Thấy có người đến thu cước viễn thông, đưa đầy đủ hóa đơn và bảng kê, anh Lê Duy Cường, ở Hà Nội liền thanh toán. Nhưng vài ngày sau, một nhân viên khác của nhà mạng lại đến để yêu cầu anh đóng tiền.
Thấy có người đến thu cước viễn thông, đưa đầy đủ hóa đơn và bảng kê, anh Lê Duy Cường, ở Hà Nội liền thanh toán. Nhưng vài ngày sau, một nhân viên khác của nhà mạng lại đến để yêu cầu anh đóng tiền.
Ngày 10/2, anh Lê Duy Cường, sống ở Minh Khai, Hà Nội, thuê bao trả sau số 09xx300600 bị lừa hơn 200.000 đồng tiền cước viễn thông. Anh kể, hôm đó, một phụ nữ khoảng gần 30 tuổi đến, tự xưng là nhân viên thu cước của Viettel, đọc rõ tên khách hàng là Lê Duy Cường rồi yêu cầu anh nộp phí. Thấy không phải là chị vẫn thu tiền mọi tháng, anh Cường sinh nghi. Nhưng do cô này xuất được hóa đơn và nói mới nhận công tác nên anh Cường đồng ý thanh toán.
Thuê bao trả sau có thể thanh toán cước qua thẻ cào để tránh bị lừa đảo. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Một tuần sau đó, nhân viên quen thuộc đến thu cước, anh Cường ngạc nhiên, trình bày lại sự việc thì được biết hoàn toàn không có chuyện thay đổi nhân sự hay xuất hóa đơn trước đó. Lúc này, anh Lê Duy Cường mới biết mình đã bị lừa và phải thanh toán cước lần 2. "Tờ hóa đơn trước và sau gần như giống nhau hoàn toàn, cũng ghi số thuê bao, tên chính xác, đóng dấu và chữ ký của lãnh đạo nhà mạng,... mình chỉ xem qua nên không phát hiện ra", anh nói.
Thừa nhận sự bất cẩn của bản thân song điều khiến anh Cường băn khoăn là tại sao kẻ mạo danh lại có đầy đủ, chính xác thông tin của anh về cả tên, tuổi, số điện thoại, địa chỉ và nhất là tờ hóa đơn cước phí giống với bản hàng tháng anh vẫn nhận, số tiền phải thanh toán 2 lần cũng không khác nhau. "Mình không hiểu liệu có sự móc ngoặc nào ở đây không, chứ nếu nhà mạng không có biện pháp ngăn chặn, bảo mật thì chắc còn nhiều người rơi vào tình cảnh như mình", anh Cường chia sẻ.
Tình trạng bị "móc túi" bởi nhân viên thu cước giả mạo còn được nhiều thuê bao phản ánh trong các diễn đàn. Trên TTVN, misavn2007, người bị mất gần một triệu đồng tiền cước di động cũng với chiêu tương tự như trên. Người có nick này viết: "Cả nhà cảnh giác nhé, hết gọi điện, nhắn tin, nay họ còn đến gặp trực tiếp để lừa đảo. Nhưng đúng là cước họ thu đúng với cước mình sử dụng tháng đó, vì mình có kiểm tra qua tổng đài trước khi nộp".
Comment trong topic trên, nickname caingothn cho rằng, ngoài việc lợi dụng sự bất cẩn, cả tin thì những người giả mạo phải thông qua một kênh nào đó liên quan đến nhà mạng thì mới biết được chính xác thông tin và cước của thuê bao. "Nghe đúng tên, đúng số tiền sử dụng thì ai chẳng đóng, đi làm về mệt rồi, mấy ai để ý, đến ngày thanh toán thì nộp thôi", caingothn chia sẻ.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện một nhà mạng lớn cho biết, gần đây cũng nhận được một số phản ánh của về việc có người giả mạo là nhân viên thu cước. Căn cứ vào những thông tin mà khách hàng cung cấp, doanh nghiệp viễn thông sẽ tiến hành siết chặt hệ thống bảo mật, phối hợp với cơ quan an ninh để điều tra, tìm ra thủ phạm.
Ông cho biết thêm, thông thường nhân viên thu cước của nhà mạng đều phải đeo thẻ nhân viên, xuất trình thông báo cước lồng trong phong bì niêm phong và xuất hóa đơn đỏ khi khách hàng thanh toán cước. Do đó, để tránh bị lừa đảo, người tiêu dùng cần yêu cầu nhận được tất cả những giấy tờ trên. Nếu gặp trường hợp khả nghi, thuê bao không nên nộp tiền mà liên hệ trực tiếp với tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng để được tư vấn và hỗ trợ.
Ngoài ra, vị lãnh đạo này cho biết thêm, hiện nay, hầu hết các nhà mạng lớn đều đã cung cấp dịch vụ thanh toán cước di động trả sau qua hình thức nạp tiền thẻ cào. Theo đó, khách hàng có thể gọi điện lên tổng đài kiểm tra cước phí tháng vừa sử dụng và nộp tiền qua seri card.
"Cách thanh toán qua thẻ cào ban đầu được đưa ra để phục vụ thuê bao thường xuyên đi công tác xa, không thể có mặt ở nhà để đóng cước. Nhưng dần dần, nhiều người đều sử dụng vì nó tiện lợi, mua thẻ nhiều nơi còn được chiết khấu và không lo chuyện bị giả mạo", ông cho biết.
Xuân Ngọc
Theo VnExpress