Trong đó có dự án Tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 do Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng (Công ty Vĩnh Hưng).
Được biết Công ty Vĩnh Hưng chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên được thành lập trên cơ sở hợp tác của Hadinco 7 và Vimedimex. Sau nhiều lần thay đổi, cơ cấu vốn góp của doanh nghiệp nhà nước sụt giảm mạnh và xuất hiện các cá nhân nắm giữ tỷ lệ vốn góp lớn thâu tóm dự án.
Hadinco 7 “cam tâm” là cổ đông thiểu số
Công ty Vĩnh Hưng thành lập ngày 14/7/2014, có vốn điều lệ 423 tỷ đồng, do 03 cổ đông sáng lập lên. Ngoài Handico 7 và Vimedimex, theo sự chấp thuận của thành phố Hà Nội, cơ cấu cổ đông sáng lập Công ty Vĩnh Hưng còn có một cá nhân là ông Nguyễn Quốc Cường.
Thời điểm này Vimedimex góp 284,540 tỷ đồng, nắm giữ tới 67,27% vốn điều lệ, Handico 7 góp 130 tỷ đồng, tương đương 30,73%, cá nhân ông Nguyễn Quốc Cường góp 8,460 tỷ đồng, tương đương 2% vốn điều lệ.
|
Văn bản 6329/UBND-XDGT ngày 25/08/2014 của UBND thành phố Hà Nội về việc cho phép Công ty Vĩnh Hưng kế thừa và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở Ao Mơ |
Có thể thấy ngay khi đề nghị cho thành lập liên doanh mang tên Vĩnh Hưng để triển khai dự án xây dựng khu nhà ở Ao Mơ, doanh nghiệp nhà nước Handico 7 đã tự giác nhận làm cổ đông thiểu số trong liên doanh này. Dự án đã bắt đầu quá trình tư nhân hóa, với việc Vimedimex là cổ đông chi phối của liên doanh, và các cá nhân xuất hiện thực hiện dự án.
11 tháng sau, ngày 16/3/2015, Công ty Vĩnh Hưng tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, đồng thời đăng ký thay đổi về số lượng và cơ cấu cổ đông. Đáng chú ý, lúc này Vimedimex vẫn góp 672,671 tỷ đồng, tương đương 67,27% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, tỷ lệ nắm giữ của Handico 7 đã giảm mạnh, chỉ còn tương đương 2% vốn điều lệ, tương ứng là 20 tỷ đồng.
Trong khi đó, đã xuất hiện 03 cá nhân nắm giữ cổ phần tại Công ty Vĩnh Hưng. Bao gồm ông Nguyễn Quốc Cường góp 20 tỷ đồng tương đương 2% vốn điều lệ, bà Mai Thị Hằng góp 200 tỷ đồng, tương đương 20% vốn điều lệ, và ông Lê Xuân Tùng góp 87,328 tỷ đồng tương đương 8,730% vốn điều lệ.
Đến tháng 10/2017, cơ cấu vốn góp trong Công ty Vĩnh Hưng tiếp tục có sự thay đổi. Vimedimex vẫn nắm giữ 67,27% vốn điều lệ, Handico 7 vẫn sở hữu 2% vốn điều lệ. Trong khi đó vốn sở hữu của ông Lê Xuân Tùng đã được tăng lên 10,73%, bà Mai Thị Hằng sở hữu 20% vốn điều lệ, cá nhân ông Nguyễn Quốc Cường đã chuyển nhượng cổ phần, rời khỏi công ty.
Như vậy từ năm 2014 đến nay, với việc doanh nghiệp nhà nước Handico 7 giảm dần tỷ lệ vốn góp tại Công ty Vĩnh Hưng, trong khi đó tỷ lệ vốn góp của các cá nhân lại tăng lên thậm chí cao hơn nhiều so với doanh nghiệp nhà nước. Bản chất chủ đầu tư dự án xây dựng khu nhà ở Ao Mơ đã dịch chuyển từ nhà nước sang tư nhân.
Vimedimex góc khuất trong vốn góp
Tuy nhiên, việc góp vốn tại Công ty Vĩnh Hưng có khá nhiều điểm bất thường, cụ thể: tại bản số 3132/KH&ĐT-ĐT ngày 24/9/2015 của Sở KHĐT Hà Nội gửi UBND thành phố Hà Nội, báo cáo về việc triển khai thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5 gắn liền với đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở hai bên tuyến đường thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng, quận Hoàng Mai theo hình thức hợp đồng BT.
Theo đó, mục 2 - Các nội dung còn tồn tại của dự án - văn bản này trích dẫn thông báo số 497/TB-KH&ĐT ngày 1/6/2015 của Sở KHĐT, nêu: Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty CP số 0106599143 do Sở KHĐT cấp lần đầu ngày 14/7/2014, đăng ký thay đổi lần thứ 2 ngày 16/3/2015 cho Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng: Ngoài Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex (chiếm 67,27% vốn điều lệ), Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển Nhà số 7 (chiếm 2% vốn điều lệ), còn có 03 cổ đông sáng lập khác là các cá nhân chiếm tổng số 30,73% vốn điều lệ là chưa phù hợp với chấp thuận của UBND Thành phố tại các văn bản số 4786/UBND-XDGT ngày 1/7/2014 và 6329/UBND-XDGT ngày 25/08/2014 của UBND thành phố Hà Nội về việc cho phép Công ty Vĩnh Hưng kế thừa và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở Ao Mơ (Dự án Khu nhà ở Ao Mơ là 1 trong những dự án “khai sinh” ra Công ty Vĩnh Hưng).
|
Bản đồ quy hoạch kết nối tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên |
Bên cạnh đó, việc góp vốn Vimedimex đã không thực hiện công bố thông tin khi góp vốn đầu tư vào Công ty Vĩnh Hưng theo quy định tại Khoản h, tiết 1, Điều 9 Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc công bố thông tin của Công ty đại chúng, cụ thể: “1. Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây: h) Quyết định tham gia góp vốn thành lập, mua để tăng sở hữu trong một công ty dẫn đến công ty đó trở thành công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết...”.
Tại các báo cáo tài chính và các tài liệu công bố thông tin phải thực hiện theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như của HOSE để công khai tới các nhà đầu tư, cổ đông, các cơ quan quản lý nhà nước của Công ty Vimedimex từ năm 2014 cho đến hết năm 2016 không thể hiện bất cứ một nội dung báo cáo nào về việc công ty này thực hiện góp vốn vào Công ty Vĩnh Hưng.
Càng khó hiểu, từ năm 2014 đến hết năm 2017, vốn điều lệ của Vimedimex chỉ dao động trong khoảng 81 - 154 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ ở mức 186 - 268 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính đã kiểm toán của Vimedimex các năm 2014, 2015 và 2016); tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Công ty giai đoạn từ 2014 đến nay chỉ đạt 38 - 43 tỷ đồng/năm. Vì vậy, cổ đông của Vimedimex và toàn thị trường có quyền đặt dấu hỏi về số vốn góp gần ngàn tỷ đồng vào Công ty Vĩnh Hưng.
Theo TBCK