Gần một tuần trở lại đây, giá thủy, hải sản tăng chóng mặt.
Gần một tuần trở lại đây, giá thủy, hải sản tăng chóng mặt.
Nguyên nhân là do người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm thay thế do dịch cúm gia cầm và thông tin thịt lợn nhiễm độc. Các chuyên gia nhận định, kiểu làm ăn chụp giật vẫn xuất hiện khi có thời cơ và rất cần sự can thiệp của cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Chọn thủy hải sản cho an toàn
Bà Lý Thị Huệ, phố Tông Đản, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Tôi đi chợ ngoài mua thủy hải sản thì không dám mua gì. Ông nhà tôi là người khá kỹ tính ngay từ khi một số tỉnh công bố dịch cúm gia cầm và có thông tin nghi thịt lợn nhiễm độc ông ấy đã đề nghị tôi đi chợ nói “không” với hai loại thực phẩm này. Từ ngày có dịch cúm và thông tin thịt nhiễm độc thì giá tôm cua cá bây giờ đắt lên trông thấy. Cứ ăn tiêu kiểu này, lạm chi mất”.
Bà Nguyễn Thị Hà, phố Lò Đúc, phường Đông Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng than thở: “Nhiều người quanh nhà tôi vẫn ăn thịt lợn, gà như thường nhưng tôi sợ vì nhà có cháu nhỏ. Giá tôm, cua, cá tăng cao quá, thịt bò cũng đắt, mua thì sợ thủng túi còn chọn mua thịt gà, thịt lợn thì sợ bị bệnh. Cứ ăn rau đậu mãi cũng không được. Con cái đi làm cả ngày vất vả chẳng lẽ về mẹ cứ cho ăn chay. Để các con ăn ngon miệng, đảm bảo sức khỏe tôi lại phải ra công chế biến hoặc chịu khó đi siêu thị cách nhà mấy cây số để mua thịt để có cảm giác yên tâm hơn”.
Hải sản được ưa chuộng trong thời điểm cúm gia cầm và thịt nhiễm độc. Ảnh: Chí Cường
Chị Phan Thị Bích, phố Vũ Thạnh, Hà Nội lại có cách xử trí khác, chị Bích cho biết: "Từ khi có thông tin thịt lợn bị nhiễm độc, tôi rất hạn chế dùng thịt lợn trong bữa ăn gia đình. Mỗi khi mua thịt, tôi thường mua ở những chỗ quen và chọn miếng thịt có nhiều mỡ chứ không nhiều nạc như trước". Chị Trần Thị Minh, bán thịt lợn ở chợ Cầu Giấy, Hà Nội cũng tỏ ra lo lắng: "Từ khi có thông tin thịt lợn bị nhiễm độc, bán hàng rất chậm, số thịt lợn bán ra trong ngày đã giảm gần một nửa".
Trên thực tế không ít người đã chọn giải pháp an toàn là chuyển sang dùng các loại thực phẩm khác: Người có thu nhập cao thì ăn thịt bò, tôm cá, còn những người có thu nhập thấp hơn thì ăn trứng, đậu...
Mọi người biết sợ vẫn tốt hơn
Theo ông Nguyễn Viết Tịnh, Chánh văn phòng. Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, xem ra nhiều người tiêu dùng đã nhờn thông tin mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo về những biến thể nguy hiểm của virus cúm A/H5N1. Nói chung trong thời điểm hiện nay người tiêu dùng biết sợ vẫn tốt hơn. Biết sợ nghĩa là người ta đã rất có ý thức trong việc phòng dịch, lựa chọn thực phẩm thay thế đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình. Tuy nhiên, có điều đáng nói hiện nay là các tiểu thương vẫn không từ bỏ thói quen làm ăn chụp giật, cứ có cơ hội là lại tăng giá trục lợi.
Những ngày qua, sức mua thịt lợn đã giảm... Ảnh: M.H
Đại diện ban quản lý chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội cũng xác nhận: “Đúng là những ngày qua giá của nhiều mặt hàng thủy, hải sản đã tăng, từ 1.000-2.000 đến dưới 10.000 đồng/kg. Việc tăng giá do nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ nhu cầu ở mặt hàng này đang có xu hướng tăng khi người dân ngại ăn thịt lợn, thịt gia cầm. Tuy nhiên, việc các chợ lẻ tăng giá bán nhưng với tỷ lệ cao hơn nhiều so với chợ đầu mối có thể một phần do tiểu thương tranh thủ đẩy giá khi hàng bán chạy. Còn về số lượng thủy hải, sản nhập về chợ đầu mối vẫn không giảm, thậm chí còn tăng”.
Tại lễ mittinh hưởng hứng “Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới” 15/3, ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương phát biểu rằng: “Năm 2012 sẽ là năm cả nước đẩy mạnh thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới 15/3. Vì vậy, mọi thắc mắc về quyền lợi của người tiêu dùng gửi đến các Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành, gửi đến Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẽ được giải quyết dứt điểm. Vì từ trước đến nay quyền và lợi ích của người tiêu dùng bị xâm phạm diễn ra khá phổ biến khiến người tiêu dùng mất niềm tin”.
Thiết nghĩ, việc tăng giá bất hợp lý như giá thủy hải sản tại thời điểm này cũng là một trong những cách gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và rất cần được các cơ quan chức năng can thiệp kịp thời. Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực từ 1/7/2011 là cánh tay thép siết chặt hơn để các doanh nghiệp, các nhà kinh doanh thực sự vì quyền lợi người tiêu dùng. Căn cứ vào đó, các cơ quan chức năng sẽ bảo vệ người tiêu dùng một cách chính đáng.
Qua khảo sát tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các mặt hàng thủy, hải sản tươi sống đều đang có mức tăng giá khá cao: cá rô phi tăng từ 50.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg; cá trôi, cá chép tăng từ 65.000 đồng/kg lên 70.000 – 75.000 đồng/kg; cá quả từ 90.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg; cua đồng từ 90.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg; cá rô đồng từ 80.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg; cá bống từ 135.000 đồng/kg lên 150.000 đồng/kg; ngao trắng từ 28.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg; ngao mật từ 35.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg; cá vược từ 180.000 đồng/kg lên 200.000 đồng/kg; cá ngừ từ 60.000 đồng/kg lên 75.000 đồng/kg; cá thu từ 120.000 đồng/kg lên 130.000 đồng/kg; cá nục từ 55.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg; cá hồng từ 60.000 đồng/kg lên 70.000 đồng/kg…
Tuy nhiên các loại hải sản, cá cao cấp giữ nguyên giá hoặc có mức tăng không đáng kể như: tu hài từ 250.000 đồng/kg; cua thịt 300.000 đồng/kg; cua gạch 500.000 đồng/kg; ghẹ thịt 200.000 đồng/kg; mực ống 4-10 con/kg 200.000 đồng/kg; cá chim biển 300.000 đồng/kg; cá song 480.000 đồng/kg, tôm sú 280.000 đồng/kg…
|
|
Theo Gia dinh