Sự kiện hot
8 năm trước

Giá chung cư có tranh chấp giảm mạnh

Tại Hà Nội, nhiều khu chung cư có dấu hiệu cắt lỗ trong khi giao dịch giảm. Nguyên nhân được chỉ ra, hơn 1 năm trở lại đây lượng hàng bung ra quá nhiều, trong khi tỉ lệ hấp thụ không tăng mạnh. Theo Hội Môi giới BĐS, giá nhà được đẩy lên quá cao là nguyên nhân chính. Đáng chú ý, những dự án giá giảm sâu đều đang nằm trong các dự án có tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân.

Chung cư mọc lên như nấm ở Hà Nội.

Giảm giá vì tranh chấp, kiện cáo triền miên

Thực tế trên thị trường, việc bán cắt lỗ không chỉ xảy ra tại vài dự án đơn lẻ mà đang lan sang diện rộng, từ dự án đang ở giai đoạn đầu xây dựng đến cả dự án bắt đầu bàn giao. Trên trục đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân, HN), Tố Hữu (Hà Đông, HN) có hơn 40 dự án chung cư đã và đang chuẩn bị bàn giao cũng đều xảy ra hiện tượng cắt lỗ. Ông Nguyễn Văn Dũng - GĐ sàn giao dịch BĐS Mỹ Đình - cho hay, một tháng trở lại đây, những khách hàng đã mua các sản phẩm của sàn hơn một năm trước, giờ quay lại ký gửi căn hộ. “Những căn hộ này, đã được giao dịch sang tay từ người mua đầu nên giá đẩy lên khá cao. Giờ họ chỉ muốn thu hồi hồi vốn, cũng có trường hợp chấp nhận lỗ từ 1 đến 2 triệu/m2” - ông Dũng nói.

Trên trang giao dịch mua bán BĐS, nhiều cư dân rao bán cắt lỗ từ vài trăm lên tới tỉ đồng. Cụ thể, dự án Home City, một chủ nhà rao bán mức giá 33 triệu đồng/m2. Trước đó, dự án này từng có giá 36 triệu đồng/m2. Căn hộ hơn 70m2 bị giảm giá khoảng 200-300 triệu đồng so với trước. Theo cư dân Home City, dự án đang trong cao điểm tranh chấp khi chủ đầu tư không thừa nhận đường vào ở 177 Trung Kính. Việc này đã đẩy hàng loạt cuộc căng băng rôn, biểu tình phản đối của cư dân. Tương tự, dự án Golden West trên đường Lê Văn Lương, đang xảy ra tranh chấp khi cư dân tố chủ đầu tư bịt các ô thoáng và tranh chấp về tiện ích dự án. Tại dự án này, khách hàng đang rao bán cắt lỗ 28 triệu/m2. Tại dự án Ecolife do Cty XD và TM Thủ đô làm chủ đầu tư đang ở giai đoạn bàn giao nhà nhưng do chất lượng bàn giao không đúng cam kết dẫn đến tranh chấp làm nhiều khách hàng phân vân mua nhà tại dự án này.

Ngoài dự án mới, các dự án đã bàn giao được nhiều năm nhưng thiếu thủ tục pháp lý, vi phạm trật tự xây dựng cũng bị giảm giá đáng kể. Điển hình là chung cư do TĐ Mường Thanh xây dựng. Cụ thể, các cụm chung cư Đại Thanh, Linh Đàm, Kim Văn Kim Lũ, những tầng xây vượt phép đều giảm giá đáng kể. Chị Thanh, chủ sàn môi giới BĐS tại Linh Đàm thừa nhận, với những căn hộ HH trên tầng 35 trở đi hầu như không có thị trường. “Các tầng này xây sai phép nên không thể cấp sổ đỏ. Người mua trước đây không biết thông tin còn hồ hởi đặt tiền, vài tháng trở lại đây hầu như không ai hỏi” - chị Thanh nói.

Giá nhà đang quá cao

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng - thừa nhận, hiện nay có không ít những thông tin rao bán cắt lỗ căn hộ của NĐT thứ cấp. Hiện nay, nhiều dự án chủ đầu tư không căn cứ vào chi phí, chất lượng sản phẩm để định giá bán mà thường căn cứ vào giá thị trường, giá các dự án khác để định giá cho dự án mình. Tình trạng định giá theo giá thị trường vô hình chung đã đẩy giá dự án sau cao hơn dự án trước, thiết lập mặt bằng giá mới cao vượt hẳn giá trị thị trường chỉ sau một thời gian ngắn” - ông Hà cho biết.

Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận xét: Tình trạng này rất nguy hiểm, một khi đã định giá cao khó hạ giá xuống khiến giao dịch chững lại. Hậu quả là nhà đầu tư, đầu cơ bán tháo tác động xấu đến thị trường. Hiện nay cần cảnh tỉnh chủ đầu tư, định giá sản phẩm đúng với giá trị thực, xem lại chiến lược kinh doanh để tránh trường hợp nâng giá quá cao rồi không hạ xuống được gây nên những diễn biến xấu trên thị trường là bán tháo, cắt lỗ”.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, sẽ tập trung rà soát, đánh giá toàn diện về thị trường, đến kiểm tra một số dự án BĐS quy mô lớn chiếm nhiều diện tích đất. Đồng thời, đánh giá về các chính sách liên quan như để đề xuất với Chính phủ những công cụ quản lý hữu hiệu, đảm bảo kiểm soát thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh. “Phải có định hướng hạ nhiệt khi thị trường khi chưa đến mức phát triển quá nóng như giai đoạn trước. Tất nhiên, các động thái kiểm soát cũng cần đảm bảo giữ ổn định để thị trường không xảy ra tình trạng trầm lắng, đóng băng như giai đoạn 2010-2011. Bộ Xây dựng sẽ tiếp cận chủ động và có những giải pháp linh hoạt hơn trong ứng xử với thị trường BĐS” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Theo Lao Động

Từ khóa: