Sự kiện hot
11 năm trước

Gia tăng người nước ngoài làm việc "chui" tại Việt Nam: Do công tác quản lý lỏng lẻo

Theo số liệu thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 77.359 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó, số lao động đã được cấp phép là 40.529 người, không thuộc diện cấp phép là 5.500 người và chưa được cấp phép là 31.330 người.

Đồng thời, từ đầu năm 2013 tới nay, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, có khoảng gần 7 triệu lượt khách nước ngoài vào Việt Nam, trong số đó không ít du khách lưu trú bất hợp pháp tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội việc làm.

Đây mới chỉ là con số thống kê chưa đầy đủ, trên thực tế số lao động là người nước ngoài làm việc “chui” tại Việt Nam cao hơn rất nhiều.

Dạo một vòng qua hai khu phố Tây là khu vực Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến của TP.Hà Nội và Đề Thám – Bùi Viện của TP.Hồ Chí Minh, ta có thể dễ dàng bắt gặp một số lượng lớn người nước ngoài tại đây, trong đó đa phần là người châu Âu. Có người qua Việt Nam du lịch và có người hiện đang sinh sống và làm việc tại hai thành phố lớn này. Trong số đó có không ít người vi phạm về xuất nhập cảnh và thời hạn cư trú nhưng vẫn đang cố ở lại Việt Nam để tìm việc làm. Hầu hết những người này đều làm giáo viên dạy tiếng Anh và sống trong những phòng trọ dành cho khách du lịch với giá từ 12-15 USD/ngày.


Số khách nước ngoài đến du lịch Việt Nam tăng cao, nhưng ở lại làm việc "chui" cũng tăng theo.

Trò chuyện cùng Patricia, cô gái đến từ vùng Catalunya – Tây Ban Nha, được biết: Tình hình khủng hoảng kinh tế châu Âu khiến Chính phủ Tây Ban Nha cắt giảm rất nhiều việc làm khiến nhiều người thất nghiệp. Sau khi Patricia đã đi nhiều nơi như: Trung Quốc, Thái Lan… để tìm việc nhưng chưa tìm được thì bạn trai cô nói rằng, qua Việt Nam có rất nhiều cơ hội việc làm. Nhưng với ngôn ngữ tiếng Anh không phải là tiếng bản ngữ nên cô không thể tìm được việc dạy tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ, cô đã ở Việt Nam 3 tháng và visa của cô đã hết hạn nên cô sẽ phải trở về Tây Ban Nha và chưa biết tương lai của mình sẽ đi về đâu.

May mắn hơn, Patricia khi về Việt Nam đã trở thành “miền đất hứa” với một số lượng lớn người Philipin và Malaysia qua Việt Nam du lịch và ở lại hành nghề ca sỹ và nhạc công tại các quán bar trên địa bàn các quận trung tâm của TP.Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Không những vậy, thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện khá nhiều lời giới thiệu cùng những hình ảnh lộ liễu - một hình thức mại dâm trá hình - của những cô gái tới từ châu Phi và châu Âu đang sống tại TP.Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Cùng với đó, không ít người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam dưới hình thức du lịch và ở lại với mục đích đầu tư kinh doanh các loại hình dịch vụ, khi visa hết hạn, họ lại xuất cảnh sang những nước lân cận như: Thái Lan, Campuchia, Lào vài ba hôm, rồi không biết bằng cách nào họ lại nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn visa 3 tháng và lại tiếp tục công việc kinh doanh. Bằng cách này, họ đã trốn được một khoản thuế đối với Nhà nước Việt Nam.

Điều này được lý giải là do sự dễ dãi trong các quy định về xuất nhập cảnh cũng như việc quản lý tạm trú đối với người nước ngoài quá lỏng lẻo đã khiến tình trạng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc “chui” đang có chiều hướng gia tăng.

Sự việc người Trung Quốc sang nuôi cá trên vịnh Cam Ranh 9-10 năm trời mà địa phương không hay biết gì, hay việc bác sỹ người nước ngoài của bệnh viện Maria gây chết người rồi bỏ trốn khỏi Việt Nam mà lực lượng chức năng vẫn không nắm bắt được đã phần nào nói lên thực tế đó. Không những vậy, trong 2 năm qua, những hoạt động của bọn tội phạm ma túy liên quan đến người gốc Phi đang gây bức xúc lớn cho xã hội.

Đã đến lúc cần phải có những quy định chặt chẽ hơn về việc quản lý người nước ngoài xuất nhập cảnh vào Việt Nam. Đây cũng là bức xúc của nhiều Đại biểu Quốc hội ở kỳ họp Quốc hội khoá XIII trong công tác kiểm soát, xử lý người nước ngoài làm việc không phép tại Việt Nam.

Pháp luật Việt Nam quy định rõ:

Người nước ngoài có mong muốn ở lại Việt Nam, đã có thẻ tạm trú và thẻ hết hạn muốn được cấp thẻ gia hạn tạm trú tại Việt Nam phải là:  chủ đầu tư, người nước ngoài là trưởng văn phòng đại diện tổ chức phi chính phủ và người nước ngoài có giấy phép lao động (Pháp lệnh số  24/1999/PL- UBTVQH 10 về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam).

Cường Nghiêm
theo BVPL

Từ khóa: