Thời tiết Hà Nội rét đậm cộng với lịch nghỉ Tết dương dài ngày trùng với cuối tuần nhưng không thay đổi được thực trạng mua sắm quần áo chuẩn bị Tết của người dân thủ đô, các shop quần áo, cửa hàng thời trang siêu thị vẫn trong tình trạng vắng vẻ, đìu hiu.
Cửa hàng thời trang vắng vẻ
Dọc các tuyến phố Quán Thánh, Đội Cấn, Cầu Giấy, cửa hàng quần áo dành cho giới trẻ, thời trang công sở treo biển sale off từ 30 – 50% nhưng lượng khách mua hàng không nhiều. Có cửa hàng khách vào tham khảo giá, xem và thử đồ rồi đi.
Chị Hiền chủ cửa hàng quần áo Renny trên phố Đội Cấn chia sẻ: “Ngày cuối tuần nhưng khách đến mua sắm ít, có thể do nghỉ Tết nhiều nên mọi người về quê, từ sáng chỉ có vài khách ghé cửa hàng xem mẫu quần áo mới rồi lại đi, giá quần áo cửa hàng mình chỉ dao động từ 150.000 đồng – 350.000 đồng, dành cho các lứa tuổi nhưng cũng có bán được đâu”.
Nhiều cửa hàng thời trang đều trong cảnh đìu hiu, vắng khách mua sắm dù đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mại Ảnh: PT
Các tuyến phố được mệnh danh thiên đường mua sắm quần áo ở Hà Nội Hàng Ngang, Hàng Đào cũng trong cảnh đìu hiu. Thấy khách dừng xe, bà chủ cửa hàng Hảo trên phố Hàng Ngang nhanh nhảu mời khách: "Mua đồ gì em ơi, vào xem thoải mái lựa chọn ưng thì lấy không lấy cũng không sao".
Ngày cuối tuần giáp Tết Nguyên Đán, trùng lịch nghỉ Tết dương lịch nhưng hầu hết các cửa hàng mở cửa cầm chừng vì không có khách mua, cửa hàng 4 nhân viên cũng chỉ ngồi kiểm hàng, đọc sách.
Chị Trâm nhân viên cửa hàng quần áo Germe House phố Quán Thánh cho biết: “Như mọi năm thời điểm này khách đến mua đông hơn, nhưng năm nay phần lớn khách ghé cửa hàng chỉ xem qua giá sản phẩm và chất liệu rồi lại đi, cả ngày hôm nay mới bán được 2 chiếc khăn. Hầu như cửa hàng nào cũng chung tình trạng này, nên vài hôm lại phải khuyến mại để thu hút khách”.
“Có thể do thu nhập năm nay giảm sút nên mọi người hạn chế mua sắm ở mức tối đa, hi vọng mấy hôm tới giáp Tết lượng người mua sẽ đông hơn”. Chị Hiền chủ cửa hàng Renny nói.
Bên cạnh đó, do quá nhiều cửa hàng thời trang mở ra cạnh tranh nhau, giá bán khá cao so với thu nhập chung cũng là lý do khiến sức mua giảm sút mạnh.
Đồ vỉa hè sôi động
Trái ngược với cảnh đìu hiu vắng vẻ trong các shop thời trang, hàng quần áo vỉa hè thu hút lượng khách hơn. Chủ hàng chỉ không cần đầu tư tiền thuê địa điểm sang trọng đắt tiền, hàng bán treo tạm bợ hoặc đổ đống cho khách tha hồ chọn bới.
Hàng đổ đống, bày bán ở vỉa hè được khách quan tâm hơn nhưng theo nhận định của các chủ hàng lượng khách mua năm nay vẫn thấp hơn so với năm ngoái Ảnh: PT
Anh Tuấn người bán áo khoác vỉa hè trên đường Xuân Thủy nói: “Đây là áo khoác Việt Nam Xuất khẩu bị lỗi một số chỗ nhưng không đáng kể, giá thấp mà lại được dùng đồ Việt Nam sản xuất nên nhiều người thích. Bán ở cửa hàng khách thường ngại vào vì cho giá cao, mang ra ngoài này không mất tiền thuê chỗ, gần đường nên khách đi đường tiện tấp vào mua luôn.
Nhưng nói thật, họ xem là nhiều mua có bao nhiêu đâu. Áo phao nam đẹp giá 280.000 đồng nhưng nâng lên đặt xuống cân nhắc mãi có người lấy người không. Họ cũng sợ hàng không đảm bảo nên phải giải thích nhiều để khách yên tâm".
Rất nhiều quán đổ đống vỉa hè tập nập người xem, mua hàng. Dọc các đường Phạm Hùng, Chùa Bộc, Tây Sơn, Khâm Thiêm, khoảng 7h tối, hàng đổ đống xuống đường với đủ màu sắc rực rỡ, giá rẻ chỉ bằng 50% so với giá bán trong các cửa hàng thời trang. Giá rẻ khiến những shop vỉa hè luôn đông khách.
Lý do kinh tế khó khăn, thu nhập bị giảm sút khiến nhu cầu mua sắm năm nay hạn chế được nhiều chủ hàng giải thích cho tình trạng hàng quá ế ẩm. Chị Thu (Láng Hạ - Hà Nội) khách xem hàng tại cửa hàng đồ trẻ em trên phố Sơn Tây cho hay: Đi mua áo ấm chuẩn bị Tết cho con nhưng đồ trẻ em bây giờ đắt quá, rẻ cũng vài trăm nghìn một sản phẩm. Trẻ con mặc 1 năm, năm sau chắc gì mặc được nữa, nghĩ bỏ số tiền lớn như vậy mua dùng không được bao lâu cũng tiếc. Đồng tiền bây giờ mất giá thật, mà quần áo tăng giá theo từng ngày. Kiểu này mua bán phải lên danh sách tính toán mới dám mua.
Theo Infonet.vn