Vài ngày trước, các phương tiện truyền thông đại chúng ở Trung Quốc đưa tin, Cục quản lý Dược và Thực phẩm Cáp Nhĩ Tân vừa phát hiện trong nước tăng lực Red Bull có chứa nhiều chất phụ gia nguy hiểm, có thể gây hại tới sức khỏe của con người. Theo đó, các thành phần được tìm thấy trong nước tăng lực Red Bull bao gồm: màu thực phẩm và chất bảo quản natri benzoate. Những chất này khi kết hợp với cafein vào trong nước sẽ tạo ra một loại nước uống độc hại, có thể gây đau đầu, lo lắng, tim đập mạnh, ù tai, thậm chí có thể dẫn đến nghiện ngập...
Tuy nhiên, hiện Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Cáp Nhĩ Tân vẫn chưa đưa ra bình luận gì về vụ việc này. Còn đại diện Red Bull ở Trung Quốc thì cam đoan rằng tất cả các sản phẩm nước tăng lực của họ không chứa bất cứ thành phần trái phép nào.
Song cam đoan này vẫn không khiến người tiêu dùng yên tâm và tin tưởng. Vài ngày gần đây, hàng loạt siêu thị lớn nhỏ ở Trung Quốc đã quyết định loại bỏ nhãn hàng nước tăng lực Red Bull ra khỏi kệ hàng của họ.
Thông tin về việc nước tăng lực Red Bull chứa một số chất độc hại cũng khiến người tiêu dùng Việt Nam không khỏi hoang mang, lo lắng, bởi thị phần nước tăng lực nói chung và nước tăng lực Red Bull tại Việt Nam khá lớn
Trong khi đó, Thư ký của Tổng giám đốc công ty Red Bull thì khẳng định: Red Bull Việt Nam và Red Bull Trung Quốc được sản xuất tại hai nhà máy hoàn toàn khác nhau. Tất cả những thành phần có trong sản phẩm Red Bull Việt Nam đã đăng ký trong hồ sơ và được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam chấp thuận.
Sau khi báo chí đưa tin, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã yêu cầu các viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các lô hàng sản phẩm Red Bull khác nhau trên thị trường. Kết quả kiểm tra cho thấy, các chỉ tiêu về nước giải khát Red Bull đều phù hợp với bản công bố của nhà sản xuất và bảo đảm an toàn đối với người tiêu dùng.
Kết quả kiểm tra đã làm cho mọi người phần nào yên tâm, song vụ việc trên dù sao cũng khiến người tiêu dùng một phen kinh động.
Lo ngại thực phẩm, mỹ phẩm nhập khẩu
Vụ nước tăng lực Red Bull khiến nhiều người tiêu dùng thêm hoang mang, lo lắng khi nhìn về các vụ thực phẩm, đồ hộp, đồ uống nhập khẩu nhiễm bẩn, nhiễm độc vào Việt Nam trước đó.
Vào đầu tháng 11/2011, tổ chức hoạt động y tế và môi trường The Campaign for Safe Cosmetics (CSC) của Mỹ cho biết, 2 hóa chất quaternium-15 và 1,4 dioxan chứa chất gây ung thư vẫn tồn tại trong sản phẩm Baby Shampoo của hãng Johnson & Johnson bán tại thị trường Mỹ và nhiều nước khác. Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) sau đó đã đưa ra kết luận, các mẫu sản phẩm dầu gội Iohnson' Baby Shampoo do Viện kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh lấy mẫu và kiểm tra đều không phát hiện thấy 1,4 dioxan, hàm lượng quaternium-15 và formaldehyde giải phóng nằm trong giới hạn cho phép dùng trong mỹ phẩm và an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, thông tin về sản phẩm của Johnson & Johnson có chứa chất gây ung thư và bị cấm cũng đã khiến người tiêu dùng Việt Nam lo lắng, bởi đây là sản phẩm khá phổ biến ở Việt Nam.
Trước đó là hàng loạt các vụ thực phẩm, đồ hộp, đồ uống nhập khẩu về Việt Nam bị nước ngoài phát hiện có những chất gây độc hại cho sức khỏe con người.
Các loại mì gói Hàn Quốc được bày bán trong các siêu thị của VN (Ảnh SGTT)
Tháng 7/2011, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Bộ Y tế Đài Loan đã phát hiện 2 loại thức uống của Đài Loan bị nhiễm hóa chất làm nhựa DEHP và DINP. Đó là nước khế ép nhãn hiệu Starfruit Juice Drink 500 CTN (24pcs/36kg) do Công ty Topsense Beverage sản xuất và đồ uống thể thao Pro Sweat (600ml *24) do công ty Uni-President Enterprises Corp sản xuất.
Ngày 13/6/2011, Bộ Y tế Malaysia khuyến cáo người dân không nên mua mì gói Shin Ramyun và Shin Ramen vì nghi chứa chất DEHP và DINP. Hai sản phẩm trên do Hàn Quốc sản xuất tại Đài Loan.
Trước đó, ngày 12/6/2011, cơ quan chức năng Hong Kong đã lấy 10 mẫu mì gói sản xuất tại Trung Quốc và phát hiện 4 mẫu mì gói chứa chất tạo đục. Đó là, mì bò được siêu thị Welcome Market đặt sản xuất có chứa DEHP cao gấp 53 lần mức độ an toàn. Mì gói Shin Ramyun hương vị nấm, sản phẩm Hàn Quốc, được sản xuất tại Thượng Hải, chứa 1,3 phần triệu (ppm) DEHP (tỷ lệ trong giới hạn an toàn nhưng ở mức cao nhất). Mì gói Nissin Taisho Yakisoba, sản phẩm Nhật Bản, sản xuất tại Thượng Hải, chứa hàm lượng 2,3ppm, cao hơn mức an toàn cho phép của WTO (mức 1,5ppm).
Hồi tháng 5/2011, cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan cũng phát hiện hàng loạt chai nước giải khát của nhiều hãng nổi tiếng như Tập đoàn Weichuan (Vị Toàn), Hey Song (Hắc Tùng), The King Car Group, Brand's, Tập đoàn đường Đài Loan và sản phẩm sữa dê của Tập đoàn Karihom... bị nhiễm DEHP.
Một loạt các vụ thực phẩm, mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam bị nhiễm bẩn, nhiễm độc khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại. Điều đáng nói là hầu hết các vụ việc này được nước ngoài phát hiện trước thì cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra. Nhiều người đặt câu hỏi, vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu khi những sản phẩm kém chất lượng của thế giới vẫn hàng ngày, hàng giờ được tuồn vào Việt Nam mà không hề được kiểm tra, kiểm soát.