Xu thế bây giờ là thuê, chứ không mua. Tuy nhiên, để thuê được một gốc đào đẹp, dân sành đào phải nhanh chân đi chọn, đủng đỉnh là hết. Thậm chí để có một cây đào Thất Thốn trong nhà, người ta phải đặt hàng từ bây giờ với giá 10 triệu đồng/ bông.
Thuê 80 triệu đồng/gốc đào
Xu thế của dân chơi đào “sành điệu” Hà Nội bây giờ không còn là mua đứt cả cây về nhà như trước nữa mà chỉ thuê bày trong mấy ngày Tết. Tuy nhiên, để thuê được một gốc đào đẹp trong khoảng một đến hai tuần lễ, giá cả cũng chẳng kém mua là bao nhiêu. Và tất nhiên, để thuê được một gốc đào ưng ý với người sành chơi không phải là chuyện dễ.
Cuối tháng 10 âm lịch, ở vườn đào Nhật Tân (Hà Nội), nhiều cây đào cổ thụ đẹp đã được thương gia đến ngã giá thuê từ 15 – 50 triệu đồng/cây. Thậm chí có những gốc đào đã được định giá cho thuê tới 80 triệu đồng/cây trong vài tuần Tết. Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, hầu hết những gốc đào “khủng” và đẹp đến giờ phút này đã có chủ. Những người nhanh chân đã đặt tiền để thuê, chưa kể không ít gốc đẹp đã được dân sành chơi “đặt cọc” từ sau Tết năm ngoái.
Về giá bán đào, nhiều chủ vườn cho hay, đến thời điểm này vẫn chưa thể khẳng định chính xác vì còn phụ thuộc vào biến động của thời tiết. Đặc biệt, năm nay Tết dương lịch và Tết cổ truyền lại gần nhau nên không khí “săn” đào dường như sôi động sớm hơn các năm trước. Để thuê được những gốc đào thế đẹp, người chơi phải bỏ ra hàng chục triệu đồng. Theo chủ các vườn đào thế ở Nhật Tân, họ phải mất hàng chục năm mới có được những cây đào có gốc đẹp, cho nhiều hoa, nhiều lộc. Những gốc đào thế có tuổi đời hơn chục năm ở các vườn đào ở đây đều có giá cho thuê hơn tới 20 triệu đồng.
Thế nhưng, giá thuê đó vẫn chưa là gì bởi loại đào được nhiều người săn tìm nhất là Thất Thốn thì giá còn cao gấp bội. Khác với những giống đào bích, đào phai, đào Thất Thốn rất khó nở hoa trúng Tết Nguyên đán. Cũng bởi thế, giá thuê loại đào này cao hay thấp không chỉ phụ thuộc vào thế mà còn phụ thuộc vào hoa, đặc biệt là vị trí hoa nở. Nếu hoa nở ở gốc thì càng đắt giá bởi dân sành chơi coi đó là “lộc đến gốc”, mang nhiều yếu tố may mắn. Thế nên, cùng với độ khan hiếm, giá thuê loại đào này được tính bằng hoa, mỗi hoa… 10 triệu đồng!
Người trồng đào lâu năm bảo, đào Thất Thốn quý vì nếu nó nở vào dịp Tết là “chuyện lạ”. Bởi cứ khoảng vài chục năm thì nó chỉ nở hoa 3 đến 4 mùa nên rất đắt. Ở Nhật Tân, trong số hàng trăm người trồng đào thì chỉ có anh Lê Hàm mới trồng được loại đào này. Anh Hàm được biết tiếng là tay trồng đào duy nhất có bí quyết cho đào Thất Thốn nở trúng Tết. Mùa đào năm ngoái được coi là thắng lợi của anh Hàm nhưng năm nay, anh cũng không dám chắc có thể “bắt” đào Thất Thốn nở hoa trúng Tết.
Anh Lê Hàm đang làm thế cho đào.
Xu thế mới: Chơi đào rừng tái tạo
|
Khác với tất cả những thứ hoa đào thông thường mà ai cũng biết, đào Thất Thốn có thân mình tương đối khiêm tốn. Mầm nhỏ xanh tía như lưỡi kiếm vung lên. Hoa đỏ thắm tươi. Nếu cây ít hoa thì bền kỳ lạ, nếu hoa nở nhiều thì chóng tàn hơn đào thường. Mỗi thốn (tức mỗi tấc theo cách gọi của các cụ) có thể có 7 bông hoa đào, vì thế mới có tên gọi Thất Thốn.
|
|
Tại vườn đào nhà Lan Chín, địa chỉ quen thuộc đối với dân sành đào Hà Nội, hầu hết những cây đào thế có dáng đẹp đều được cho thuê với giá 10 đến 15 triệu đồng/gốc. Chủ vườn đào chỉ vào một loạt cây đào gộc cao bằng đầu người, thân mốc thếch và cho biết chúng đều có giá cho thuê hơn 10 triệu đồng/gốc. Điều đáng nói là những gốc đào thuộc hàng đẹp của vườn nhà anh Chín, phần đa đã được đặt thuê. Một số gốc đào được tạo thế Phúc, Lộc, Thọ có khách đã trả giá thuê 25 triệu đồng/gốc cho dịp Tết này. Năm nay, những cây đào thế có dáng to đẹp được khai thác từ rừng về lại có giá thuê cao hơn hẳn. Trong khi những thân đào rừng được tái tạo đều có giá trên 10 triệu đồng/gốc thì đào bích Nhật Tân chỉ ở mức giá thuê khoảng 5 đến 7 triệu đồng/gốc.
Ông Nguyễn Văn Thanh, một người mê chơi đào thế ở Triều Khúc, Thanh Xuân cho biết: “Săn được một gốc đào quý có khi mất đến vài tháng trời. Trước đây, cứ gần cuối năm là tôi lại đích thân tìm đến các vùng trồng đào có tiếng như Vân Hồ, Văn Giang (Hưng Yên), Gia Lộc (Hải Dương) để tìm mua đào phai, có khi cất công lên vùng miền núi huyện Tân Kỳ (Nghệ An) tìm loại đào đá”. Tết năm ngoái, ông Thanh mua được cây đào đá từ vùng rừng núi phía Tây Nghệ An. Vì gia đình đất chật, nên chơi xong mấy ngày Tết là ông bán lại cho một chủ vườn ở Nhật Tân. Bây giờ, ông tìm lại gốc đào năm ngoái để thuê lại. Chơi đào rừng tái tạo cũng là xu thế mới của dân sành đào.
Ngoài dáng đào cô, dáng thông, nhiều chủ vườn cũng tập trung uốn đào theo nhiều thế để đáp ứng thị hiếu của người chơi. Cả cánh đồng trải dài dọc bờ sông Hồng của làng đào Nhật Tân với hàng trăm, hàng nghìn gốc đào vẫn trơ cành trụi lá như nín thở chờ đón mùa xuân để bung nở.
Hà Phương
theo GĐ&XH