So với “gáo nước lạnh” mà Hy Lạp vừa hắt thẳng vào những nỗ lực của Liên minh châu Âu, thì bài ca ‘sẽ cứu, sẽ làm” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa đủ vực dậy hoàn toàn thị trường, song cũng có ảnh hưởng nhất định.
So với “gáo nước lạnh” mà Hy Lạp vừa hắt thẳng vào những nỗ lực của Liên minh châu Âu, thì bài ca ‘sẽ cứu, sẽ làm” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa đủ vực dậy hoàn toàn thị trường, song cũng có ảnh hưởng nhất định.
Động thái của Hy Lạp có thể sẽ khiến suy thoái kinh tế trượt sâu hơn
Hôm qua, kết thúc cuộc họp trong hai ngày 1-2/11, FED đã tuyên bố cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay và năm sau, nâng dự báo thất nghiệp và cho biết có thể áp dụng thêm một số biện pháp như mua thêm nợ thế chấp để thúc đẩy tăng trưởng.
Cụ thể, FED dự báo GDP năm nay sẽ tăng trưởng từ 1,6 – 1,7%, thấp hơn mức 2,7 – 2,9% đưa ra hồi tháng 6. Tăng trưởng năm 2012 bị hạ từ 3,3 – 3,7% xuống vùng 2,5 – 2,9%. Dự báo tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế cũng bị hạ xuống 2,4 – 2,7%.
Chủ tịch FED Bernanke cho hay, “có những nguy cơ đe dọa kinh tế. Trong đó, đáng chú ý nhất là tình hình tài chính, ngân hàng châu Âu đã góp phần gây căng thẳng trên thị trường tài chính toàn cầu, có khả năng gây ảnh hưởng xấu tới niềm tin và tăng trưởng".
Cũng sau cuộc họp này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đưa ra ước tính, lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng từ 1,4 - 2% trong năm 2012. Tuy nhiên, FED giữ nguyên mục tiêu lạm phát dài hạn trong phạm vi từ 1,7 - 2%.
Về tỷ lệ thất nghiệp, theo FED, năm 2012, con số này sẽ đứng ở mức 8,5 – 8,7%, cao hơn so với dự báo trước đây là từ 7,8 – 8,2%. Trong năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp cũng được nâng lên, từ 7 – 7,5% lên 7,8 – 8,2%.
Đứng trước những tình huống như vậy, FED quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ, kéo dài thời hạn nắm giữ trái phiếu của mình và giữ lãi suất gần 0 tới ít nhất là giữa năm 2013 nếu tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao và triển vọng lạm phát giảm.
Với tỷ lệ 9 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Fed giữ nguyên lãi suất ở mức từ 0 – 0,25% ít nhất tới giữa năm 2013 và tiếp tục áp dụng chương trình “Operation Twist” trị giá 400 tỷ USD (hay còn gọi là QE2.5).
Ông Bernanke cũng khẳng định, FED đang theo dõi chặt chẽ diễn biến ở châu Âu và thảo luận về các biện pháp kích thích bổ sung, chẳng hạn như mua thêm nợ thế chấp để giúp nền kinh tế. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ về điều kiện để tiến hành động thái này.
Những tuyên bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có cả hai mặt tốt và xấu, song trước bối cảnh hiện nay, những cam kết dù rất nhỏ từ phía Mỹ cũng được xem là một tín hiệu tốt đối với diễn biến trên các thị trường hàng hóa.
Chốt phiên giao dịch đêm qua (2/11), trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones tăng 178,08 điểm (+1,53%) lên 11.836,04 điểm. S&P 500 tiến 19,62 điểm (+1,61%) lên 1.237,90 điểm. Nasdaq Composite cộng 33,02 điểm (+1,27%) lên 2.639,98 điểm.
Tương tự như thị trường Mỹ, các sàn chứng khoán châu Âu cũng đi lên. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 1,15% lên 5.484,10 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp cộng 1,38% lên 3.110,59 điểm và chỉ số DAX của Đức tiến 2,25% lên 5.965,63 điểm.
Tuy nhiên, mức tăng ngược trở lại của các thị trường chứng khoán vẫn chưa thể xóa nhòa cú sốc trong phiên liền trước khi Hy Lạp bất ngờ tuyên bố trưng cầu ý dân về gói cứu trợ mới. Hôm qua, chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn Phố Wall chỉ giảm nhẹ.
Điều đó cho thấy, nhà đầu tư vẫn lo nhiều hơn mừng, trước tình hình nợ công châu Âu có thể trở xấu. Sáng cùng ngày, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã nhận được sự ủng hộ của nội các về đề xuất tiến hành cuộc trưng cầu ý dân.
Theo người phát ngôn chính phủ Elias Mossialos, ngoài sự ủng hộ đối với đề xuất tổ chức cuộc trưng cầu ý dân, nội các Hy Lạp cũng nhất trí với việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đề xuất này dù nhận được sự ủng hộ của nội các, song khó qua “ải” Quốc hội, bởi theo hiến pháp Hy Lạp, để thông qua việc tổ chức trưng cầu ý dân cần phải có sự ủng hộ của 180 trên tổng số 300 nghị sĩ Quốc hội.
Trong khi đó, đảng Xã hội cầm quyền chỉ có 153 ghế và cần giành thêm sự ủng hộ của phe đối lập, mà hiện tại các đảng này đang bác bỏ đề xuất của Thủ tướng, thậm chí có người còn cho rằng, quyết định của ông Papandreou càng đẩy Hy Lạp đến bờ vực phá sản.
Tuyên bố của Thủ tướng Papandreou đã thực sự gây nên một cơn sóng dữ đối với cả chính trường lẫn thương trường châu Âu. Nếu người dân Hy Lạp nói "không", thỏa thuận cứu trợ mới đạt được hôm 26/10 sẽ bị vô hiệu hóa, mà khả năng này rất dễ xảy ra.
Theo kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 31/10, gần 60% số người dân Hy Lạp đánh giá gói cứu trợ mới của Liên minh châu Âu là "tiêu cực". Sáu trong số 10 người được hỏi ý kiến bác bỏ gói cứu trợ. Như vậy, khả năng Hy Lạp bác bỏ kế hoạch này là rất cao.
Không trực tiếp chỉ trích ông Papandreou như một số nhà lãnh đạo châu Âu khác nhưng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngay lập tức cùng tuyên bố sẽ áp dụng thỏa thuận nói trên.
Trong cuộc họp nội các hôm 1/11, Tổng thống Pháp cho rằng, việc trao tiếng nói cho người dân thông qua trưng cầu ý dân là lựa chọn chính đáng, song “tình đoàn kết của tất cả các nước trong khối đồng Euro sẽ không thể thực hiện nếu các bên không nỗ lực”.
Ông cũng khẳng định một lần nữa rằng kế hoạch được nhất trí thông qua tại hội nghị thượng đỉnh châu Âu hôm 26/10 bởi tất cả 17 thành viên khu vực đồng Euro là là “con đường duy nhất để giải quyết khủng hoảng nợ của Hy Lạp”.
Và trong một bối cảnh khá bấp bênh như vậy, kim loại vàng lại là kênh trú ẩn an toàn nhất của giới đầu tư. Đêm qua, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco tăng khoảng 20 USD lên 1.738 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 11,4 USD lên 1.741 USD/ounce.
Diệp Anh
Theo VnEconomy