Nhận giấy chứng nhận đầu tư, động thổ gần như cùng thời điểm, nhưng trong khi Nhiệt điện BOT Mông Dương 2 đi vào hoạt động từ năm 2015, thì Nhiệt điện BOT Hải Dương vẫn đang loay hoay với móng cọc công trình.
Ngán ngẩm tiến độ
Tuần trước, lại một lần nữa, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương đi thị sát tình hình và làm việc với chủ đầu tư - Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương về tiến độ Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương, vốn đầu tư gần 2 tỷ USD.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, hiện việc thi công nhà máy là “tương đối thuận lợi”, tổng khối lượng Dự án ước tính đã hoàn thành 30%. Đến nay, khu vực nhà máy chính cũng đã cơ bản hoàn thành thi công cọc và đang trong giai đoạn thi công phần móng, đồng thời lắp đặt kết cấu thép tại các hạng mục chính như gian lò hơi, gian tourbin máy phát… Khu vực cảng than, vận chuyển than cũng đang thi công phần móng, đổ dầm bê tông…
|
Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương, vốn đầu tư gần 2 tỷ USD vẫn... đang được triển khai. Ảnh: S.T |
Gọi là “tương đối thuận lợi”, nhưng rõ ràng, Nhiệt điện BOT Hải Dương vẫn đang chậm tiến độ, nhất là so với Dự án Nhiệt điện BOT Mông Dương 2 (Quảng Ninh) được cấp chứng nhận đầu tư và động thổ gần như cùng thời điểm. Nhiệt điện BOT Mông Dương 2 thậm chí đã đi vào hoạt động từ năm 2015, trong khi Nhiệt điện BOT Hải Dương vẫn đang loay hoay với móng cọc.
Được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 6/2011, với kế hoạch đầu tư một nhà máy điện hai tổ máy 600 MW, Jaks dự kiến sẽ đưa tổ máy số 1 vào hoạt động trong quý IV/2016. Theo hợp đồng BOT đã ký, chủ đầu tư sẽ tiến hành xây dựng và khai thác nhà máy này trong thời hạn 25 năm, sau đó được chuyển giao cho Bộ Công thương tiếp quản.
Song từ đó tới nay, Dự án chậm tiến độ, khiến lãnh đạo tỉnh Hải Dương rất sốt ruột, đã nhiều lần phải “cầu cứu” các bộ, ngành và cả Thủ tướng Chính phủ.
Nguyên nhân chậm tiến độ xuất phát từ vấn đề thu xếp tài chính của chủ đầu tư. Ban đầu, Jaks Resources Berhad (Malaysia) thỏa thuận hợp tác với Công ty Island Circle Investment Holding Ltd (Malaysia) và Công ty Meiya Power Ltd (Trung Quốc) để phát triển Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương, nhưng sau đó, thỏa thuận này bị đổ bể.
Đầu năm 2013, Jaks tuyên bố đã tìm được hai đối tác mới để thay thế. Đó là Wuhan Kaidi Electric Power Engineering Company (Kaidi - Trung Quốc) và Sanjung Merpati Sdn Bhd (SMSB - Malaysia). Nhưng sự hợp tác này cũng bất thành, nên Jaks phải tiếp tục đi tìm kiếm đối tác mới và đến tháng 7/2015, chính thức công bố sẽ cùng với Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (China Power Engineering Consulting Group Co.Ltd - CPECC) triển khai Dự án.
Nhiều kỳ vọng đã được đặt ra sau thỏa thuận này. Và quả thực, vào tháng 3/2016, Jaks đã cùng với CPECC chính thức khởi công xây dựng nhà máy, với kế hoạch vận hành thương mại tổ máy số 1 vào tháng 12/2019 và tổ máy số 2 vào tháng 6/2020.
Theo UBND tỉnh Hải Dương, Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn tới 4 lần và cũng chậm tới 4 năm so với kế hoạch ban đầu cùng cam kết của chủ đầu tư.
“Sự chậm trễ này đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, sinh hoạt của nhân dân khu vực dự án, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã nhiều lần khẳng định điều này. Trong các văn bản gửi Chính phủ, cũng như các bộ, ngành, UBND tỉnh Hải Dương cũng luôn nhấn mạnh điều đó và kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành chỉ đạo chủ đầu tư tích cực triển khai Dự án, thực hiện đúng tiến độ đã được điều chỉnh, cũng như sớm hoàn tất các thủ tục tài chính, nguồn vốn cụ thể cho Dự án, đảm bảo cho Dự án có vốn để thực sự triển khai.
Chủ đầu tư tố lẫn nhau và nghi án không có năng lực tài chính
Thực ra, câu hỏi về năng lực tài chính của chủ đầu tư Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương (Jaks Hải Dương) đã được đặt ra từ lâu, nhất là sau khi, chủ đầu tư liên tục đổi đối tác, trì hoãn việc thực thi các cam kết về tài chính, bao gồm cả việc chậm trả nợ cho tỉnh Hải Dương mấy năm trước đây.
Mặc dù, Jaks Resources Berhad đã nhiều lần khẳng định việc có đủ năng lực tài chính để triển khai Dự án, nhưng nghi án đó chưa bao giờ được giải tỏa. Thậm chí, còn bị đẩy lên đến đỉnh khi tháng 8/2017, Công ty Kaidi có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ “tố” Jaks Resources Berhad không có năng lực tài chính.
Theo phản ánh của Kaidi, dù Jaks đã có thỏa thuận với Kaidi, nhưng lại phá vỡ hợp đồng này để hợp tác với CPECC, trong khi Kaidi đã bỏ ra khoảng 100 triệu USD để đầu tư vào một số hạng mục của công trình, biến “một ruộng nước lớn trở thành hình thái ban đầu của một nhà máy điện hiện nay”. Vẫn theo Kaidi, trong khi Kaidi tiếp tục đẩy nhanh Dự án, thì Jaks lại âm thầm tìm kiếm đối tác hợp tác “vừa không cần Jaks bỏ ra một xu, vừa có thể để Jaks làm cổ đông lớn”. Chính Kaidi đã thẳng thắn cho rằng, Jaks không có năng lực để hoàn thành Dự án, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra lại và tiến hành thanh tra toàn diện, triệt để với Công ty Jaks.
Phản hồi lại lời “đấu tố” của Kaidi, Jaks khẳng định, mặc dù đã 3 lần gia hạn ngày hoàn thành các điều kiện tiên quyết đến ngày 31/3/2014, nhưng Kaidi vẫn không hoàn tất cam kết về thu xếp tài chính. Vì vậy, thỏa thuận hợp tác giữa Jaks và Kaidi đã kết thúc vào ngày này. Jaks cũng thông báo cho Kaidi và các cổ đông tại Sở Giao dịch chứng khoán Malaysia vào ngày 1/4/2014.
Dù những vướng mắc giữa Jaks và Kaidi là mối liên quan giữa các thỏa thuận dân sự, kinh tế, mà việc xử lý tranh chấp giữa họ không thuộc quyền xử lý của các cơ quan chức năng Việt Nam, song rõ ràng, động thái trên cho thấy, không phải không có “những vấn đề” liên quan đến năng lực thực sự của chủ đầu tư Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương.
Thực ra, ngay từ thời điểm năm 2011, các cơ quan chức năng Việt Nam không phải không phát hiện ra những vấn đề liên quan đến năng lực tài chính của Jaks. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ rằng, nhà đầu tư Jaks Pacific Power Ltd mới được thành lập tháng 11/2010 với vốn điều lệ khoảng 26,6 triệu USD và Jaks Resources Berhad có vốn chủ sở hữu 146,67 triệu USD - không đủ vốn để góp 451,7 triệu USD vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của Công ty BOT. Bộ Tài chính cũng cho rằng, chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính thực hiện Dự án.
Nhưng giờ đây, Dự án vẫn đang được triển khai dù quá chậm. Việc cần thiết lúc này là phải sớm làm rõ, liệu Jaks có đủ năng lực để triển khai Dự án hay không.
Theo Báo Đầu tư