Lợi dụng sự cả tin, đói nghèo và thiếu việc làm của đồng bào người Thái, Khơ Mú, tại các huyện miền núi phía Tây Nghệ An, những kẻ ác nhân đã ngang nhiên tổ chức buôn bán các thiếu nữ ra nước ngoài.
Lợi dụng sự cả tin, đói nghèo và thiếu việc làm của đồng bào người Thái, Khơ Mú, tại các huyện miền núi phía Tây Nghệ An, những kẻ ác nhân đã ngang nhiên tổ chức buôn bán các thiếu nữ ra nước ngoài.
Một trong những trùm buôn người vừa bị các chiến sĩ trinh sát Công an huyện Thanh Chương bắt gọn, khi y đang chuẩn bị trở về tiếp tục đưa phụ nữ ra nước ngoài.
Trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Công an huyện Thanh Chương cho biết, đã nhận được đơn tố cáo của người bị hại về việc bị lừa đưa người sang Trung Quốc dưới hình thức bắt làm việc cực nhọc, trả lương thấp và cuối cùng là bị bán để làm vợ cho một số người đàn ông nước sở tại.
Lộ diện kẻ lừa đảo
Khu tái định cư Nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An), nơi có những người Thái, Khơ Mú chân chất, bao đời nay sống với ruộng nương, đồi núi. Vất vả quanh năm nhưng cái nghèo, cái đói vẫn bám riết lấy người dân nơi đây. Chính vì lẽ đó, kẻ buôn người đã bất chấp thủ đoạn, không chỉ buôn cái tình người mà cả những con người bằng xương bằng thịt.
Vào khoảng 7/2010, người đàn ông tên Trần Đăng Bình (SN 1969, trú tại xóm 8, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương), với những lời hứa hẹn thu nhập cao, công việc nhàn nhã đã lừa mang hàng loạt người sang Trung Quốc bán.
Đến tháng 10/2011, một số người trong đường dây bị bán sang nước ngoài đã trốn được về Nghệ An. Trong số đó có chị Lương Thị Giang (SN 1980, trú tại bản Hiển, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương) đã làm đơn tố giác chân tướng kẻ buôn người.
Từ những thông tin của người bị hại, Công an huyện Thanh Chương đã tiến hành ra soát và thống kê tại 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm, những người bị hại trong đường dây mà tên Bình lừa đảo, đồng thời, tìm bắt kẻ buôn người.
Đối tượng Trần Đăng Bình, được coi là trùm buôn người xứ Nghệ bị bắt.
Xác định được đối tượng, nhưng các trinh sát rất khó tiếp cận bởi hiếm khi Bình trở về quê. Kẻ buôn người thường xuyên sống ẩn dật, thoắt ẩn thoát hiện. Khi thì sống tại TP. Móng Cái (Quảng Ninh), thi thoảng xuất hiện tại TP. Vinh (Nghệ An).
Để bắt được Bình, Công an huyện Thanh Chương đã nhờ sự cộng tác của Giang là người bị hại. Vì thi thoảng Giang và Bình vẫn liên lạc với nhau qua điện thoại. Kế hoạch giăng lưới bắt trùm buôn người của Công an huyện Thanh Chương được vạch lên chi tiết.
Sa lưới tại quán phở
Để lôi kéo được Bình trở về Nghệ An, tiếp tục đưa người sang Trung Quốc, Giang đã nói với kẻ buôn người rằng: "Em muốn trở lại bên đó làm việc, ở nhà chán lắm, không có việc làm. Đi lần này còn có một người phụ nữ khác cũng muốn theo em sang Trung Quốc để xin việc làm,…".
Tưởng bở ăn như lần trước, Bình tức tốc trở về Nghệ An đón người. Nhưng không ngờ, các trinh sát đã giăng lưới sẵn.
Ngày 5/12/2011, sau rất nhiều lần thất hẹn, Bình lộ diện trở về quê đón Giang trở lại Trung Quốc. Kẻ buôn người vẫn nghi ngờ, liên tục thay đổi điểm hẹn nhận người như tại: Bến xe Vinh, vườn hoa, quảng trường và cuối cùng hẹn Giang tại một quán phở.
Thiếu việc làm, thất nghiệp đang là vấn đề nan giải tại Khu tái định cư Nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ và là nơi mà kẻ buôn người nhắm đến.
Cả ngày trời chờ đợi căng thẳng. Đến gần 18h cùng ngày, Bình hẹn 2 cô gái mà Công an huyện Thanh Chương bố trí làm mồi nhử, vào ăn tại một quán phở ở TP. Vinh để nhận người.
Nhận diện chính xác kẻ bán mình sang Trung Quốc lần trước, Giang ra ký hiệu cho người phụ nữ đi cùng chuẩn bị và 6 trinh sát Công an huyện Thanh Chương ập đến bắt sống kẻ buôn người.
Khi bị bắt, kẻ buôn người nham hiểm đã liên tục to tiếng, công an bắt nhầm người và cho rằng mình là kẻ không có tội.
Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, Trần Đăng Bình đã cúi đầu khai nhận đưa 9 thanh niên sang Trung Quốc, bình quân mỗi người được nhận thù lao là 500 ngàn đồng.
Tổng số 9 người bị bán sang Trung Quốc, có 5 người trú tại xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương), 1 người xã Yên Tĩnh (huyện Tương Dương) và 3 người khác tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá).
Hiện mới chỉ có 3 người tại xã Ngọc Lâm bỏ trốn được về nước gồm: Vi Trung Đức (SN 1993), Lương Thị Giang (SN 1980) và Lương Văn Kím (SN 1984).
Bình cũng khai nhận, khi đưa 9 người ra đến Hà Nội thì có sự tiếp ứng của một phụ nữ tên là Hường, quê tại Rạch Giá (Kiên Giang) để đưa số người trên đi làm tại Công ty sản xuất chế biến gỗ ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Hiện tại, đối tượng Trần Đăng Bình bị khởi tố về tội: "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép". Bởi, theo cơ quan công an, chưa đủ chứng cứ nên không thể kết tội Bình về hành vi mua bán người.
Quốc Huy
Theo Vietnamnet