Phát biểu trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài bốn ngày, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy khẳng định châu Âu sẽ không để cho đồng euro sụp đổ và các quốc gia EU cam kết sẽ tiếp tục cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Phát biểu trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài bốn ngày, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy khẳng định châu Âu sẽ không để cho đồng euro sụp đổ và các quốc gia EU cam kết sẽ tiếp tục cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Đây được coi là một động thái nhằm xoa dịu Bắc Kinh trước nỗi lo khủng hoảng nợ tại khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể làm giảm hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu.
Ông Van Rompuy nói: "Tất cả các quốc gia EU đang nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách, trong khi các nền kinh tế dễ bị tổn thương đang triển khai nhiều chính sách để thoát khỏi khủng hoảng. Đồng euro sẽ tiếp tục thể hiện vai trò một đồng tiền mạnh và là dự trữ ngoại tệ lớn thứ hai trên thế giới."
Ông nói thêm: "Sự ổn định của Eurozone là mối quan tâm chung của châu Âu và cũng cần nhắc lại là các nền kinh tế đang gặp khó khăn như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha chỉ chiếm tổng cộng 6% GDP Eurozone."
Chủ tịch EU cũng lưu ý về sự cần thiết phải củng cố các quy định ngân hàng châu Âu, đảm bảo sự phục hồi kinh tế khu vực. Dự kiến, kinh tế EU có thể tăng trưởng 1,8% trong năm nay và 2% năm 2012.
Đồng tiền chung châu âu (Nguồn: Internet)
Đối với Trung Quốc, Chủ tịch Van Rompuy hối thúc quốc gia này tạo lập một môi trường kinh doanh công bằng cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm của chính phủ.
Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, song nhiều doanh nghiệp EU nói riêng và quốc tế nói chung từng nhiều lần phàn nàn về những rào cản quy tắc tại Trung Quốc khiến họ không thể "cạnh tranh sòng phẳng" và được ưu đãi như những doanh nghiệp Trung Quốc.
Tháng trước, Trung Quốc phát đi tín hiệu rằng nước này sẵn sàng mua nợ của các thành viên yếu hơn trong Eurozone. Về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng tin tưởng về triển vọng tăng trưởng ổn định và thịnh vượng của châu Âu.
Trong diễn biến liên quan tới cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, nhiều quốc gia EU vừa lên tiếng ủng hộ kế hoạch ngăn chặn việc bán khống nợ chính phủ và cổ phiếu, như là một bước đi thắt chặt các hoạt động đầu cơ, một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay tại "lục địa già."
Kế hoạch này hướng tới việc cho phép cơ quan giám sát tài chính EU ngăn chặn giao dịch và áp đặt giới hạn đối với hoạt động bán khống nợ chính phủ và cổ phiếu các công ty, đồng thời được phép thu thập các thông tin "nhạy cảm" liên quan tới hành vi bán khống.
"Bán khống" là hành động bán một chứng khoán mà người bán không sở hữu, mà thay vào đó họ đi vay chứng khoán hoặc có đảm bảo chứng khoán có thể vay được, để bán với mục đích kiếm lời bằng cách mua lại và trả lại chứng khoán đó khi giá chứng khoán này giảm.
Nếu Nghị viện châu Âu và các thành viên EU đạt được thỏa thuận chung, luật mới có thể phát huy hiệu lực vào cuối năm nay.
Việt Khoa (Vietnam+)