từ 25 - 26 triệu đồng/m2 thông qua hình thức hợp đồng góp vốn.
Tuy nhiên, điều đáng nói, thu tiền xong, thay vì triển khai, dự án chỉ được các bên thi công lấy lệ vài cọc móng thử nghiệm, sau đó dừng triển khai và nằm đắp chiếu. Rất nhiều khách hàng nộp tiền đã ngược xuôi để khiếu kiện tới các cơ quan chức năng và Bộ Quốc phòng để đòi tiền, nhưng không được.
Sau hàng năm trời "đắp chiếu", đến ngày 18/9/2017, dự án mới được Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng số 110/GPXD cho liên danh Handico 41 và Tổng công ty Thành An xây dựng công trình thuộc dự án “Khu chung cư để bán và văn phòng làm việc cho thuê” tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Theo giấy phép, dự án này có diện tích sàn xây dựng tầng 1 là 1.936 m2, tổng diện tích sàn xây dựng phần ngầm là 3.872 m2 và phần thân là 43.062 m2. Dự án cao 24 tầng (không bao gồm tầng kỹ thuật, tầng kỹ thuật mái, tum thang) và 2 tầng hầm…
Ngày trở lại nhiều lo lắng
Ngày 24/2/2019 vừa qua, thị trường rầm rộ với thông tin Dự án The Legacy ra mắt thị trường. Theo giới thiệu, dự án tọa lạc tại vị trí đắc địa số 106 Ngụy Như Kon Tum, ngay ngã tư giao với đường Lê Văn Thiêm với diện tích đất 9.140 m2, gồm 24 tầng chung cư, 3 tầng thương mại, được đầu tư đẳng cấp thượng lưu với căn hộ hạng sang, văn phòng cao cấp kết hợp trung tâm thương mại, một độ xây dựng 40,5%.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đây chính là vị trí của Dự án Chung cư Nhân Chính của Tổng công ty Thành An trước đây. Tuy nhiên, theo thông tin tại buổi ra mắt, cũng như thông tin trên một số trang quảng cáo bán hàng, dự án có chủ đầu tư là Handico 41 và Tập đoàn An Thịnh (An Thịnh Group), còn MSH Group là đơn vị tư vấn, phát triển dự án. Tổng thầu thi công dự án là Vinaconex 12, TEXO là đơn vị thi công, đơn vị quản lý vận hành là Biken Techno (Nhật Bản) và được Ngân hàng Quốc dân bảo lãnh.
Giá bán của Dự án The Legacy được các bên công bố lên tới gần 40 triệu đồng/m2, tương đương từ 4 - 7 tỷ đồng/căn, đắt gần gấp đôi so với thời điểm ra mắt từ 10 năm trước.
Thắc mắc về mức giá cao với môi giới tư vấn giới thiệu dự án, môi giới này cho biết, ngoài vị trí đắc địa, tiện ích hiện đại, dự án còn có sự có mặt của An Thịnh Group và MSH Group, “một tên tuổi lớn với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực phát triển và kinh doanh bất động sản!?”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thông tin về An Thịnh Group và các dự án mà đơn vị này đã triển khai rất ít ỏi, trong khi MSH Group (hay My Second Home) là đơn vị mới chỉ được thành lập 3 năm do ông Nguyễn Xuân Lộc làm Tổng giám đốc.
Không những vậy, My Second Home cũng là nhà phân phối có nhiều tai tiếng tại Dự án Lâm Sơn Resort Hòa Bình của Archi Reenco cách đây không lâu. Theo đó, dù dự án khi đó chưa đủ điều kiện cấp phép của cơ quan quản lý, nhưng đơn vị này vẫn quảng cáo rầm rộ và tiến hành giao dịch với khách hàng bằng hợp đồng hợp tác kinh doanh, trong hợp đồng này có nhiều điều khoản gây bất lợi cho khách hàng.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, với những dự án có nhiều tiền sử chậm tiến độ trong quá khứ, trước khi xuống tiền, khách hàng cần phải lưu ý, kiểm tra kỹ tính pháp lý, cũng như việc đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính với khách hàng cũ trước khi chuyển nhượng hay không.
Ngoài ra, cũng phải lưu ý khi tiến hành ký hợp đồng. Khi ký hợp đồng, phải ký trực tiếp với chủ đầu tư dự án, chứ không phải ký với đơn vị phát triển. Rủi ro có thể xảy ra khi khách hàng ký hợp đồng mua bán với đơn vị phát triển dự án, bởi đơn vị phát triển không có vai trò pháp lý đầy đủ tại dự án để chịu trách nhiệm với khách hàng.
Trong một số trường hợp, với những đơn vị phát triển dự án chỉ chú trọng bán được hàng và thu tiền, còn khi xảy ra tranh chấp với khách hàng, họ dễ dàng rũ bỏ trách nhiệm và đẩy nó qua chủ đầu tư, dù chủ đầu tư gần như không còn quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trực tiếp tới dự án.
Linh Trang
Theo Đầu tư Bất động sản