Dantin - Báo Đời sống & Tiêu dùng số 43, ra ngày 5/12/2013 có đăng bài. “Khuất tất sau việc thi hành một bản án”. Ngay sau khi báo đăng, chị Trương Thị Quỳnh Hương, nhân vật trong bài tiếp tục gửi đến Đời sống & Tiêu dùng những thông tin chi tiết về vụ việc.
Bản án không công bằng!
Theo đơn của chị Trương Thị Quỳnh Hương ông Lê Văn Đặng và bà Nguyễn Thị Nữa (bố mẹ chồng chị Hương) có 4 người con là Lê Thị Ánh,Lê Văn Rạng, Lê Hồng Dũng và Lê Hồng Hải. Năm 1964 ông Đặng bà Nữa thuê mảnh đất 90,50m2 của bà Trần Thị Sáu và dựng lên trên đó căn nhà có diện tích 87,82m2. Năm 1966, ông Đặng mất để lại vợ và 4 con tiếp tục sống tại nơi đây. Năm 1978, ba anh em Rạng, Dũng và Hải đã đổi một con bò do ba anh em nuôi để lấy ngôi nhà và mảnh đất này của bà Sáu. Thời gian sau, chị Ánh, anh Rạng, anh Dũng lập gia đình ra ngoài ở riêng, bà Nữa về phường Trung Mỹ Tây ở, chỉ còn một mình anh Hải là con út ở lại căn nhà và trực tiếp sử dụng. Năm 1994, anh Hải kết hôn với chị Trương Thị Quỳnh Hương và sinh hai con gái. Anh chị đã đầu tư, sửa chữa xây dựng thành căn nhà khang trang trên mảnh đất này. Năm 2000 anh Hải lâm bệnh qua đời, chị Hương và hai con tiếp tục sinh sống tại căn nhà đó.
Tại bản án số 230/DS/ST ngày 24/7/2006 tuyên xử chia cho bà Nữa một nửa căn nhà nêu trên và chị Hương được quyền sở hữu nửa căn nhà còn lại. Đồng thời chị Hương phải có trách nhiệm thanh toán cho các đồng thừa kế 206.527.428 đồng gồm bà Nữa 62.056.713 đồng, bà Ánh, anh Rạng, anh Dũng mỗi người 48.156.905 đồng. Cảm thương hoàn cảnh chị Hương, anh Rạng và Dũng tại tòa đã không nhận kỷ phần thừa kế của mình mà tặng lại hai cháu con chị Hương. Hai anh cũng có đơn gửi cơ quan thi hành án (THA) quận 12 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chị Hương không phải THA.
Chị Hương cho biết, Tòa án quận 12 đã bỏ qua rất nhiều tài liệu, hồ sơ, bút lục quan trọng trong vụ án gây bất lợi cho chị như: Đơn xác nhận của bà Trần Thị Sáu ngày 24/6/2003; đơn gửi các cơ quan chức năng của anh Dũng, anh Rạng, tất cả đều xác nhận mảnh đất tranh chấp đã được ba anh em đổi con bò cho bà Sáu chứ không phải của ông Đặng bà Nữa. Như vậy, với việc bỏ qua những chứng cứ này, Tòa án đã làm thay đổi bản chất của vụ việc dẫn đến việc xác định sai tranh chấp, đồng nghĩa với sự thiệt thòi nghiêm trọng của chị Hương.
Giả mạo chữ ký
Chị Hương cho biết thêm: Ông Nguyễn Văn Quy Chi cục trưởng Chi cục THA quận 12 đã đồng ý với bà Lê Thị Ánh (một trong bốn đồng thừa kế) đưa ra văn bản: Bà Ánh đại diện các thừa kế, yêu cầu kê biên, cưỡng chế, định giá và bán đấu giá một nửa căn nhà mà Tòa án đã tạo điều kiện cho mẹ con chị ở. Ngoài ra, cơ quan THA còn ép chị giao cả phần công trình phụ là 2,7m2 đất và các thiết bị sinh hoạt (không có trong bản án). Vẫn theo chị Hương, trong hồ sơ của THA quận 12, có tới 171 bút lục thì 35 bút lục như: Biên bản thỏa thuận, tống đạt, thông báo THA…tất cả đều giả mạo chữ ký của chị để hợp thức hóa thủ tục yêu cầu cưỡng chế thi hành án và đưa chị vào trường hợp người có điều kiện thi hành án mà không chấp hành.
Căn nhà tranh chấp thời điểm đó theo giá thị trường khoảng 1,5 tỷ đồng nhưng Hội đồng định giá chỉ định giá 569.455.000 đồng gây thiệt hại lớn cho chị Hương. Điều đáng nói trong phiên bán đấu giá ngày 3/7/2008, ông Nguyễn Đăng Khoa là người mua được một nửa căn nhà này nhưng sau đó lại được bà Lê Thị Ánh chào bán với giá gần 2 tỉ đồng?!
Theo luật sư Phạm Thanh Năng, Trưởng chi nhánh 2, Văn phòng luật sư Bắc Hà tại TPHCM thì Cơ quan THA quận 12 đã cưỡng chế trái pháp luật, vi phạm điều 43 của Pháp lệnh số 13/2004/ PL-UBTVQH11; khoản 3 và 4 NĐ 173/2004/NĐ-CP.
Mặc dù chị Hương đã nhiều lần gửi đơn lên Cục THADS TPHCM để khiếu nại về sai phạm của Chi cục THA quận 12 nhưng không được giải quyết thỏa đáng. “Phải chăng có sự bao che hay thiếu trách nhiệm trong việc xử lý cấp dưới, trong khi sự việc sai trái đã được phơi bày rõ ràng”, LS Phạm Thành Năng đặt câu hỏi?
Yến Nhi