Chiều qua, giá vàng trong nước phục hồi nhẹ nhờ đà giảm được “hãm” lại trên thị trường quốc tế. Thị trường vàng có một ngày giao dịch sôi động khi lực mua ở vùng giá thấp đẩy khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Chiều qua, giá vàng trong nước phục hồi nhẹ nhờ đà giảm được “hãm” lại trên thị trường quốc tế. Thị trường vàng có một ngày giao dịch sôi động khi lực mua ở vùng giá thấp đẩy khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Diễn biến giá vàng SJC trong 7 phiên gần nhất, tính đến 17h hôm qua, 13/12/2011 (đơn vị: nghìn đồng/lượng) - Ảnh: SJC.
Sau khi giảm về ngưỡng 44 triệu đồng/lượng, thấp nhất trong 7 tuần vào buổi sáng, giá vàng miếng đã quay đầu và nhích dần lên trong buổi chiều. Đến gần 17h, giá vàng SJC tại thị trường Tp.HCM do Công ty SJC niêm yết là 43,9 triệu đồng/lượng và 44,15 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng từ mức đáy gần nhất.
Tại Hà Nội cùng thời điểm trên, vàng SJC được Công ty Phú Quý mua vào ở mức 44,07 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 44,3 triệu đồng/lượng.
Với ngưỡng giá thấp hơn vàng SJC khoảng 1 triệu đồng/lượng, hai thương hiệu vàng Rồng Thăng Long và AAA được Công ty Bảo Tín Minh Châu thu mua ở mức 42,9-42,95 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 43,2 triệu đồng/lượng.
Trong phiên giao dịch chiều qua tại thị trường châu Âu, giá vàng không còn giảm với biên độ rộng như trong phiên sáng tại châu Á. Lúc 16h50 giờ Việt Nam, vàng giao ngay có giá 1.661,8 USD/oz, hạ 4,5 USD/oz so với mức chốt đêm qua ở New York.
Phiên ngày 12/12 tại Mỹ, giá vàng sụt 2,7%, mạnh nhất trong 3 tháng, do những hoài nghi của giới đầu tư về khả năng giải quyết khủng hoảng nợ công của châu Âu.
Ở mức giá hiện tại, quy đổi theo giá USD tự do, chưa tính thuế và các chi phí khác, giá vàng thế giới tương đương 42,35 triệu đồng/lượng.
Lực mua vàng miếng đã tăng mạnh trong buổi chiều khi giá ngừng giảm và có xu hướng phục hồi nhẹ. Hôm qua, Công ty SJC đã bán ra trên 7.000 lượng vàng, chủ yếu tập trung vào buổi chiều, tăng hơn 3 lần so với mức bán ra ngày 12/12. Khối lượng vàng mà công ty này mua được hôm qua chỉ chừng 100-200 lượng.
“Buổi sáng, người dân còn chần chừ chưa muốn mua vì thấy giá giảm nhanh. Đến buổi chiều, khi giá tăng trở lại, người dân mới bắt đầu mua mạnh”, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh của SJC cho biết.
Tại Hà Nội, hoạt động mua bán trên “phố vàng” Trần Nhân Tông cũng trở nên sôi động vào buổi chiều sau khi khá trầm lắng vào buổi sáng. “Khối lượng vàng mà chúng tôi bán ra hôm nay tăng khoảng 40% so với hôm qua. Người dân chủ yếu đến mua vào buổi chiều, khi thấy giá tăng trở lại”, một đại diện của Công ty Phú Quý cho biết.
Giá USD tự do chiều qua tăng nhẹ. Tại Hà Nội vào cuối giờ, ngoại tệ này được thị trường “chợ đen” giao dịch phổ biến ở mức 21.130 đồng (mua vào) và và 21.160 đồng (bán ra), tăng 30 đồng ở chiều thu mua và 10 đồng ở chiều bán ra so với buổi sáng.
Theo tin từ Reuters, lực mua vàng vật chất ở khu vực châu Á hôm nay tăng nhẹ khi giá vàng giảm sâu dưới 1.700 USD/oz. Tâm lý của thị trường nhìn chung vẫn là thận trọng.
Vàng đang chịu sức ép giảm giá từ nhiều phía, bao gồm đồng USD mạnh so với Euro, áp lực bán vàng huy động tiền mặt… Mấy tháng trở lại đây, vàng đã để mất vị thế kênh đầu tư an toàn giữa lúc cuộc khủng hoảng nợ công chưa buông tha châu Âu. Giá vàng thời gian này có sự trồi sụt thất thường và thường là cùng chiều với các tài sản rủi ro.
Kết quả cuộc họp thượng đỉnh của châu Âu cuối tuần trước, cuộc họp được xem là “cơ hội cuối cùng” để cứu đồng Euro, đã không đủ sức thuyết phục thị trường. Chứng khoán châu Á đã giảm điểm trong phiên giao dịch hôm nay, tỷ giá Euro giảm mạnh về dưới 1,32 USD/Euro, từ mức 1,34 USD/Euro vào cuối tuần trước.
Liên quan tới tình hình châu Âu, trong tuần này, thị trường sẽ chờ xem hãng định mức tín nhiệm Standard & Poor’s có động thái thay đổi điểm tín nhiệm nào đối với 15 nước trong Eurozone. Tuần trước, hãng này đã cảnh báo về khả năng hạ điểm tín nhiệm của một loạt quốc gia trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
Ngoài ra, kết quả các đợt bán đấu giá trái phiếu của Italy và Tây Ban Nha diễn ra trong tuần này cũng sẽ được xem là thước đo tâm trạng của giới đầu tư.
Kiều Oanh
Theo VnEconomy