Fabrice Muamba đang có một trận đấu đầy quyết tâm cho Bolton ở Cúp FA tại White Hart Lane. Không quá hào nhoáng, nhưng dẫu sao, đó cũng không phải là phong cách của anh. Muamba là một tiền vệ trung tâm cổ điển, chuyên gia tranh chấp bóng và điều khiển thế trận.
Fabrice Muamba đang có một trận đấu đầy quyết tâm cho Bolton ở Cúp FA tại White Hart Lane. Không quá hào nhoáng, nhưng dẫu sao, đó cũng không phải là phong cách của anh. Muamba là một tiền vệ trung tâm cổ điển, chuyên gia tranh chấp bóng và điều khiển thế trận.
Fabrice Muamba - Ảnh Getty
Kỷ luật, đầy năng lượng, sức chiến đấu cao, nhưng rồi bỗng nhiên, không thể giải thích, nằm bất động trên sân, mắt nhắm nghiền, không có cầu thủ nào bên cạnh, Muamba đã sống trong hai trạng thái khác nhau chỉ trong vài khoảnh khắc đồng hồ. Đó là những khoảnh khắc đầy sợ hãi, thời gian như ngừng trôi và sự hoảng loạn trên sân lại càng khiến bầu không khí bất lực trước sự đe dọa nhẫn tâm của thần chết thêm nặng nề.
Mọi thứ đã diễn ra thật bình thường vài giờ trước đó khi chiếc xe buýt chở đội Bolton đi qua cánh cổng rào ở White Hart Lane và Muamba đăng một tin nhắn trên trang Twitter của anh thông báo về trận đấu lớn: “COYW”, có nghĩa là “Come on you Whites” (Tới đây nào Tottenham). Đó là tâm trạng của một cầu thủ còn rất trẻ, ba tuần nữa mới tới sinh nhật 24 tuổi, đang chờ đợi trận tứ kết Cúp FA ở một sân bóng cách nơi anh đi học không quá 5 km.
Thật ra, mọi việc đã không được suôn sẻ như vậy vào lúc Muamba mới ra đời. Anh lớn lên ở Kinshasa, CHDC Congo và đã tận mắt trải qua một trong những cuộc nội chiến đẫm máu nhất trong lịch sử loài người. Muamba chỉ tới được Anh bởi cha anh là một người xin tị nạn chính trị, được phép ở lại châu Âu vĩnh viễn. Ông Marcel Muamba là một chính trị gia trong chính phủ của tổng thống Mobotu Sese Soko và là mục tiêu của Liên minh các lực lượng dân chủ giải phóng Zaire. Muamba thường phải qua đêm trong tiếng súng. Một người chú anh, Ilunga, thiệt mạng trong chiến tranh, cùng nhiều bạn bè và hàng xóm.
Fabrice không gặp lại cha trong suốt 3 năm cho tới khi mẹ anh, bà Gertrude, mang theo cậu con trai 11 tuổi tới phi trường Heathrow. “Đó là ngày 6/12/1999. Tôi bước xuống sân bay và cảm nhận cái lạnh tôi chưa từng biết. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy tuyết. Tôi lạnh cóng khi xuống máy bay, nhưng cũng đáng. Tôi gặp lại cha mình và đã chạy đến ôm chầm lấy ông ấy. Chúng tôi đã bắt đầu một cuộc sống mới”, Muamba nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn với báo chí Anh trước kia.
Fabrice không nói được chữ tiếng Anh nào khi mới tới London nên rất sợ khi phải đi học ở Waltham Forest, nơi anh là một cậu học trò trầm lặng gần như không có bạn bè, cho tới khi Fabrice thể hiện những kỹ năng bóng đá của mình trên sân trường. Cao 1,82 mét ở tuổi 14 và bắt đầu được Arsenal để mắt, Muamba nhanh chóng tiến lên trong hệ thống đào tạo trẻ ở Highbury và khi mới 17 tuổi, có trận ra mắt ở Cúp Carling gặp Sunderland tháng 10/2005. Sau đó anh được cho mượn sang Birmingham mùa giải 2006-2007 rồi gắn bó luôn với St Andrews.
Muamba chơi cho Bimringham được một năm trước khi chuyển sang Bolton với giá 5 triệu bảng năm 2008 và được bình chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất năm ở Reebok vào năm 2010. Trận gặp Spurs lẽ ra là trận thứ 150 của anh trong màu áo trắng. Có lẽ rồi sẽ tới ngày anh đạt được cột mốc đáng nhớ đó. Còn bây giờ, chúng ta chỉ có thể hy vọng mà thôi. Muamba có một cậu con nhỏ, Joshua, và đính hôn với Shauna, bạn gái anh, vào ngày Valentine năm nay. Vincent Kompany, một trong nhiều cầu thủ đã theo dõi sát sao mọi diễn biến của Muamba, đúc kết trên Twitter: “Quá trẻ để chết”.
Trần Trọng
Theo TT&VH