Hóa thạch mới phát hiện đã giúp giải thích quá trình biến hóa ở bàn tay người từ thuở sơ khai để trở thành hình dạng hiện tại.
Hóa thạch mới phát hiện đã giúp giải thích quá trình biến hóa ở bàn tay người từ thuở sơ khai để trở thành hình dạng hiện tại.
Theo trang tin New Scientist, khoảng 1,7 triệu năm trước người tiền sử đã tạo ra những chiếc rìu tay, một trong những công cụ bằng đá đầu tiên của lịch sử.
Tuy nhiên, cho đến gần đây, giới khoa học vẫn chưa giải thích được cơ chế đằng sau sự tiến hóa của bàn tay người theo hướng khai thác triệt để được khả năng của những dụng cụ đời đầu.
Công cụ rìu đá thời sơ khai. Ảnh: PNSA
Điều này do trước khi rìu đá xuất hiện, tổ tiên của chúng ta có cổ tay vô cùng yếu ớt, không đủ sức cầm nắm những vật nhỏ như chiếc rìu tay.
Mới đây, việc phát hiện một mẩu xương hóa thạch đã giúp giới chuyên gia lấp đầy những phần còn thiếu hụt trong quá trình tiến hóa của tay người, trong giai đoạn từ 1,7 triệu năm đến 800.000 năm trước.
Vào năm 2010, một nhóm các chuyên gia thuộc Viện bảo tàng quốc gia Kenya đã tìm thấy một mẩu xương tay.
Sau đó, các nhà khoa học thuộc Đại học Missouri (Mỹ) đã xác định được đây là xương thứ 3 của bàn tay người, chạy dọc theo lòng bàn tay giúp nối kết ngón giữa với cổ tay.
Mẩu xương quan trọng trên, được cho là có niên đại khoảng 1,4 triệu năm, có công dụng giữ cổ tay cố định trong khi con người cầm nắm một vật nhỏ giữa ngón cái với các ngón tay còn lại.
Có thể nói đây là phát hiện hết sức may mắn vì các xương tay của những người đứng thẳng đầu tiên (tức Homo erectus) rất khó tìm được.
Tiến sĩ Mary Marzke của Đại học bang Arizona (Mỹ) giải thích rằng mẩu xương trên chứng tỏ rằng bàn tay của tổ tiên loài người đã có dấu hiệu tiến hóa để biến thành hình dáng như hiện nay.
Phi Yến
theo TNO