Ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết cảng Cái Mép -Thị Vải không thể hoạt động hết công suất vì quy hoạch cảng nhưng không quy hoạch hệ thống giao thông kết nối.
Một tàu lớn cập cảng ăn hàng ở cảng Cái Mép. Ảnh: TL
Chính vì nghịch lý đó mà hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư 2 tỉ USD vào cảng Cái Mép nhưng giao thông kết nối rất kém dẫn tới hiệu quả khai thác cảng không cao.
Theo ông Thảo, nguyên nhân chủ yếu là việc phân bổ nguồn lực thiếu công tâm, dù nguồn thu nộp về ngân sách Trung ương của cảng Cái Mép - Thị Vải từ 2009 - 2017 là 79.000 tỷ đồng nhưng "Trung ương đầu tư cho hệ thống cảng khoảng 3.900 tỷ đồng, chỉ chiếm 4,6%.
"Nơi tập trung nguồn tiền cho ngân sách nhưng việc phân bổ nguồn lực chỉ đạt 4,6% thì làm sao có hệ thống giao thông kết nối", ông Thảo nói.
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Logistic Việt Nam (VLA), khó khăn của cảng trung chuyển quốc tế được mệnh danh là "cửa ngõ giao thương số 1" này là do các doanh nghiệp không chịu đưa hàng về.
Thay vào đó, họ chọn cảng Cát Lái ở TP.HCM bất chấp tình trạng quá tải bên trong, kẹt xe bên ngoài.
Ngay cả nhiều doanh nghiệp nước ngoài đóng tại khu vực Đồng Nai chỉ cách Cảng Cái Mép- Thị Vải chưa đến 40km nhưng vẫn không chịu đưa hàng về đây mà chọn về cảng Cát Lái, TP.HCM, theo ông Minh.
Thậm chí, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng muốn doanh nghiệp đưa hàng về Cái Mép - Thị Vải, tuy nhiên "việc dịch chuyển diễn ra rất chậm chạp".
"Lý do là thói quen của chủ hàng. Ngay cả chủ hàng cũng không hiểu cảng Cái Mép - Thị Vải đã rất hiện đại với hạ tầng sẵn sàng đón những tàu lớn", ông Minh nói trong một hội thảo mới được tổ chức.
Để giải quyết nghịch lý này, ông Minh cho rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần có sự dịch chuyển nói trên thì các bên cũng cần tác động đến giới doanh nghiệp thông qua các hãng tàu để "khuyến khích họ đặt container rỗng ở Cái Mép - Thị Vải".
"Các nhà đầu tư trả lời rất đơn giản: nếu chi phí đi hàng về cảng Cát Lái rẻ hơn về Cái Mép - Thị Vải thì họ tự động sẽ chọn Cát Lái. Họ không quan tâm chiến lược gì đó của Việt Nam. Do đó, ngoài vấn đề hành chính, Việt Nam cần phải quy hoạch trung tâm logistics để có thể tự điều phối hàng hóa cho vùng này. Chúng ta phải tác động về nhận thức, đồng thời có cơ chế đàm phán, thuyết phục các hãng tàu đưa hàng về đây", ông Minh nói thêm.
Như Bình
Theo Tuổi trẻ