Sự kiện hot
13 năm trước

Giá gas giảm: Mừng ít lo nhiều

Ngay sau khi Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) giảm giá gas và cho phép giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống 0%, một số DN kinh doanh đầu mối đã có thông báo giảm 16.000 đồng/bình 12 kg. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn chưa làm người tiêu dùng bớt lo lắng...

Ngay sau khi Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) giảm giá gas và cho phép giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống 0%, một số DN kinh doanh đầu mối đã có thông báo giảm 16.000 đồng/bình 12 kg. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn chưa làm người tiêu dùng bớt lo lắng...

Giảm do chính sách

Việc giảm giá bán lẻ 16.000 đồng/bình đã bước đầu khiến người tiêu dùng bớt gánh nặng tăng giá. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, các hãng gas tăng giá cao mà giảm chẳng bao nhiêu, như thế chưa thực sự công bằng.

Mặc dù giá gas đã giảm nhưng người tiêu dùng vẫn chưa hết lo ngại về nguy cơ giá mặt hàng này sẽ lại tăng trong thời gian tới. Images: Kỳ Anh

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (phường Mai Động, quận Hai Bà Trưng) than thở: "Tôi thấy rất phi lý khi các hãng gas ồ ạt tăng đến hơn 50.000 đồng, mà khi giảm lại rất "nhỏ giọt". Họ cứ lấy lý do giá gas thế giới tăng để tăng giá bán lẻ. Mức lương công nhân của vợ chồng tôi bình thường đã rất eo hẹp, nay cái gì cũng tăng giá, phải chật vật lắm mới cân đối được chi tiêu trong nhà".

Anh Nguyễn Mạnh Hùng ở Cầu Giấy chia sẻ, giá giảm được nhiều hơn thì tốt, vì lần nào tăng cũng tăng mạnh, nhưng khi giảm rất nhỏ giọt. Nếu tính cả trong năm 2011, chắc không ai đếm nổi số lần giá gas lên xuống. "Không biết đợt giảm giá lần này có phải là "đà" để cho đợt tăng giá tiếp theo hay không? Thực tế từ vài năm nay, cứ đợt nào giảm một chút y rằng lần sau lại tăng lên gấp đôi, gấp ba…", anh Hùng lo lắng.

Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) nhận định tháng 3 vẫn có nhiều yếu tố gây sức ép tăng giá. Cụ thể, dịch cúm gia cầm bùng phát sẽ tác động đến nguồn cung và gây sức ép tăng giá đối với nhóm thực phẩm khác. Áp lực tăng giá xăng dầu, giá bán than tăng 10% từ 25/2 gây áp lực đầu vào cho những ngành phân bón, giấy, xi măng... Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng nhiều dịch vụ y tế cũng sẽ tác động đáng kể đến CPI.

Theo tính toán của một DN, với việc giá CP (giá hợp đồng thế giới) tháng 2 trên 1.000 USD/tấn, việc thuế nhập khẩu từ 5% giảm còn 0%, quy đổi đã kéo giá trong nước giảm 16.000 đồng/bình. Tuy nhiên, việc giảm giá gas này chỉ tương ứng với thuế suất giảm còn việc các DN có giảm thêm hay không vẫn chưa chắc chắn. Như vậy lần điều chỉnh này chỉ giảm do chính sách chứ DN chưa giảm vì người tiêu dùng.

Không chỉ là giá gas, mà người dân còn lo lắng rất nhiều các mặt hàng khác như xăng dầu, điện, thực phẩm,... cũng đang rục rịch tăng giá khiến đời sống của họ càng thêm khó khăn.

Kìm cương đến đâu?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định: "Mức tăng giá gas có nguyên nhân khách quan là do chịu sự tác động trực tiếp của giá thị trường thế giới, nhưng mức tăng cao đã gây rất nhiều khó khăn cho người tiêu dùng". Ông Thỏa cũng khẳng định, hiện nay thị trường gas trong nước đang rất lộn xộn, đặc biệt là tại các đại lý, cửa hàng không thuộc hệ thống phân phối gas. Đây là một kẽ hở lớn, rất khó kiểm soát.

Cả nước hiện có hơn 80 công ty kinh doanh gas với gần 6.000 đại lý và cửa hàng bán lẻ, nhưng hầu hết kinh doanh theo kiểu mua đứt bán đoạn, nghĩa là đại lý bán lẻ tự quyết định giá bán. DN đầu mối - tổng đại lý - các đại lý thuộc hệ thống - các đại lý bán lẻ tư nhân là mô hình chuỗi hệ thống phân phối đang được áp dụng cho thị trường gas. Do đó, giá gas thường rất cao khi đến tay người tiêu dùng, điều đáng nói là tình trạng bất cập này đang vượt ngoài tầm kiểm soát của cả DN đầu mối và cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas cho biết: "Chưa bao giờ giá gas thế giới tăng tới trên 1.000 USD/tấn như hiện nay. Theo dự báo giá gas sẽ còn nhiều biến động". Xem ra, cơ hội giảm giá gas sẽ rất hiếm hoi và mức giảm ít, còn xu thế tăng giá có vẻ rộng cửa hơn.

Theo dự báo, giá gas sẽ còn có nhiều biến động và rất khó có cơ hội để giảm giá. Ảnh: Tuấn Hà

Theo Tổng cục Thống kê, lượng khí đốt hóa lỏng nhập về 2 tháng đầu năm 2012 là 142.000 tấn tăng 203,6% về lượng và 216,5% về trị giá. Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số thống kê của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê, hoạt động của các DN nhập gas về trong mối tương quan với giá là rất khó hiểu. Tại thời điểm giá gas tăng vọt, lượng hàng nhập về lại tăng gấp đôi. Trong những tháng tới, với lượng nhập khẩu nhiều như thế này, cả khi giá gas thế giới đi xuống, người tiêu dùng vẫn phải sử dụng sản phẩm với giá của thời điểm hiện tại. Còn nếu những lô hàng đã nhập khẩu từ những tháng trước mà vẫn bán với giá của tháng 1, tháng 2 thì rõ ràng người tiêu dùng đang bị thiệt.

Nghi vấn như vậy, song cũng tương tự như mặt hàng xăng dầu, lý lẽ của các DN kinh doanh mặt hàng gas cho rằng, mức thuế nhập khẩu đã lùi đến giới hạn 0%, nếu giá thế giới tiếp tục tăng, giá gas trong nước khó tránh khỏi phải điều chỉnh theo. Tình hình này khiến nhiều chuyên gia và người tiêu dùng tiếp tục lo ngại khi mà biến động giá gas, xăng dầu thế giới rất khó dự báo và kiểm soát như hiện nay.

Giá gas bán đến tay người tiêu dùng dao động 461.000 - 464.000 đồng/bình 12 kg. Từ đầu năm đến nay, gas đã bốn lần tăng giá với mức tăng tổng cộng khoảng 126.000 đồng/bình 12 kg. Trong đó, lần gần đây nhất (1/3), tăng tới 52.000 đồng/bình 12 kg.

Theo KTDT


Từ khóa: