Sự kiện hot
7 năm trước

Dự thảo Luật Du lịch: Có nên bỏ nội dung quy hoạch đô thị du lịch?

Chiều ngày 29/5, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu nêu quan điểm về việc có nên đưa nội dung quy hoạch đô thị vào luật hay không?

Trong Luật không có quy định nào gọi là đô thị du lịch, đô thị nên tạo ra thương hiệu (như Hội An, Huế, Đà Lạt) để khách quốc tế thấy đó là đô thị du lịch. (Ảnh: Vietravel)

Có đến 11 Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành việc không quy định về đô thị du lịch trong luật, chỉ có 3 Đại biểu có quan điểm ngược lại, còn 7 Đại biểu còn lại không đưa ra ý kiến về vấn đề này.

11 ĐBQH lựa chọn phương án không quy định về đô thị du lịch trong Luật Du lịch đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận...

Cụ thể, Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) ý kiến, mặc dù Luật Du lịch năm 2005 đã quy định về đô thị du lịch, nhưng hơn 10 năm qua cả nước mới có một địa phương được công nhận là đô thị du lịch. Hiệu quả của danh hiệu này đối với địa phương cũng còn hạn chế do không có chính sách hỗ trợ khác hơn so với các địa phương khác. Nhu cầu có danh hiệu đô thị du lịch phụ thuộc rất nhiều vào định hướng phát triển kinh tế của địa phương trong từng giai đoạn, vì vậy không nên đưa quy định đô thị du lịch vào trong luật.

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cũng thẳng thắn nhìn nhận quy định này chỉ mang tính hình thức, danh xưng, 4 tiêu chuẩn của đô thị du lịch cũng khó đạt được. Đặc biệt, thu nhập từ du lịch chiếm 30% tổng sản phẩm nội địa thì quá thấp, con số này phải lên đến 70 - 80% hoặc cao hơn nữa thì mới thực sự là đô thị du lịch.

Còn Đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) chỉ rõ: thứ nhất, quy hoạch về đô thị nông thôn và nông thôn có trong quy hoạch ngành, vùng và tỉnh được quy định trong Luật quy hoạch, nếu quy định trong dự thảo Luật đô thị du lịch sẽ bị trùng với quy hoạch đô thị và nông thôn do Bộ Xây dựng chủ trì, gây phân tán nguồn lực và lãng phí khi thực hiện quy hoạch đô thị. Các địa phương tùy từng điều kiện tự nhiên và tiềm năng du lịch có thể xây dựng quy hoạch đô thị trong quy hoạch tỉnh.

Thứ hai, Luật xây dựng và Luật quy hoạch đô thị là những đạo luật chuyên ngành không quy định loại đô thị này, nếu quy định đô thị du lịch sẽ dẫn đến xung đột pháp luật cần phải sửa đổi cả hệ thống. Mặt khác, đô thị du lịch về bản chất không khác với đô thị được quy định trong luật chuyên ngành.

Ngược lại, ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh và Bắc Ninh cho rằng nên đưa nội dung này vào trong Luật Du lịch.

Đại biểu Trần Thị Hằng của đoàn Bắc Ninh cho rằng, xuất phát từ tình hình thực tiễn hiện nay đang cần có những đô thị du lịch ở Việt Nam, nhất là khi du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Sự xuất hiện đô thị du lịch sẽ là sản phẩm mô hình đặc trưng của du lịch Việt Nam. Trên thực tế đã có đô thi du lịch, thành phố du lịch như Huế, Đà Lạt, Nha Trang, Hạ Long, Hội An...

Nếu luật không quy định về đô thị du lịch thì những đô thị du lịch như trên vẫn phát triển một cách khách quan hiện hữu, nhưng khi đó chúng ta sẽ bị động trong việc quy hoạch hoặc đề xuất những quy chế đặc thù để quản lý phát triển đô thị dạng này.

Mặt khác, tại Quyết định số 201 ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã đưa ra mục tiêu cụ thể về tổ chức lãnh thổ, trong đó đưa ra 12 đô thị du lịch. Tuy nhiên, do không có các tiêu chí cụ thể, chưa có các cơ chế chính sách về quy hoạch đầu tư và quản lý phát triển theo đúng nghĩa nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Tương tự, Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nêu quan điểm về dài hạn chúng ta có thể quy định trong luật nhưng cần điều chỉnh lại các tiêu chí để phù hợp nhằm phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Thái Lan được đưa ra như ví dụ điển hình về một nước đã thành công trong việc hình thành những đô thị du lịch.

Sau khi lắng nghe những ý kiến trái chiều của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện báo cáo thêm, Luật Du lịch 2005 có quy định đô thị vào trong luật nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn. Hiện nay chỉ có Cửa Lò đáp ứng được điều kiện đó.

"Trong Luật đô thị không có quy định nào gọi là đô thị du lịch. Có lẽ, đô thị nên tạo ra thương hiệu (như Hội An, Huế, Đà Lạt) để khách quốc tế thấy đó là đô thị du lịch. Nếu nội dung này không quy định trong Luật Du lịch thì Chính phủ hoặc Bộ cần quy định rõ", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Linh Lê
Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: