Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Giới thiệu nhật ký chiến trường "Lính chiến" và tiếp nhận kỷ vật "Tình yêu qua chiến tranh"

Nhân kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022); ngày 14/12, tại Hà Nội, Câu lạc bộ “Trái tim người lính Việt Nam” phối hợp với Tạp chí môi trường và Đô thị Việt Nam (chủ trì), Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức giới thiệu tác phẩm nhật ký chiến trường “Lính chiến” của tác giả Phạm Hữu Thậm; đồng thời, tiếp nhận kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh của 3 gia đình cựu chiến binh hiến tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Cuốn nhật ký "Lính chiến" của Trung uý - Cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm

Tới tham dự có Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng; Trung tướng Phí Quốc Tuấn, nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô; Lãnh đạo Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; CLB Trái tim Người lính; CLB Mãi mãi Tuổi 20; cùng đông đảo các thành viên CLB Trái tim Người lính, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Nhật ký chiến trường “Lính chiến” của Trung uý - Cựu chiến binh (CCB) Phạm Hữu Thậm, là một phát hiện mới trong năm 2022 của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, do nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu; Nhà sách “Tri Thức Trẻ” liên kết với Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Tác giả Phạm Hữu Thậm sinh năm 1945 tại thôn Huề Trì, xã An Phụ, huyện Kinh Môn (nay là phường An Phụ, thị xã Kinh Môn) tỉnh Hải Dương. Nhập ngũ tháng 4/1968, chỉ qua huấn luyện tân binh 2 tháng, ông đã cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam và được biên chế vào Đại đội 14, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Từ một chiến sĩ, trải qua nhiều trận đánh sống chết với kẻ thù vô cùng gan dạ và dũng cảm, anh lính Phạm Hữu Thậm đã trở thành Phó tiểu đoàn trưởng Quân sự, với quân hàm Trung uý.


Thật hiếm có một CCB nào như Trung úy Phạm Hữu Thậm, sau hàng chục năm đã trở về với cuộc sống đời thường, mà vẫn còn được cả đơn vị cũ và chính quyền địa phương nơi cư trú đồng thuận, nhất trí cao, cùng làm văn bản đề nghị phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân: Sư đoàn 2 (Quân khu 5) có công văn đề nghị số 09/CV-ĐN, ngày 20/9/1996 gửi Bộ Quốc phòng, Cục Chính trị - Tổng cục Chính trị, Thường vụ Đảng uỷ Bộ tư lệnh Quân khu 5. Tám năm sau, từ ngày 17/8 đến ngày 20/9/2004, lần lượt thêm các văn bản để nghị của: Đảng uỷ và UBND xã An Phụ; Hội Cựu chiến binh xã An Phụ; Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kinh Môn; Đại đội 14 thuộc Trung đoàn Bộ binh 38; Đảng uỷ - Chỉ huy Trung đoàn Bộ binh 38…
Theo một văn bản do Thượng tá, Sư đoàn trưởng Nguyễn Trung Thu, thay mặt Đảng uỷ và Chỉ huy Sư đoàn Bộ binh 2 ký ngày 20/9/1996, cho biết: Căn cứ báo cáo thành tích của Trung uý Phạm Hữu Thậm và các bản xác nhận của đồng đội cùng chiến đấu, trong 14 năm cầm súng, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm đã tham gia nhiều chiến dịch tiêu biểu, trong đó có Chiến dịch K700 Thượng Đức – Quảng Đà, tháng 3/1970; Chiến dịch giữ chốt Hòn Chiêng, tháng 5/1972... Tổng cộng, ông đã trực tiếp chiến đấu 127 trận đánh vô cùng dũng cảm, mưu trí, tiêu diệt tới 253 tên địch (trong đó có 145 lính Nguỵ, 71 lính Mỹ và 30 lính Polpot). Phạm Hữu Thậm còn bắn rơi 19 máy bay (trong đó có 4 chiếc phản lực và 15 trực thăng). Trong chiến đấu và công tác, ông đã đựơc tặng thưởng tới 7 Huân chương Chiến công các loại, 4 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ’, 4 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt máy bay” cùng nhiều danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua” và “Chiến sĩ Quyết thắng”...

Ông bà Phạm Hữu Thậm và Dương Thị Gái

Trong đại thắng mùa xuân 1975, sau khi cùng đơn vị tham gia giải phóng thành phố Đà Nẵng, Phạm Hữu Thậm cùng đơn vị được điều đi chi viện cho lực lượng Hải quân giải phóng quần đảo Trường Sa. Ông đã xung phong cùng đồng đội bí mật lên tàu vượt biển, trực tiếp cùng bộ đội Đặc công nước tham gia các trận đánh và lần lượt giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca và Nam Yết. Trong đội hình chiến đấu của Đại đội Phòng không 14, Tiểu đoàn Bộ binh 4, ông đã phải chứng kiến rất nhiều đồng đội hi sinh… Khi quần đảo Trường Sa đã hoàn toàn được giải phóng, Phạm Hữu Thậm đã được giao nhiệm vụ làm Chính trị viên đảo Sơn Ca trong 3 tháng. Tiếp đó, ông đảm nhiệm trọng trách làm Đảo phó Song Tử Tây đến hết tháng 8/1976 mới vào đất liền và được điều động bổ sung về Lữ đoàn 126 của Bộ Tư lệnh Hải quân… Chưa hết, sau khi chiến tranh biên giới phía Tây Nam nổ ra, tháng 12/1978 Phạm Hữu Thậm lại được điều động đi làm nhiệm vụ quốc tế tại mặt trận Campuchia, tấn công truy kích địch tới sát biên giới Thái Lan, liên tục tham gia hàng chục trận đánh ác liệt, mãi tới tháng 7/1979 mới được lệnh rút về nước…

Tháng 1/1982, do sức khoẻ yếu, Trung uý Phạm Hữu Thậm đã được Quân đội cho nghỉ chế độ mất sức của bệnh binh. Thực ra trong chiến đấu ông đã bị thương rất nhiều lần, nhưng người làm chế độ chính sách trong đơn vị hồi đó nói: “Nếu hưởng chế độ Thương binh, thì sẽ không có chế độ bệnh binh mất sức hằng tháng nữa”. Ông đã tặc lưỡi chọn “mất sức” cho xong. Và hiện Trung uý cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm được lĩnh khoản tiền 2.840.000 đồng mỗi tháng (mới được tăng thêm, trước đây chỉ hơn 2 triệu). Đó cũng là khoản tiền cả hai vợ chồng già phải chi tiêu tằn tiện, ăn uống chủ yếu là rau cháo và chữa bệnh qua ngày…
Cảm động về cuộc đời của Phạm Hữu Thậm, một nhóm các nhà văn chiến binh đã tìm về thôn Huề Trì (phường An Phụ, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) nhiều lần, xác minh tư liệu, trò chuyện với tác giả Phạm Hữu Thậm và những người thân trong gia đình ông. Đó là một ngôi nhà 5 gian kiểu cũ, phía trước vẫn nguyên kiểu cửa bức bàn, nhưng mái đã thay bằng loại ngói tây. Theo cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm nhớ lại, thì ngôi nhà này do ông bà nội mình để lại, đã hàng trăm năm tuổi. Đầu thế kỷ trước, khi quân Pháp đến đóng bốt ở Kinh Môn, chúng đã cho lính đến lột mái nhà ông đi làm bốt, nên nóc phải đặt lại. Do quá lâu không được tu sửa, nên ngôi nhà đã hư hại và xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi trời mưa gió là bị giột tứ bề, nước chảy lênh láng. Mà nền nhà vẫn còn là nền đất, chưa có điều kiện lát gạch, nên luôn ẩm thấp và mọc đầy rêu. Thậm chí, gian buồng để thóc lúa và đồ đạc lặt vặt được xây bằng gạch thô, vẫn còn chưa trát hết vữa. Đồ đạc trong nhà không có gì đáng giá, ngoài một chiếc tivi đã cũ. Khách vào chơi, vì không có bàn ghế uống nước, ông Thậm thường trải chiếu và mời mọi người ngồi… xuống đất.
Nhà văn Đặng Vương Hưng (người viết lời tựa giới thiệu sách) cho biết: Khác với viết thư, trình độ đòi hỏi không cao, vì kể cả những người không biết chữ cũng có thể nhờ người khác viết thư hộ mình. Nhật ký thì không ai có thể viết hộ ai và đòi hỏi người viết phải có một trình độ văn hoá, khả năng diễn đạt câu chữ nhất định. Ngoài ra, người viết Nhật ký còn cần phải có cả sự bền bỉ, đều đặn, kiên trì ngày này qua ngày khác… Trước khi nhập ngũ và lên đường vào Nam chiến đấu, Trung uý cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm chỉ có trình độ văn hoá lớp 4. Vậy ông đã thể hiện bản thảo cuốn nhật ký này như thế nào? Thật may mắn, là những ngày ở chiến trường, Phạm Hữu Thậm có thói quen ghi chép vắn tắt hoạt động của mình và anh em trong đơn vị vào một cuốn sổ tay. Khi có thời gian rảnh rỗi, ông viết bổ sung thêm nhiều chi tiết cụ thể cho những sự vật và hiện tượng mình đã chứng kiến. Đó là tư liệu vô cùng quý giá, cộng với trí nhớ “trời cho” để ông có thể hoàn thành bản thảo tác phẩm nhật ký “Lính chiến” sau này.

Gia đình vợ chồng Trung uý CCB Phạm Hữu Thậm và bà Dương Thị Gái đã hiến tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam một số kỷ vật vô giá

Bà Dương Thị Gái (sinh 1944) là vợ của Cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm. Đó là một người phụ nữ đặc biệt. Bà không chỉ thay chồng nuôi con, gánh vác công việc gia đình trong những năm tháng khó khăn, mà đặc biệt còn giúp ông lưu giữ các kỷ vật ông mang về từ chiến trường. Sau những ngày mưa, trời có nắng, bà Gái lại mang những Huân chương, Chứng nhận Dũng sĩ, Bằng khen, Giấy khen và những văn bản, ghi chép xác nhận của đồng đội đơn vị cũ của chồng ra phơi nắng cho đỡ ẩm mốc. Phơi xong, bà cẩn trọng xếp từng thứ cuộn lại và cho vào túi ni nông buộc kỹ, treo lên cột nhà…
Có thể trong mấy chục năm qua, người đời đã tạm thời lãng quên thành tích của Trung úy Phạm Hữu Thậm. Và thậm chí chính ông cũng có thể đã lãng quên những chiến công của mình, bởi đã ở độ tuổi gần 80, theo quy luật của tạo hóa, thì nhớ nhớ quên quên cũng là chuyện bình thường. Đôi khi, người ta có thể lãng quên những chuyện buồn vui của riêng ai đó. Nhưng lịch sử và truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc thì không ai được phép quên lãng! Và dù chưa được Nhà nước phong tặng, nhưng từ lâu Trung uý Phạm Hữu Thậm đã thật sự là một người Anh hùng trong lòng đồng đội!
Tiếp nhận kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh” do 3 gia đình CCB hiến tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Hưởng ứng cuộc vận động sưu tầm kỷ vật và thi viết bài mang chủ đề “Tình yêu đi qua chiến tranh” (2020 - 2025) do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB “Trái tim Người lính” và CLB “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam bảo trợ truyền thông; cũng trong sự kiện nêu trên có 3 gia đình đã đăng ký hiến tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Cụ thể:
Gia đình vợ chồng Trung uý CCB Phạm Hữu Thậm và và bà Dương Thị Gái đã hiến tặng cho bảo tàng Phụ nữ Việt Nam một số kỷ vật vô giá, mà họ đã lưu giữ nhiều năm: Bút tích sổ tay, Giấy chứng nhận “Dũng sĩ diệt Mỹ”, Bản đồ tác chiến…
Gia đình vợ chồng Đại uý CCB Nguyễn Đình Độ và bà Trần Thị Huyền (đến từ tổ dân phố số 3, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội): Hiến tặng gần 20 lá thư riêng, được viết trong chiến tranh Biên giới phía Bắc (1979 – 1989).
Gia đình vợ chồng CCB Tiến sĩ Nguyễn Minh Vỹ và bà Nguyễn Thị Khi (đến từ khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiến tặng Bảo tàng Phụ nữ Vi.ệt Nam một số tư liệu ảnh đen trắng về chiến trường Quảng Trị và cuốn sách “Phút giây đáng nhớ” cùng một số lá thư được viết tại chiến trường Quảng Trị (1973 – 1975).

KTDU
 

Từ khóa: