Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên hơn 2.103 đồng/kWh, tương đương mức tăng 4,8% so với mức giá hiện hành.
Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân được quyết định điều chỉnh tăng thêm 4,8% (là mức điều chỉnh tăng thuộc thẩm quyền của EVN). Như vậy, giá điện tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Vậy với mức tăng 4,8% thì chi phí tiền điện của các đối tượng khách hàng sẽ thay đổi ra sao? Theo tính toán của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, mức tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% làm cho chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng thêm 0,04%. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện lần này tác động đến các đối tượng khách hàng khác nhau, phụ thuộc vào mức tiêu thụ và hành vi sử dụng điện của từng nhóm.
Cụ thể, với nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt (kinh doanh dịch vụ, sản xuất, đơn vị hành chính sự nghiệp) mỗi tháng sẽ phải chi trả tăng thêm từ 91.000 đồng/tháng đến 499.000 đồng/tháng, tuỳ từng đối tượng sử dụng.
Trong khi đó, với nhóm khách hàng sinh hoạt, tỉ lệ sử dụng điện sinh hoạt hiện nay được phân chia theo các bậc thang tiêu thụ, từ thấp đến cao theo 6 bậc. Trong đó, bậc 1 với mức giá điện hiện nay là 1.806 đồng/kWh sẽ tăng lên mức 1.893 đồng/kWh (tiền điện phải trả tăng thêm là 4.350 đồng/kWh); bậc 2, mức giá điện hiện hành là 1.866 đồng/kWh, sau khi tăng thêm có giá là 1.956 đồng/kWh (tiền điện phải trả tăng thêm là 8.850 đồng/kWh); bậc 3, có mức giá là 2.167 đồng/kWh, sẽ tăng lên mức 2.271 đồng/kWh (tiền điện phải trả tăng thêm là 19.250 đồng/kWh)… bậc 6, hiện giá bán lẻ điện bình quân là 3.151 đồng/kWh, mức giá mới sẽ là 3.302 đồng/kWh (tiền điện phải trả tăng thêm là 62.150 đồng/kWh).
Căn cứ mức giá điện bán lẻ mới được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra có thể thấy, đối với khách hàng sử dụng điện ở mức từ 200 kWh/tháng sẽ phải chịu mức tăng đáng kể. Thực tế với mức tiêu thụ này, nhiều người sẽ phải gánh thêm một số tiền lớn hàng tháng cho chi phí sử dụng điện. Trong khi đó, mức giá tiêu dùng thời gian quan cũng đã tăng cao, đặc biệt là kể từ sau cơn bão số 3.
Cũng theo EVN, tổng số khách hàng sinh hoạt sử dụng điện từ 200 kWh/tháng trở xuống là 17,41 triệu hộ, tương ứng với 61,35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Theo tính toán, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ từ 200 kWh/tháng trở xuống là 13.800 đồng/hộ.
Mới đây, Bộ Công thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN. Đây là kết quả của Đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện của các Bộ, cơ quan, hiệp hội có liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 trên 528.604 tỷ đồng, gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành, tăng 35.338,94 tỷ đồng (tương ứng tăng 7,16%) so với năm 2022.
Tiến Hoàng/KTDU