Sự kiện hot
3 năm trước

Gần 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội, tình hình dịch tại Hà Nội ra sao?

Theo Quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thành phố sẽ giãn cách xã hội tới 6 giờ sáng 23/8. Cho đến thời điểm hiện tại, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn ở mức cao và khó lường, để giữ vững thành quả công tác phòng, chống dịch, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu toàn hệ thống chính trị tuyệt đối không lơ là, chủ quan, phải chuẩn bị cho phương án cao nhất trong các biện pháp phòng, chống dịch. Trước câu hỏi "Hà Nội có cần kéo dài thời gian giãn cách nữa không?", các chuyên gia cho rằng phải tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố 2, 3 ngày tới mới có thể quyết định.

Hà Nội bắt đầu ghi nhận tín hiệu chống dịch tích cực, song các chuyên gia vẫn chưa thể “yên tâm” nếu  kết thúc giãn cách.

Hà Nội bắt đầu ghi nhận tín hiệu chống dịch tích cực, song các chuyên gia vẫn chưa thể “yên tâm” nếu kết thúc giãn cách - Ảnh: Báo Tin tức.

Tiếp tục triển khai hiệu quả việc xét nghiệm diện rộng

Trong nội dung Thông báo số 465-TB/TU ngày 17/8/2021 của Văn phòng Thành ủy Hà Nội về “Kết luận của Thường trực Thành ủy về tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố” tại cuộc họp ngày 16/8. Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và nhân dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan, phải chuẩn bị cho phương án cao nhất trong các biện pháp phòng, chống dịch.

Thông báo kết luận nêu nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn ở mức cao và khó lường, việc xét nghiệm diện rộng và xét nghiệm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng vẫn ghi nhận thêm các ca mắc mới và nhận định có thể còn có các trường hợp F0 khác trong cộng đồng chưa được bóc tách hết; trong các khu phong tỏa vẫn xuất hiện nhiều F0 do truy vết không kịp hoặc thực hiện “chặt ngoài, lỏng trong”.

Để giữ vững thành quả công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tốt không để dịch lan rộng, Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ để chống dịch.

Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải tiếp tục triển khai hiệu quả việc xét nghiệm diện rộng, trong đó lưu ý việc xác định các khu vực nguy cơ cao bảo đảm chính xác, ưu tiên xét nghiệm các “vùng đỏ”, các đối tượng nguy cơ cao như: Lực lượng tuyến đầu, người lao động tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa, vận tải, dịch vụ, công nhân lao động khu công nghiệp, chế xuất, giáo viên, học sinh, cán bộ, nhân viên các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm cai nghiện...

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khơi dậy ý chí quyết tâm, sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị và các lực lượng, các tầng lớp nhân dân, quyết liệt, chung sức đồng lòng thực hiện công tác phòng, chống dịch một cách thực chất, hiệu quả, sớm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Các lực lượng chức năng tiếp tục siết chặt việc người dân ra đường không có lý do chính đáng, hợp lý như đã nêu trong Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố.

Các quận, huyện, thị ủy chỉ đạo tiếp tục bố trí, nâng cao hiệu quả thực chất của các chốt kiểm soát phòng, chống dịch ngay tại các ngõ, phố, thôn, xóm; phát huy tốt vai trò các tổ Covid-19 cộng đồng, các tổ phản ứng nhanh từ quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, kiểm soát chặt cả bên ngoài và bên trong, nhất là các khu vực có F0 đã phong tỏa, tránh tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”. Các nơi phong tỏa phải kiểm soát nghiêm, chặt hơn, bố trí lực lượng, phương tiện cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho từng gia đình, từng người dân để nhân dân yên tâm ở tại chỗ, không ra ngoài, phòng ngừa lây lan dịch trong khu phong tỏa.

Theo thông báo của Sở Y tế Hà Nội, tính tới 19 giờ tối 18/8, trên địa bàn thành phố đã lấy được 139.010 mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 (6.762 mẫu ở khu vực phong tỏa, 56.340 mẫu ở khu vực nguy cơ và 75.908 mẫu là người nguy cơ), hiện tại có 500 mẫu của đối tượng nguy cơ có kết quả âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.

Hà Nội sẽ lấy 800.000 mẫu xét nghiệm các đối tượng nguy cơ trong đợt 2 - Ảnh: Thanh niên    

"Hà Nội không nên vội vàng việc dừng giãn cách ngày 23/8"?

Sau 2 đợt giãn cách kéo dài gần một tháng, diễn biến dịch tại Hà Nội có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định vẫn còn quá sớm để Hà Nội có thể “yên tâm”.

Trao đổi với báo chí, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Bệnh viện Medlatec nhận định, tình hình dịch ở Hà Nội đã có chiều hướng giảm khi trong 2 tuần vừa qua, đặc biệt những ngày gần đây, số lượng ca mắc bắt đầu giảm. Ông đánh giá cao việc Hà Nội tổ chức xét nghiệm diện rộng với số lượng mẫu rất lớn.

"Hà Nội xét nghiệm nhiều, nhưng số lượng F0 giảm xuống. Điều này chứng tỏ dịch đang có xu hướng đi xuống, tuy nhiên chưa thực sự bền vững. Do đó, thành phố phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như hiện nay", GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.

Theo ông, chủ trương của Hà Nội là quyết liệt xét nghiệm để bóc tách hết các F0 khỏi cộng đồng và chủ động dập dịch sớm nhất. "Đây là một quyết định đúng, mạnh mẽ và mang tính chủ động của TP. Hà Nội", ông nói và cho biết, xét nghiệm diện rộng sẽ giúp phát hiện các F0 "trà trộn" ngoài cộng đồng khi chưa kịp lây lan mạnh. Từ đó, giúp cơ quan chức năng khoanh vùng và dập dịch nhanh chóng.

GS.TS, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Ảnh: Dân trí

GS.TS, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Ảnh: Dân trí

Theo Quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thành phố sẽ giãn cách xã hội tới 6 giờ sáng 23/8. Theo quan điểm của GS Trí, việc nhận định Hà Nội có nên kéo dài thời gian giãn cách xã hội hay không, cần phải theo dõi diễn biến dịch thêm 2-3 ngày nữa.

"Với việc Hà Nội triển khai xét nghiệm ở quy mô lớn như thế này, mà tỷ lệ F0 giảm thấp, thì có thể cân nhắc việc tạm thời kết thúc giãn cách. Ngược lại, nếu tỷ lệ ca bệnh ghi nhận mới tăng lên nhiều, có lẽ Hà Nội vẫn nên kéo dài thời gian giãn cách xã hội", GS Trí nêu quan điểm.

Còn theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng thành phố đã thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, đặc biệt là 1 tháng giãn cách như “lò xo nén”, nếu mở cửa ngay lập tức sẽ bung ra khối lượng đi lại rất lớn.

“Việc có tiếp tục giãn cách hay không sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng chắc chắn không thể hoàn toàn mở hết trở lại, có thể sẽ không thực hiện Chỉ thị 16 mà sẽ chuyển sang Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19. Việc này sẽ được lãnh đạo thành phố cân nhắc và quyết định trong thời gian tới", ông Tuấn nói.

Hà Nội nên sớm tiêm vắc-xin cho cả người mắc bệnh nền

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Hà Nội không để dịch bùng lên đã là thành công và thể hiện sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân. Ông cũng khuyến cáo Hà Nội nên sớm tiêm vắc- xin cả cho người già và người mắc bệnh nền.

Tiêm vắc-xin cho người dân quận Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: Như Ý

Tiêm vắc-xin cho người dân quận Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: Như Ý

Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội Lã Thị Lan đánh giá, vẫn còn hiện tượng phong tỏa chưa chặt, người dân trong khu vực phong tỏa vẫn gặp gỡ, đi chợ trong khu vực,… Một số khu phong toả như Liên Ninh (Thanh Trì), Văn Chương (Đống Đa) hay Đông Anh,… vẫn phát hiện những ca dương tính. Vì vậy, giãn cách là biện pháp hiệu quả nhất để tránh lây lan, phải giám sát chặt các khu vực này thì mới không bùng phát dịch.

Ông Phu cho rằng cần tiếp tục triển khai việc xét nghiệm diện rộng có chỉ định, tập trung vào đối tượng, địa bàn nguy cơ. Nhưng cần xác định rằng, xét nghiệm chỉ nên làm trong thời điểm hiện tại, còn khi mở cửa, người ra vào Hà Nội tăng thì vẫn có khả năng bùng dịch, vì vậy cần triển khai mạnh mẽ hơn việc giãn cách, 5K, quét mã QR ở các cơ quan, đơn vị, siêu thị, điểm công cộng kết hợp với đẩy mạnh tiêm vắc-xin và nên tiêm cả đối tượng người già, người có bệnh nền. “Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm, không được để tụ tập đông người tại các điểm tiêm, điểm lấy mẫu xét nghiệm, người dân thực hiện nghiêm giãn cách, không ra đường khi không có việc thực sự cần thiết”, ông Phu nói.

Trước đó, với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 bắt đầu từ 6h ngày 24/7 đến ngày 7/8. Sau đó, đến chiều 6/8, UBND TP. Hà Nội chính thức có Công điện về việc tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội đến 6h sáng 23/8.

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: