Muốn đưa đến cho người dân Việt Nam một sản phẩm tốt, đảm bảo sức khỏe lại không ảnh hưởng đến môi trường, đó là những gì mà Dương Thế Hoàng ấp ủ bao lâu nay để thực hiện dự án trồng lúa hữu cơ ở Hà Tĩnh.
Đam mê làm nông nghiệp
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Đức Hòa, Đức Thọ, Hà Tĩnh anh Dương Thế Hoàng (Sinh năm 1988) đã quen với ruộng đồng. Lớn lên đi học lại có cơ hội 10 năm làm việc với tập đoàn Kubota của Nhật Bản. Được trực tiếp tham quan, trải nghiệp nền nông nghiệp xanh của Nhật Bản. Nhìn những cánh đồng lúa, rau của họ vừa xanh, sạch, lại không làm hại đến môi trường khiến cho anh thèm thuồng mà muốn mang nó về thực hiện ở Việt Nam.
Sau nhiều ấp ủ, dự định anh đã cùng với những người bạn của mình đã thành lập nên Công ty CP Hòa Lạc IEC ( với thương hiệu HOALAC AGRI ) và bắt đầu liên kết với người dân trồng thử nghiệm với cây lúa.
Anh Hoàng chia sẻ: “Đối với người dân Hà Tĩnh gạo vẫn là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Các loại thuốc diệt cỏ, trừ sâu đang làm ảnh hưởng môi trường hàng ngày, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẽ không đáp ứng được yêu cầu của xã hôi. Tôi mong muốn làm một cái gì đó cho tỉnh nhà cũng như góp một phần nào đó nhỏ nhoi cho xã hội để tạo nên những sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người dân cũng như mang lại một môi trường xanh”.
Năm 2023, sau khi khảo sát, nghiên cứu về nguồn nước, thổ nhưỡng của đất đơn vị bắt đầu chọn Cẩm Xuyên là nơi thực hiện dự án. Cùng với sự đồng hành và giúp đỡ của huyện, phía công ty đã liên kết với các tổ hợp tác của 7 xã huyện Cẩm Xuyên để trồng thử nghiệp giống lúa hữu cơ.
Trồng lúa hữu cơ
Để đảm bảo lúa tốt, đạt năng suất cao và tuân thủ đúng quy trình công ty phân công cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn trực tiếp với bà con, thường xuyên kiểm tra, giám sát để từng bước hồi sinh hệ vi sinh vật trong đất, phù hợp với chuẩn hữu cơ.
Năm 2024, HOALAC AGRI đã hợp tác với các tổ hợp tác của các xã trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên triển khai liên kết sản xuất 120 ha bao gồm lúa hữu cơ và theo theo quy trình Vietgap với giống lúa chủ đạo là lúa ST25. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt quy mô 1000ha liên kết sản xuất đồng thời đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất gạo với công suất 20.000 tấn/năm.
Theo anh Dương Thế Hoàng, từ đầu vào đến đầu ra chúng tôi đều theo một quy trình rất khắt khe. Lúa được cấy theo quy trình gieo mạ trong khay và cấy bằng máy cấy của Nhật Bản. Việc đảm bảo khoảng cách hàng tới hàng, khóm tới khóm giúp cây lúa quang hợp tốt hơn, giảm sâu bệnh. Phương pháp cấy cho phép duy trì ngâm nước mặt ruộng giúp giảm rõ rệt cỏ dại.
Nguồn nước tưới sạch tự nhiên từ hồ Kẻ Gỗ, chăm bón bởi các loại chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ hoàn toàn không dùng đến phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, với hỗn hợp sữa tươi và trứng gà giúp bổ sung dưỡng chất, tăng hương vị cho gạo hữu cơ.
Theo đánh giá của người dân, lúa hữu cơ ST25 có khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết và sâu bệnh tốt hơn sản xuất thông thường khác; giảm được các tác động xấu đến môi trường và bảo vệ sức khỏe của người dân.
Hơn thế, việc sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ giúp các chủng vi sinh vật có lợi sẽ đi vào trong đất hoạt hóa, phân hủy gốc rạ, phân hủy các tồn dư phân bón, các lớp đất xấu... Qua đó, giúp cải thiện môi trường đất, tạo ra tầng đất tơi xốp giúp cây lúa phát triển.
Sau khi lúa thu hoạch sử dụng kho bảo quản và dây chuyền chế biến hiện đại, đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Sau quá trình xay xát, gạo được đóng gói hút chân không giúp tăng thời gian bảo quản, giữ nguyên hương vị trong vòng 12 tháng kể từ ngày xay xát
Đa dạng sản phẩm từ lúa hữu cơ
Hiện tại, HOALAC AGRI đã cho ra mắt sản phẩm gạo ST25 hữu cơ trứng sữa được bán với giá 48.500đ. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục giới thiệu ra thị trường sản phẩm gạo ST25 và Gạo Thơm sản xuất theo chuẩn Vietgap.
Cơ cấu sản phẩm của công ty trong 3 năm tới bao gồm gạo hữu cơ thường, gạo ST25 hữu cơ trứng sữa với quy trình chăm sóc đặc biệt bằng sữa tươi, trứng gà và các chế phẩm sinh học. Với gạo hữu cơ trứng sữa có thêm sản phẩm ăn dặm 1kg. Bên cạnh đó, đơn vị còn cho ra mắt thị trường sản phẩm gạo ST25 Vietgap đối với vùng diện tích đang sản xuất theo hướng hữu cơ trong quá trình chuyển đổi để đạt chuẩn hữu cơ.
Hiện nay, gạo hữu cơ đang chủ yếu phục vụ bà con nhân dân ở Hà Tĩnh và Nghệ An, trong tương lai công ty sẽ hướng đến cung cấp cho các thị trường lớn như Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh
Vị giám đốc trẻ chia sẻ, đến năm 2027, công ty sẽ phát triển thêm các sản phẩm chế biến sâu từ gạo, đặc biệt là gạo hữu cơ như bún, miến gạo hữu cơ, bánh đa nem, trà gạo hữu cơ,... dưới thương hiệu Bà Lài Food nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định hơn đầu ra cho bà con nông dân tham gia dự án, phục vụ cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Trong thời gian tới, công ty tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất hữu cơ theo hướng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tại Hà Tĩnh và khu vực Bắc Trung bộ.
Tiếp tục mở rộng phạm vi liên kết, hình thành, ký kết hợp tác với các tổ hợp tác, mục tiêu đến 2030 đạt quy mô 1000ha liên kết sản xuất lúa hữu cơ và lúa sản xuất theo chuẩn Vietgap.
Mong rằng, với tâm huyết chuyển đổi nền nông nghiệp manh mún của Hà Tĩnh phát triển thành một nền nông nghiệp xanh, theo chuỗi giá trị sẽ giúp cho bà con Hà Tĩnh có một cách nhìn, tư duy mới về kinh tế nông nghiệp.
Diễm Phước - Trí thức
Theo KT&ĐU