Sự kiện hot
12 năm trước

Giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng theo giá xăng

Việc giá xăng tăng trong tháng 6 vừa qua đã kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu tăng nhất là tại chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội. Những người kinh doanh cho biết giá xăng tăng khiến tiền công vận chuyển cũng bị đội giá nên phải đẩy giá hàng hóa lên theo để bù vào chi phí vận chuyển.

Việc giá xăng tăng trong tháng 6 vừa qua đã kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu tăng nhất là tại chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội. Những người kinh doanh cho biết giá xăng tăng khiến tiền công vận chuyển cũng bị đội giá nên phải đẩy giá hàng hóa lên theo để bù vào chi phí vận chuyển.


Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ngay sau khi xăng dầu tăng giá lên mức 24.578 đồng/lít, giá các mặt hàng thực phẩm kinh doanh tại các chợ đã tăng nhẹ. Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội các loại rau, củ, quả tăng từ 1.000-5.000 đồng/mớ/kg; thịt lợn từ 5.000-10.000 đồng/kg, thịt gia cầm 10.000-15.000 đồng/kg…

Cùng với đó, giá các loại rau củ như giá dưa chuột tăng 2.000 đồng/kg lên 10.000-11.000 đồng/kg; mướp đắng tăng 1.000 đồng/kg lên 10.000 đồng/kg. Giá rau xà lách búp tăng 7.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg. Các loại bí đỏ, bí đao, bắp cải trắng, cà chua đều có mức tăng 1.000-2.000 đồng/kg. Các loại rau xanh khác cũng nhích tăng 500-1.000 đồng/mớ.

So với tháng trước, hiện giá trứng đã tăng thêm 200-300 đồng/quả, như trứng gà ta có giá bán 38.000 đồng/chục (tăng 3.000 đồng/chục); trứng gà công nghiệp 25.000 đồng/chục (tăng 3.000 đồng/chục); trứng chim cút 7.000 đồng/chục (tăng 1.000 đồng/chục); trứng vịt 34.000 đồng/chục (tăng 2.000 đồng/chục).

Ngoài ra, giá bán các loại thịt lợn, bò… tăng 10.000-20.000 đồng/kg, như giá thịt lợn ba chỉ, nạc mông, vai hiện là 90.000-100.000 đồng/kg; sườn, thịt nạc thăn giá 100.000-110.000 đồng/kg; thịt bò thăn giá 280.000 đồng/kg; thịt bò bắp 250.000 đồng/kg…

Khảo sát tại khu vực chợ Mơ, chợ Đồng Tâm, hầu hết các tiểu thương đều cho rằng bên cạnh việc thời tiết nóng, mùa vụ, một phần lý do tăng là do thông tin tăng lương, tăng giá xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu khác đã khiến giá cả trên thị trường có tâm lý tăng lên.

Cùng đó, hàng hóa đều được vận chuyển từ các tỉnh ra thành phố nên việc hàng hóa từ các tiểu thương đến doanh nghiệp bán lẻ cũng như hệ thống siêu thị đều đồng loạt nhích tăng là hợp lý.

Không chỉ dừng lại ở giá thực phẩm mà giá các loại phương tiện vận tải cũng nhúc nhích tăng giá do chi phí tăng lên đáng kể sau 3 đợt tăng giá xăng liên tiếp gần đây. Tháng trước, một chiếc Hyundai Counter 24 chỗ ngồi chạy tuyến Hà Nội-Thái Bình chi phí 1,1 triệu đồng tiền xăng/lượt thì nay tăng lên 1,3 triệu đồng/lượt, trong khi kinh doanh vận tải ngày càng khó khăn, nếu tăng giá vé thì lượng khách sẽ giảm nhưng nếu không tăng thì doanh nghiệp không đủ tiền chi trả để bù vào chi phí nhiên liệu tăng vượt.

Theo anh Nguyễn Văn Thắng, lái xe taxi hãng Hương Lúa, giá xăng tăng kéo thu nhập của lái xe giảm xuống. Trung bình một xe taxi như Kia Morning, Hyundai Getz mỗi ngày hết khoảng 20 lít xăng (thì số tiền xăng tăng lên khoảng 25.000 - 30.000 đồng/ngày), số tiền tăng lên hiện đang được các hãng hỗ trợ cho lái xe.

Nhưng với đà này thì một doanh nghiệp có 100-200 đầu xe thì số tiền hỗ trợ sẽ từ 2-5 triệu đồng/ngày. Do đó trước sau gì doanh nghiệp cũng sẽ tăng giá cước do không hỗ trợ được lâu nên hiện Hiệp hội Taxi Hà Nội đang bàn tính phương án tăng giá cước hợp lý nhất.

Theo chuyên gia thương mại, những ngày gần đây không chỉ do xăng dầu tăng giá mà còn do mạng lưới lưu thông sản phẩm chưa được quản lý chặt. Điều đó dẫn đến tình trạng lợi dụng độc quyền để nâng giá bán nông sản khiến không ít doanh nghiệp nâng giá bán bất hợp lý gây dư luận bất bình và cơ quan chức năng phải vào cuộc. Vì vậy, nếu không sớm đưa ra các biện pháp quản lý giá hữu hiệu, giá nông sản còn diễn biến bất thường.

Để ngăn chặn tình trạng giá hàng hóa tiêu dùng biến động mạnh, các chuyên gia Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng cần tránh đưa ra những giải pháp ngăn chặn tình trạng mua bán lòng vòng giúp hạ giá thành sản phẩm.

Với các mặt hàng thiết yếu, Nhà nước nên giao cho các tập đoàn kinh tế lớn tổ chức hệ thống phân phối quốc gia. Đặc biệt, việc quản lý và điều hành giá xăng, dầu trong nước phải theo đúng tín hiệu thị trường.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều, lượng hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường và tác động xấu tới đời sống người dân.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị Bộ Công Thương nên tạo điều kiện cho ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh trong việc khai thác, thu mua hàng hóa trong và ngoài thành phố, liên kết với các tỉnh bạn trong việc khai thác hàng hóa nhằm bù đắp lượng hàng thiết yếu của Hà Nội thông qua các đợt đưa doanh nghiệp đi tìm hiểu khai thác, ký kết các hợp đồng doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh đưa về Hà Nội và đưa vào các điểm bán hàng, trong khu vực nội thành để cung ứng kịp thời hàng hóa, tránh đứt hàng, gián đoạn trong khâu lưu thông.

Cùng với đó, Sở còn đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới điểm bán hàng cố định tại các chợ dân sinh, khu dân cư, nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ người dân có thu nhập trung bình và thấp.

Sở tăng cường đẩy mạnh công tác đưa nhóm hàng thuộc danh mục cân đối cung cầu, ổn định giá cả của thành phố tới các bếp ăn tập thể của các trường học, cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất với giá bán và có biển nhận diện thống nhất trong hệ thống của doanh nghiệp trong hệ thống của doanh nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại khu vực nông thôn.

Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Gia-nhieu-mat-hang-thiet-yeu-da-tang-theo-gia-xang/20137/208373.vnplus

Uyên Hương
theo TTXVN

Từ khóa: