Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền cho rằng vụ việc xảy ra tại Tiên Lãng là một bài học cho thấy vấn đề am hiểu pháp luật tại cấp cơ sở vẫn còn những bất cập.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền cho rằng vụ việc xảy ra tại Tiên Lãng là một bài học cho thấy vấn đề am hiểu pháp luật tại cấp cơ sở vẫn còn những bất cập.
Chiều 13/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhiều đại biểu quan tâm thảo luận về quy định đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật trong dự luật.
Dự luật quy định phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù như: người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân; người khuyết tật; phạm nhân, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định quá chú trọng đến các đối tượng đặc thù mà chưa thể hiện rõ được việc phổ biến, giáo dục pháp luật chung cho tất cả đối tượng trong xã hội, đồng thời, đề nghị rà lại để lược bỏ đối tượng không cần thiết, bổ sung đối tượng đặc thù cho hợp lý.
Cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định việc phổ biến, giáo dục pháp luật riêng cho các đối tượng đặc thù.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không thể đưa cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân vào nhóm đối tượng đặc thù, “vì khi đã vào đội ngũ này thì bản thân các đối tượng đã được tôi luyện và có trình độ hiểu biết tương đối cao về pháp luật”.
Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, việc đưa đối tượng nêu trên là đối tượng đặc thù để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vì “đây là nhóm thực thi pháp luật”.
Thứ trưởng Hiền dẫn chứng, vụ việc cưỡng chế đất tại Tiên Lãng chính là bài học cho thấy vấn đề am hiểu pháp luật tại cấp cơ sở vẫn còn bất cập.
Vụ việc cưỡng chế đất tại Tiên Lãng chính là bài học cho thấy vấn đề am hiểu pháp luật tại cấp cơ sở vẫn còn bất cập.
“Cần đưa đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vào đối tượng giáo dục pháp luật để quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của các tổ chức trong xã hội được tôn trọng, bảo đảm”, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền nhận định.
Làm rõ về các đối tượng đặc thù, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng bên cạnh đối tượng chung là công dân thì có một số nhóm đối tượng là những người ít có khả năng, điều kiện thực tế để tiếp cận pháp luật hoặc những người trực tiếp làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần có những kiến thức pháp luật chuyên sâu và kỹ năng để thực hiện việc lồng ghép phổ biến giáo dục, pháp luật; hoặc là những người cần phải giáo dục nhằm thay đổi hành vi để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Vì vậy, việc xác định rõ một số đối tượng đặc thù trong phổ biến, giáo dục pháp luật là cần thiết. Bên cạnh đó, quy định về các đối tượng đặc thù trong phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được chỉnh lý lại để thể hiện rõ, việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù tập trung vào các nội dung, hình thức riêng phù hợp cho từng đối tượng.
Một nội dung khác cũng được các đại biểu quan tâm, về giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân. Có ý kiến cho rằng quy định về giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân trong dự thảo Luật là quá cứng và quá nặng, nhất là đối với cấp học mầm non và tiểu học.
Hơn nữa, nội dung giáo dục pháp luật không chỉ được thực hiện thông qua các môn học riêng về pháp luật mà còn được lồng ghép trong các môn học khác.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý làm rõ, dự luật quy định rõ mục tiêu giáo dục pháp luật đối với từng cấp học và trình độ đào tạo. Theo đó, đối với chương trình giáo dục mầm non và tiểu học được lồng ghép thông qua nội dung giáo dục đạo đức, ý thức kỷ luật, tinh thần tự giác tạo tiền đề hình thành ý thức pháp luật; đối với chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông trang bị kiến thức ban đầu về quyền, nghĩa vụ của công dân, rèn luyện thói quen, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật.
Đối với chương trình giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, cao đẳng trang bị kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật, kiến thức pháp luật liên quan đến ngành, nghề đào tạo; đối với các cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp trang bị kiến thức chuyên sâu về nhà nước và pháp luật.
Theo VTCNews