Giá vàng tăng gần 20 USD/ounce lên 1.827,6 USD/ounce sau báo cáo việc làm tháng 8 của Mỹ thấp hơn dự báo.
Tại thị trường trong nước, giá vàng trong nước tương đối ổn định trong tuần qua và chỉ ghi nhận biến động tại một số cửa hàng vì hai ngày nghỉ lễ Quốc khánh.
Cụ thể, giá vàng SJC tăng 50.000 - 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua - bán tại hệ thống PNJ trong phiên giao dịch đầu tuần, với PNJ điều chỉnh giá tăng mạnh nhất 200.000 đồng/lượng.
Tính chung tuần, chỉ có giá tại Tập đoàn Doji không thay đổi, còn lại giá vàng trong nước đã tăng khoảng 100.000 - 300.000 đồng/lượng tại các cửa hàng được khảo sát còn lại. Trong đó, cửa hàng vàng bạc đá quý Sài Gòn ghi nhận giá tăng tới 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua - bán.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, các loại vàng nữ trang khác điều chỉnh tăng, với giá vàng 24K tăng 100.000 đồng/lượng, vàng tây 18K tăng 80.000 đồng/lượng và vàng nhẫn 14K tăng 60.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Tuần qua, thị trường trong nước vẫn ảm đạm do tác động của dịch bệnh Covid-19. Giá vàng thương hiệu quốc gia SJC là thương hiệu biến động nhiều nhất nhưng biên độ dao động cũng không lớn, loanh quanh trong phạm vi 150 nghìn đồng.
Một số thương hiệu vẫn trong trạng thái đứng yên do tác động của dịch bệnh, các cửa hàng ngừng hoạt động do địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Trên thị trường thế giới, chốt phiên giao dịch tuần này, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.827,6 USD/ounce, cao hơn 18 USD so với phiên liền trước, tương đương mức tăng ròng gần 1% trong ngày. Đây cũng là phiên tăng mạnh nhất trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 9.
So với phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng thế giới ghi nhận mức tăng gần 11 USD và là tuần tăng thứ 4 liên tiếp. So với đáy đầu tháng 8/2021, vàng thế giới đã tăng một mạch hơn 125 USD từ vùng trên 1.700 USD/ounce ghi nhận trong phiên 9/8 trước đó.
Tuần qua, giá vàng trên thị trường quốc tế chịu áp lực giảm giá nhưng vẫn giữ vững ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.800 USD/ounce giữa lúc đồng USD suy yếu và thế giới còn nhiều bất ổn.
Vàng chịu áp lực giảm theo tín hiệu từ phân tích kỹ thuật cho dù Mỹ vừa công bố số liệu cho thấy có ít người Mỹ mua nhà mới hơn so với kỳ vọng.
Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ (NAR), doanh số bán nhà đang chờ xử lý của Mỹ trong tháng 7 giảm 1,8% sau khi cũng giảm ở mức tương tự trong tháng 6. Đây là con số thấp hơn so với mức dự báo tăng 0,5%.
Vàng tăng trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chao đảo trong tháng 8 do sự bùng phát trở lại của virus Covid. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chứng kiến chỉ số nhà quản lý mua hàng phi sản xuất (PMI) không chính thức giảm xuống 47,5 điểm vào tháng 8, so với 53,3 điểm trong tháng 7.
Mức dưới 50 điểm cho thấy sự suy giảm trong lĩnh vực này. Đây là mức điểm thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2020 đối với chỉ số này. Trong khi đó, PMI sản xuất của Trung Quốc vào tháng 8 cũng giảm xuống mức 50,1 điểm, từ mức 50,4 điểm vào tháng 7.
Vàng trụ trên mức cao giữa lúc đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế đối mặt với khó khăn. Trung Quốc có những chính sách ngăn chặn sự lớn mạnh quá nhanh của các tập đoàn tư nhân nước này. Bất ổn cũng gia tăng với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Ánh Tuyết
Theo KTDU