Quận Tây Hồ hiện đang là một trong những nơi tập trung khu kinh tế đón đầu rất thu hút đầu tư của Hà Nội. Bởi theo chủ trương của thành phố, đến năm 2030 - tầm nhìn 2050, khu vực này dự kiến sẽ trở thành trung tâm hành chính mới của thủ đô với: trụ sở của tám bộ, ngành di dời về; trụ sở của 13 đại sứ quán cùng nhiều tổ chức quốc tế tầm cỡ…
Cuối tháng 3 vừa qua, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) đã gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng 3 phương án di dời trụ sở 13 bộ, ngành khỏi nội thành Hà Nội.
Trong đó, phương án 1 của VIUP là, di dời 13 bộ ngành về tập trung tại Tây hồ Tây với diện tích 35ha. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 2,16ha; Bộ Công Thương: 2 ha; Bộ Tư pháp: 1,58 ha; Bộ Giao thông - Vận tải: 1,79ha; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: 1,58ha; Bộ Y tế: 2 ha; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 2,15 ha; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 1,58ha; Bộ Thông tin và Truyền thông: 1,58ha; Bộ Giáo dục và Đào tạo: 1,55ha; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: 1,55ha. Còn Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã được chấp thuận và đang triển khai dự án tại khu vực Mễ Trì.
Sau khi VIUP có phương án di dời 13 bộ, ngành khỏi nội thành về Tây Hồ Tây, thì Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị cơ quan này xem xét việc báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương xây dựng trụ sở mới.
Theo đó, "Siêu Ủy ban" đề xuất bố trí đất tại khu vực Tây Hồ Tây (Hà Nội) với quy mô khoảng 1,5–2,5 ha, hình thức đầu tư dự án theo loại hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT).
Với việc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xin đất xây trụ sở mới có thể khiến ngân sách phải chi ra cả nghìn tỷ đồng. Bởi hiện nay giá đất khu vực Tây Hồ Tây đang ở mức rất cao. Mỗi m2 đất tại Tây Hồ Tây hiện nay có giá từ 150 – 200 triệu đồng. Thì để bố trí 1,5 -2,5ha đất Tây Hồ Tây cũng ít nhất 2.250 tỷ đồng.
Mới đây, Ngân hàng BIDV cũng đang thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá một số bất động sản tại quận Tây Hồ. Giá khởi điểm mỗi m2 đất ở đây có giá thấp nhất cũng hơn 150 triệu đồng/m2. Từ đó có thể thấy giá trị mỗi m2 "đất vàng" Tây Hồ Tây ra sao.
Không những vậy, nhiều dự án hạ tầng, giao thông như tuyến đường huyết mạch Phạm Văn Đồng rộng 93m nối vành đai 3 nâng cấp mở rộng 2 chiều với 12 làn xe sẽ hoàn thành vào cuối năm nay không chỉ góp phần giải quyết tình trạng ách tắc giao thông ở tuyến đường Nguyễn Hoàng Tôn mà còn tạo kết nối thuận lợi giữa Tây hồ Tây và phía Tây thành phố. Đây là con đường trọng điểm phát triển thủ đô, cửa ngõ di chuyển đến các tỉnh lân cận, khu công nghiệp lớn của thành phố.
Tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, song song với đường sắt đô thị số 2 kết nối qua các khu đô thị lớn Tây Hồ Tây tạo mạng lưới liên kết đô thị.
Và mới đây nhất là tuyến đường 60m nối hai con đường huyết mạch Võ Chí Công và Phạm Văn Đồng được khai thông cũng sẽ giúp giá trị bất động sản Tây Hồ Tây tăng mạnh. Khi đó, giá trị 1,5-2,5ha đất Tây Hồ Tây còn lớn hơn con số 2.250 tỷ đồng rất nhiều.
Thủy Tiên
Theo Nhà đầu tư