Sự kiện hot
11 tháng trước

Giá cà phê tiếp tục thiết lập kỷ lục mới

Từ đầu năm đến nay giá cà phê trong nước liên tục xác lập các mức đỉnh mới lên đến 83.400 đồng/kg, tăng 22% so với đầu năm và tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của hải quan, đến giữa tháng 2, Việt Nam xuất gần 295.000 tấn, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái và thu về 911 triệu USD. Bình quân mỗi tấn cà phê khoảng 3.100 USD, tăng 43% cùng kỳ năm 2023.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cho hay, tháng 2 trùng dịp Tết Nguyên Đán nên nhiều đơn hàng chậm lại. Tuy nhiên, đà xuất sẽ tăng trong nửa cuối tháng, đạt thêm 200-300 triệu USD. Vì thế, mặt hàng này có thể thu về hơn 1 tỷ USD trong hai tháng đầu năm, tăng 50% so với cùng kỳ 2023. Cà phê có kim ngạch xuất khẩu cao thứ ba trong nông nghiệp, sau nhóm hàng gỗ và thủy sản. Châu Âu là thị trường nhập nhiều cà phê Việt nhất, với 29% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kế đến là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Indonesia.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 12/2023 đã tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 12,2 triệu bao. Qua đó đưa tổng xuất khẩu cà phê trong 3 tháng đầu tiên của niên vụ hiện tại 2023-2024 lên mức 32,4 triệu bao, tăng 6,8% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 trên sàn London dao động ở mức 3.248 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 21/2, tăng 4% so với một tháng trước và cao hơn 47,5% cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 10/2 giá cà phê robusta thậm chí đã đạt 3.349 USD/tấn, mức cao nhất từ trước đến nay.

Hiện tại, hoạt động thu hoạch cà phê của niên vụ 2023 – 2024 đã gần như kết thúc. Sản lượng được Hiệp hội Cà phê – Cacao dự báo giảm 10% so với niên vụ trước đó xuống 1,6 triệu tấn. Nguyên nhân là do diện tích trồng cà phê có bị thu hẹp do dân chuyển sang trồng sầu riêng, tuy nhiên nhờ năng suất vẫn cao nên sản lượng cà phê năm nay bằng năm ngoái.

Tại thị trường trong nước, từ đầu năm đến nay giá cà phê liên tục xác lập các mức đỉnh mới. Tính đến ngày 22/2, giá cà phê robusta nhân xô tại khu vực Tây Nguyên được giao dịch ở mức 82.500 – 83.400 đồng/kg, tăng 22% so với đầu năm và tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đánh giá về tình hình cung cầu cà phê trên toàn cầu, giới chuyên gia quốc tế cho rằng, thế giới sẽ không thiếu hay gặp khó khăn đối với nguồn cung Arabica nhưng sẽ có khó khăn với Robusta.

Trong khi đó, Việt Nam là nước sản xuất và cung cấp Robusta số 1 thế giới nhiều năm nay. Cả thế giới quen với việc mua cà phê Robusta của Việt Nam. Các nhà rang xay trên thế giới đã thay đổi công thức rang xay của họ với thành phần lớn là Robusta Việt Nam.

Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam nhận định, nguồn cung trên thị trường đang thiếu, nên đây là lợi thế cho các đơn vị xuất khẩu trong nước. Ngoài ra, việc EU đưa cà phê vào diện phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR) từ giữa năm 2023, cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá nông sản này khi nhiều nước chưa kịp đáp ứng. Do đó, cà phê Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi về giá.

Hiện, áp lực về nguồn cung cà phê đã giảm khi Việt Nam đã quay trở lại thị trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong khi đó, Rabobank công bố báo cáo hàng tháng về cà phê Brazil, bất chấp tình trạng tắc nghẽn hậu cần ở cảng Santos, xuất khẩu vẫn đạt kỷ lục 39 triệu bao trong tháng 1/2024 (xuất khẩu cà phê robusta đã tăng tới 504% so với tháng 1/2023).

Ngoài sự thiếu hụt của nguồn cung Robusta toàn cầu, các cuộc tấn công khủng bố trên tuyến hàng hải qua Biển Đỏ cũng góp phần làm tăng nhu cầu đối với cà phê Robusta của Brazil. Bên cạnh đó, thị trường vẫn xuất hiệu các yếu tố giúp giá cà phê sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn.

Tính đến ngày 16/2/2024, tồn kho cà phê Robusta do sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã giảm 5.050 tấn (giảm 20,1%) so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 20.090 tấn (khoảng 334.833 bao, bao 60 kg), mức thấp kỷ lục mới, trong bối cảnh nguồn cung Robusta toàn cầu vẫn còn bị ách tắc và tại thị trường nội địa của nhiều nước sản xuất chính.

Hương Trà
Theo KTDU

Từ khóa: