Sự kiện hot
5 năm trước

Dự án Tropicana và đường tư nhân hoá đất vàng 40 Trần Phú - Nha Trang

Nếu được đấu giá công khai, gần 11.000 m2 đất vàng trung tâm Nha Trang có thể mang về hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách. Song đây không phải là cách thức được lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà giai đoạn trước lựa chọn.

Từ Khách sạn Hải Yến tới Beau Rivage Tropicana

Toạ lạc tại trung tâm Nha Trang, tổ hợp condotel Beau Rivage Tropicana 40 Trần Phú là dự án đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Dự án có 150m mặt tiền trải dài đường Trần Phú nhìn ra bãi biển trung tâm, quy mô 2 toà tháp condotel & khách sạn cao 40 tầng nổi, 1 tầng hầm, 6 tầng giải trí phức hợp, giá bán lên tới hơn 60 triệu đồng/m2 đối với căn hộ condotel.

Dù vậy, không nhiều người biết đến nguồn gốc lô đất có vị trí đặc biệt đắc địa này.

BeauRivageNhaTrang
Phối cảnh tổ hợp condotel cao cấp tại 40 Trần Phú, Nha Trang với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD

Khu đất trước đây là khách sạn Grand Hôtel Beau Rivage được Pháp xây dựng theo lối kiến trúc Pháp và đưa vào sử dụng năm 1926, dành riêng cho người Pháp và toàn quyền Đông Dương. Grand Hôtel Beau Rivage là nơi sầm uất và sang trọng bậc nhất thời bấy giờ, tương đương với khách sạn 5 sao theo chuẩn quốc tế ngày nay. Sau này, Grand Hôtel Beau Rivage được đổi tên thành Khách sạn Hải Yến.

Hải Yến là một trong nhiều khách sạn thuộc Công ty TNHH MTV Du lịch Khánh Hoà (Khánh Hoà Tourism), theo quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước này của UBND tỉnh Khánh Hoà ngày 21/6/2010. Trong suốt chiều dài lịch sử hoạt động, khách sạn 3 sao này là điểm nhấn quan trọng của ngành du lịch Khánh Hoà, đã đón tiếp rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước, các chính khách nổi tiếng thế giới, nguyên thủ quốc gia, các nghệ sĩ trong nước và quốc tế… Đặc biệt, nguyên Bí Thư Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh… đều đến tham quan và nghỉ dưỡng tại đây.

Gắn liền với một giai đoạn lịch sự, không ít người dân Khánh Hoà ngỡ ngàng trước quá trình tư nhân hoá của khu đất Khách sạn Hải Yến.

Ngày 13/1/2012, UBND tỉnh Khánh Hoà có thông báo số 26/TB-UBND đồng ý cho phép Khánh Hoà Tourism liên doanh với Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển Toàn Hải Nam để đầu tư Khách sạn Hải Yến tại số 40 Trần Phú.

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp dự án - Công ty TNHH Miền nhiệt đới Nha Trang được thành lập ngày 20/4/2012 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó Toàn Hải Nam góp 80% bằng tiền, Khánh Hoà Tourism góp 20%, tương đương 10 tỷ đồng bằng giá trị tài sản của Khách sạn Hải Yến.

Ngày 7/9/2013, Khánh Hoà Tourism cùng Khách sạn Hải Yến đã tiến hành bàn giao toàn bộ tài sản trên đất cho Miền nhiệt đới Nha Trang để góp vốn liên doanh.

Ngày 24/3/2015, UBND tỉnh Khánh Hoà có Quyết định số 676/QĐ-UBND về việc thu hồi 10.940,6m2 do Khánh Hoà Tourism thuê sử dụng và cho Công ty TNHH Miền Nhiệt đới Nha Trang thuê 10.424,6m2; mục đích để thực hiện Khu phức hợp Thương mại - Khách sạn - Căn hộ Tropicana Nha Trang. Hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, thời hạn thuê đất đến năm 2062.

tropicana-hotel
Phối cảnh tổ hợp condotel cao cấp tại 40 Trần Phú, Nha Trang với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD

Quá trình sang tay khu đất vàng đắc địa bậc nhất Nha Trang từ một doanh nghiệp nhà nước sang một doanh nghiệp tư nhân là vấn đề cần làm rõ, nhất là khi lợi ích nhà nước có dấu hiệu không được ưu tiên lên trên hết. 

Thay vì đấu giá phần vốn chi phối 80% trong dự án, hay thu hồi khu đất và thực hiện bán đấu giá công khai theo quy định của Luật Đất đai, UBND Khánh Hoà đã thực hiện chỉ định nhà đầu tư - Công ty Toàn Hải Nam cho dự án 40 Trần Phú. Làm một phép so sánh đơn giản, giá thị trường mặt đường Trần Phú có thể lên tới 300 triệu đồng/m2, khu đất 40 Trần Phú bởi vậy có thể mang về cho Ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà giai đoạn đó đã không lựa chọn phương án như vậy. 

Bên cạnh đó, quá trình tư nhân hoá đất công 40 Trần Phú diễn ra trong bối cảnh Khánh Hoà Tourism sắp sửa cổ phần hoá (đầu năm 2015) càng khiến xuất hiện nhiều đồn đoán không mấy tích cực về thương vụ 40 Trần Phú.

Ẩn số năng lực nhà đầu tư

Tháng 8/2014, trước khi Khánh Hoà Tourism thực hiện cổ phần hoá, 20% cổ phần trong doanh nghiệp dự án Công ty TNHH Miền nhiệt đới Nha Trang được chuyển giao sang cho Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco) quản lý. Khatoco cũng là cái tên nổi bật trong các thông tin truyền thông về dự án của chủ đầu tư.

Chẳng hạn, website được cho là chính thức của dự án (Tropicananhatrang.vn) dành gần như toàn bộ đoạn giới thiệu về chủ đầu tư để mô tả Khatoco.

Cụ thể: "Công ty TNHH Miền Nhiệt Đới Nha Trang – cổ đông chiến lược Khatoco được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư và phát triển dự án Beau Rivage Nha Trang với vốn điều lệ là 200 triệu USD. Dự án Tropicana Nha Trang có tên thương mại Beau Rivage Nha Trang. Thành lập từ năm 1983, đến nay Khatoco là tổng công ty kinh doanh đa ngành với 9 nhóm ngành nghề chính và 31 đơn vị thành viên, quy mô vốn và tài sản hàng nghìn tỉ đồng. Trong đó, nhóm ngành du lịch và khách sạn tạo nên vị thế vững mạnh trên bản đồ du lịch tỉnh Khánh Hòa...".

Tuyệt nhiên không có một thông tin nào về Công ty Toàn Hải Nam, dù là công ty mẹ chi phối tới 80% dự án, kỳ lạ và bí ẩn như cái cách nhà đầu tư Sài Thành được UBND tỉnh Khánh Hoà chỉ định dự án.

Screen Shot 2019-12-28 at 12.32.27 AM
Phối cảnh tổ hợp condotel cao cấp tại 40 Trần Phú, Nha Trang với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển Toàn Hải Nam được ông Trần Xuân Toàn thành lập cuối năm 2009 với vốn điều lệ 90 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Cập nhật theo thay đổi đăng ký doanh nghiệp mới nhất, Toàn Hải Nam hiện có vốn điều lệ 280 tỷ đồng, trong đó ông Trần Xuân Toàn nắm 90%, cổ đông cá nhân Trần Hoàng Xuân Linh có 10% còn lại.

Doanh nhân sinh năm 1971 dù sở hữu dự án có tiếng ở Nha Trang, song lại không phải cái tên quá nổi bật trong làng địa ốc Sài Gòn, có chăng chỉ được nhắc đến với toà nhà văn phòng cho thuê NTA Tower tại 171 Điện Biên Phủ, P. Đakao, Quận 1 (TP.HCM), cũng là nơi ông Toàn đăng ký thường trú.

Trong khoản vốn điều lệ 280 tỷ đồng, Toàn Hải Nam hiện dành ra 64 tỷ đồng góp vốn vào Công ty TNHH Miền nhiệt đới Nha Trang, như đã biết, chiếm 80% trong số vốn 80 tỷ đồng của chủ đầu tư dự án 40 Trần Phú.

Đặt cạnh tổng vốn đầu tư 200 triệu USD (khoảng 4.500 tỷ đồng), thì rõ ràng nguồn nội lực của chủ đầu tư khó lòng mang tới sự yên tâm cho khách hàng lẫn tổ chức tín dụng tài trợ vốn. Có lẽ cũng bởi vậy, mà Miền nhiệt đới Nha Trang, với ý chí chi phối của Toàn Hải Nam đã chọn cách thuê đất trả tiền hàng năm và triển khai theo hình thức condotel, chứ không phải bán căn hộ sở hữu lâu dài, vốn yêu cầu trả tiền thuê đất một lần.

Và phải chăng cũng vì vậy, mà chủ đầu tư đưa ra mức cam kết đặc biệt hấp dẫn, lên đến 12%/năm. Cùng với đó, khi giá căn hộ bị đẩy lên rất cao, từ 4-5 tỷ đồng cho căn 2 phòng ngủ, chủ đầu tư ắt hẳn phải rất tự tin vào tiềm năng của dự án.

Tuy nhiên, hình thức condotel hiện đang gặp nhiều bất cập, mà sự kiện đổ vỡ của Cocobay Đà Nẵng với cam kết lợi nhuận cũng ở mức 12%/năm vừa qua rõ ràng là thách thức không nhỏ đối với tham vọng của doanh nhân Trần Xuân Toàn tại khu đất vàng 40 Trần Phú.

Không chỉ dự án 40 Trần Phú, nhiều khách sạn ở vị trí trung tâm Nha Trang do Khánh Hoà Tourism quản lý đã được sang tay cho tư nhân với chiêu thức tương tự ngay trước thềm cổ phần hoá doanh nghiệp này.

Lãnh đạo cao nhất tại Khánh Hoà Tourism từ khi thành lập (năm 2010) tới khi cổ phần hoá (năm 2015) là Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ Phạm Đình Xuân. Bí thư Tỉnh uỷ là ông Lê Thanh Quang, Chủ tịch UBND tỉnh là ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh là ông Lê Đức Vinh. Ông Lê Đức Vinh chính là người đã ký Quyết định số 676 ngày 24/3/2015 về thu hồi đất 40 Trần Phú và giao chỉ định cho Công ty Miền nhiệt đới Nha Trang.

Tại kỳ họp thứ 38 hồi tháng 8/2019, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận nhiều sai phạm nghiêm trọng đối với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Khánh Hoà, trong đó vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, đấu thầu, đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, thuế…, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách nhà nước.

Các lãnh đạo phải chịu trách nhiệm là Bí thư Tỉnh uỷ Lê Thanh Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Công Thiên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Sơn Hải.

Theo UBKTTW kết luận vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa và các lãnh đạo nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Ông Lê Thanh Quang sau đó được cho thôi chức Bí thư Tỉnh uỷ, chưa xem xét kỷ luật do mắc bệnh hiểm nghèo. Các cựu lãnh đạo còn lại đều bị Thủ tướng ký quyết định kỷ luật cách đây hai tuần. Trong đó cách chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và xoá tư cách Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Lê Đức Vinh.

Xuân Tiên
Theo Nhà đầu tư

Từ khóa: