Sự kiện hot
3 năm trước

FECON thành công phát hành 32 triệu cổ phiếu

Công ty Cổ phần Raito Kogyo (nhà đầu tư nước ngoài) mua 16 triệu cổ phiếu, còn lại 16 triệu cổ phiếu phân phối cho Quỹ Đầu tư Hạ tầng Red One (nhà đầu tư trong nước)

Công ty Cổ phần FECON (mã FCN) vừa thông báo đã phát hành xong 32 triệu cổ phiếu, tương ứng 100% tổng số cổ phiếu chào bán. Trong đó, Công ty Cổ phần Raito Kogyo (nhà đầu tư nước ngoài) mua 16 triệu cổ phiếu, còn lại 16 triệu cổ phiếu phân phối cho Quỹ Đầu tư Hạ tầng Red One (nhà đầu tư trong nước).

Đối với tỷ lệ nắm giữ như hiện nay, hai nhà đầu tư này lần lượt là 25,51% và 10,16% vốn tại FCN. Với giá bán bình quân 13.000 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền FCN thu được từ đợt chào bán là 416 tỷ đồng.

Như vậy, vốn điều lệ của FECON tăng từ 1.254 tỷ đồng lên 1.574 tỷ đồng. Tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành tăng từ 125,4 triệu lên 157,4 triệu đơn vị.

Mục đích phát hành thêm nhằm bổ sung nguồn vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực về vốn để kịp thời thực hiện các kế hoạch đầu tư kinh doanh đã đặt ra của công ty. Cụ thể, FCN có kế hoạch dùng 216 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và 200 tỷ để trả nợ các khoản vay nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.

Về tình hình kinh doanh tại FCN, 9 tháng đầu năm 2021 doanh thu thuần đạt hơn 2.209 tỷ đồng, tăng 10 % so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tại FCN giảm 14% xuống còn hơn 71 tỷ đồng. Riêng quý 3/2021, FCN ghi nhận lãi trước thuế đạt 24,3 tỷ đồng, lãi sau thuế 20,2 tỷ đồng, giảm 56,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

9 tháng đầu năm 2021, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp âm hơn 189 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương hơn 73,6 tỷ đồng; dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm gần 1.012 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 chỉ âm hơn 226 tỷ đồng; chỉ có dòng tiền từ hoạt động tài chính dương hơn 1.181 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền thuần trong kỳ cũng âm hơn 19,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương hơn 156 tỷ đồng.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm luôn là chỉ báo xấu đối với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Cả dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư đều bị âm mạnh trong kỳ dẫn tới FCN phải tăng cường vay nợ.

Do tăng cường vay nợ, cả số dư nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn của FCN tại thời điểm ngày 30/9/2021 đều tăng mạnh so với thời điểm ngày 01/01/2021. 

Cụ thể, dư nợ vay tài chính ngắn hạn tăng 33% so với thời điểm đầu năm, lên gần 1.624 tỷ đồng; dư nợ vay dài hạn tăng vọt 204% từ hơn 374 tỷ đồng lên gần 1.139 tỷ đồng. Do đó, tổng nợ vay tài chính tại FCN tăng mạnh 73% so với đầu năm,  lên gần 2.763 tỷ đồng.

Vay nợ tăng dẫn tới chi phí lãi vay của FCN trong 9 tháng đầu năm tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020, lên mức hơn 99 tỷ đồng. Ngoài chi phí lãi vay, các chi phí khác liên quan đến hoạt động tài chính cũng tăng dẫn tới chi phí tài chính trong kỳ của FCN tăng 44% lên hơn 104 tỷ đồng.

Ngoài ra, nợ phải trả đang chiếm tỷ lệ khá cao, giá trị nợ tại thời điểm 30/9/2021 ở mức 5.033 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, chiếm 66% tổng tài sản và lớn gấp gần 2 lần vốn chủ sở hữu do doanh nghiệp tăng nợ vay tài chính dài hạn.

Tính đến 30/9/2021, FCN chỉ có hơn 338 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền cùng với 35 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Hai khoản này cộng lại khoảng hơn 370 tỷ đồng, con số này chỉ có thể giải quyết được khoảng 10% các khoản nợ vay tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp.

Hà My
Theo KTDU

Từ khóa: