Những điều chỉnh về tỉ giá, xăng dầu cũng như giá điện sắp tới khiến nhiều người lo lắng về giá cả.
Những điều chỉnh về tỉ giá, xăng dầu cũng như giá điện sắp tới khiến nhiều người lo lắng về giá cả. Theo ghi nhận của PV, do mãi lực sau Tết khá yếu nên hiện nay hầu như giá cả các mặt hàng trong siêu thị, dịch vụ đều đang đứng yên để nghe ngóng. Còn bên ngoài các chợ thì giá cả đứng ở mức cao.
Đắn đo để nghe ngóng…
Siêu thị MaxiMark Cộng Hòa (TP.HCM) từ ngày khai trương trở lại sau Tết Tân Mão mãi lực mua sắm khá yên ắng. Nhiều mặt hàng vẫn giữ nguyên giá cả cho dù liên tiếp có những biến động về điều chỉnh.
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc siêu thị MaxiMark Cộng Hòa TPHCM, cho biết về cơ bản sắp tới chắc chắn các doanh nghiệp (DN), nhà phân phối sẽ có những đợt điều chỉnh giá. Tuy nhiên, hiện tại, mặt bằng giá cả tại siêu thị gần như không có biến động.
Theo bà Thảo, sau Tết chỉ có vài chục nhà phân phối thông báo tăng giá sau Tết, trong đó chủ yếu là các nhãn hàng sữa. Ví dụ hãng sữa Abott sẽ điều chỉnh giá tăng từ 12 đến 18%, tuy nhiên, việc tăng giá này cũng chỉ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi có thông báo. Do vậy, giá cả tại siêu thị cũng phải chờ đến tháng 3 mới bắt đầu điều chỉnh.
Với các mặt hàng như nhu yếu phẩm, rau củ quả do vẫn còn đang tiếp tục chương trình "bình ổn giá" của Sở Công Thương (kéo dài hết tháng 3.2011) nên mọi thứ cũng đều đứng giá so với trước Tết.
Các mặt hàng giá thiết yếu vẫn được các giữ giá ổn định trong các siêu thị - Ảnh: T.T
|
Bà Thảo cho biết trong tình hình này, các DN và nhà phân phối cũng đang rất đắn đo tính toán điều chỉnh giá phù hợp để thu hút mãi lực từ người tiêu dùng trở lại. "Từ sau Tết đến giờ, giá cả rất ổn định, mọi thứ vẫn phải chờ đến sang tháng 3.2011" - bà Thảo nói.
Tương tự, các mặt hàng tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op cũng khá ổn định và gần như không có biến động so với trước Tết.
Bà Nguyễn Thị Quyền, đại diện hệ thống siêu thị điện máy Thiên Hòa cho biết sau khi giá xăng dầu điều chỉnh tăng, vẫn chưa thấy DN hay nhà phân phối nào thông báo tăng giá. Sau đợt điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vừa qua, nhìn chung các mặt hàng điện máy cũng nhích nhẹ từ 3 - 10%. Tuy nhiên, tác động của việc tăng giá xăng và điện thì vẫn còn phải chờ đợi.
Các hãng lữ hành cũng hiện đang rất bình tĩnh trước thông tin giá xăng, dầu được điều chỉnh vào ngày hôm qua.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông của Vietravel khẳng định từ đây đến tháng 3.2011, giá tour và dịch vụ của hãng sẽ giữ nguyên như năm 2010. Tuy nhiên, ông Mẫn cũng thừa nhận giá tour cầm cự đến lúc nào thì không rõ khi chắc chắn các đơn vị vận tải đang rục rịch kế hoạch tăng giá trong thời gian tới.
Té nước theo mưa
Trong khi các mặt hàng bên trong siêu thị vẫn đang khá ổn định thì tình trạng “giá cao” đã bắt đầu xuất hiện bên ngoài thị trường.
Tại Đà Nẵng, thông thường, các mặt hàng thực phẩm thi nhau tăng giá trước Tết Nguyên đán rồi từ mùng 10 trở đi, giá cả sẽ ổn định và giảm lại.
Thế nhưng, năm nay, giá cả thực phẩm sau Tết nhưng vẫn… dậm chân tại chỗ. Theo đó, giá thịt heo mông nếu bình thường từ 65.000 - 70.000 đồng/kg thì từ trước Tết đến nay vẫn cố định ở mức giá 80.000 - 85.000 đồng/kg; giá thịt ba chỉ từ 60.000 đồng lên 75.000 đồng/kg; thậm chí một vài chợ lên 80.000 đồng bằng thịt mông. Thịt bò loại 1 từ 145.000 đồng lên 185.000 đồng/kg…
Giá cả tại các chợ ở Đà Nẵng vẫn không hạ nhiệt sau Tết - Ảnh: Vũ Phương Thảo
|
Hôm nay (25.2), giá cả một số mặt hàng rau xanh, nhất là các rau củ quả nhập từ Đà Lạt đã rục rịch tăng giá lên từ 1.000 đồng - 2.500 đồng/kg. Tôm thẻ tăng giá từ 10.000 đồng lên 12.000 đồng/lạng, tôm đồng có nơi đang bán giá 16.000 đồng/lạng.
Giá xăng dầu tăng tác động trực tiếp đến đời sống của các ngư dân miền biển. Ngư dân Nguyễn Văn Bé (Thanh Khê, Đà Nẵng) tính toán: “Nếu theo giá dầu tăng hiện nay, trung bình một chuyến ra khơi khoảng 1 tháng, tôi phải chi thêm gần 40 triệu đồng”.
Nỗi lo tăng chi phí bao trùm tất cả các bến tàu và âu thuyền Thọ Quang. Nhiều chủ tàu cho biết họ phải tính lại phí tổn trước khi ra khơi.
Trao đổi với Thanh Niên Online sáng 25.2, Phó giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng Lữ Bằng cho biết, các mặt hàng tăng giá do chi phí đẩy từ việc điều chỉnh tỉ giá ngoại tệ và xăng dầu. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý khiến một số mặt hàng cũng té nước theo mưa. Theo ông Bằng, Sở đang tăng cường kiểm tra thị trường để tránh các trường hợp buôn lậu xăng dầu qua biên giới.
Sở Công Thương yêu cầu các đại lý, đơn vị kinh doanh xăng dầu phải báo cáo con số nhập, xuất xăng dầu hằng ngày. Riêng đối với một số mặt hàng trọng yếu như vật liệu xây dựng, tiêu dùng, đặc biệt là thị trường sữa, các tổ kiểm tra liên ngành sẽ tăng cường rà soát kiểm tra nguồn gốc, giá cả niêm yết, tránh các hiện tượng đầu cơ, găm hàng.
Ông Lữ Bằng cho biết nguồn dự trữ lương thực của Đà Nẵng hiện tại khá dồi dào nên đảm bảo sẽ ổn định giá trong một khoảng thời gian nữa.
Theo Thành Trung - Vũ Phương Thảo/Thanh Niên