Sự kiện hot
13 năm trước

Giới trẻ hào hứng với phong trào đồ cũ

Trao đổi, mua bán đồ cũ đang trở thành một trào lưu trong đời sống của người Việt. Mọi việc bắt đầu tư những nhóm nhỏ, rồi nó được thổi lên và lan rộng qua các diễn đàn mạng. Cuối cùng nó lại quay lại đời sống thực như một phong trào, một lối sống mới.

Trao đổi, mua bán đồ cũ đang trở thành một trào lưu trong đời sống của người Việt. Mọi việc bắt đầu tư những nhóm nhỏ, rồi nó được thổi lên và lan rộng qua các diễn đàn mạng. Cuối cùng nó lại quay lại đời sống thực như một phong trào, một lối sống mới.

Nóng trên mạng

Hiện nay, trao đổi đồ cũ đã trở thành đề tài "nóng" trên các diễn đàn, mạng xã hội. Ngày càng nhiều mạng xã hội, website chuyên về trao đổi đồ cũ đã ra đời, thu hút hàng nghìn thành viên như: 2win.vn, traodoido.net, chodoxua.vn, sachviet.info...

Mọi vật dụng đều có thể mang ra trao đổi, từ móc chìa khóa, giày dép, quần áo, sách vở, tivi, máy tính, máy ảnh, máy ảnh, bàn ghế, đồ dùng cho bé... Những món đồ được mang ra trao đổi là những món đồ còn dùng được.

Nó có thể không còn cần thiết với người này nhưng lại hữu ích cho người khác. "Thật vui khi mình đổi được một chiếc nôi không dùng tới nữa cho một mẹ ở Cầu Giấy để lấy xe đạp cho con" - chị Trần Thị Ngọc (ngõ 381 Đội Cấn, Hà Nội) chia sẻ sau khi tham gia đổi đồ cũ qua trang web lamchame.com.

Sách dường như là "mặt hàng" được đưa ra trao đổi nhiều nhất nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách của nhiều bạn trẻ.

Một bạn có nick Hoamattroi - thành viên của mạng xã hội trao đổi đồ trực tuyến 2win.vn cho biết: "Từ khi tham gia chuyên mục Trao đổi sách trên 2win.vn, mình cảm thấy hứng thú đọc hơn vì được chia sẻ và lắng nghe quan điểm của các thành viên khác đối với những cuốn sách mà mình đã hoặc đang đọc. Cũng chính vì thế mà thói quen đọc sách của mình được cải thiện hơn".

Không chỉ dừng lại ở đời sống "ảo", ngày hội trao đổi sách đã được tổ chức tại nhiều trường như: Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Đại học FPT, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học xây dựng...

Chỉ trong vòng 1 ngày (11/2/2012), gần 500 sinh viên đã tham gia chương trình "Kết nối tri thức" - ngày hội trao đổi sách lần đầu tiên diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tổng số đầu sách trao đổi lên tới hơn 2000. Các loại sách tham gia trao đổi bao gồm: giáo trình các môn học, sách chuyên ngành tham khảo, đề cương ôn thi, truyện và các sách giải trí khác... Ngày hội một lần nữa nhắc nhở các sinh viên trong và ngoài nhà trường phải trân trọng và sử dụng hiệu quả những cuốn sách của mình.

Được tổ chức hai lần một năm, vào đầu mỗi kỳ học mới, trao đổi sách dần trở thành một hoạt động truyền thống của sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Dương Trung Dũng, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: "Ngày hội trao đổi sách được tổ chức nhằm giúp các bạn sinh viên giảm chi phí. Đây cũng là cơ hội để sinh viên tiếp xúc với sách bản quyền và xây dựng ý thức dùng sách có bản quyền".

Lan rộng trong đời thực

Chị Phạm Thị Thúy (số 18, ngõ 43, Kim Động, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cơ quan chị mọi người rất thường hay trao đổi đồ cũ. "Ngoài quần áo, chúng tôi còn chia sẻ cho nhau sách vở, đồ chơi của các con. Người nào có con lớn hơn sẽ chuyển lại đồ cho người có con nhỏ hơn. Chúng tôi vui vì nhận ra rằng, quan trọng hơn việc tiết kiệm chi tiêu cho gia đình, chị em trong cơ quan trở nên gần gũi, gắn bó với nhau", chị Thúy chia sẻ.

Ngay từ năm thứ nhất, Hoàng Thị Nga (khoa Kế toán, Đại học Nông nghiệp Hà Nội) đã cùng với các bạn chung phòng ký túc xá thành lập nhóm chia sẻ đồ cũ. Nói về ý tưởng thành lập nhóm, Nga hào hứng: Nhiều khi quá vội vàng, mình mua một chiếc áo mà không hề mặc thử, để rồi về nhà tiếc hùi hùi vì không mặc vừa. Có bạn được tặng một món đồ gì đó, nhưng thấy không hợp "gu", và mãi cất nó trong đáy tủ. Hoặc có người có những món đồ đã mặc 1,2 lần, còn mới nguyên nhưng không thích nữa. Để tránh lãng phí, bọn mình chia sẻ cho nhau.

Ngày hội Mottainai là sự kiện xuất phát từ Nhật Bản, được câu lạc bộ 3R  (câu lạc bộ môi trường của học sinh trường THPT Hà Nội Amsterdam) tổ chức định kỳ 2 lần một năm. "Mottainai" theo tiếng Nhật có nghĩa là "Tiếc quá, thật lãng phí" được người Nhật dùng khi một vật vẫn còn giá trị sử dụng nhưng bị bỏ đi. Từ hoạt động này, mọi người rút ra được một bài học là trao đổi những tài nguyên sao cho hiệu quả và tiết kiệm. Đến nay, ngày hội Mottainai đã được tổ chức 8 lần ở Việt Nam.

Với các chủ đề như: "Gia đình sinh thái", "Hãy cho tôi một chiếc túi sinh thái", "Chợ phiên 3R"... ngày hội Mottainai nhằm mục đích góp phần bảo vệ môi trường (giảm một lượng đồ vật vẫn còn giá trị sử dụng nhưng không dùng đến nữa, đồng thời cũng làm giảm lượng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm - đặc biệt là các nguyên liệu từ thiên nhiên). Nâng cao tinh thần, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho người dân. Đặc biệt, phát huy tinh thần tương thân tương ái, qua các hoạt động từ thiện ủng hộ các vật phẩm sau ngày hội.

Điểm nhấn của ngày hội Mottainai là góc 3R giới thiệu và trưng bày các đồ trang trí làm từ vật liệu tái chế và dạy các em nhỏ biết thêm về 3R cũng như cách làm đồ dùng từ đồ tái chế. Từ vỏ hộp bánh, hộp xốp, nắp chai, vỏ chai... các bạn trong nhóm 3R tái chế thành các khung ảnh, chuông gió, huy hiệu, chong chóng...

Với những đồ cũ được tái sử dụng đã tiết kiệm được một phần kinh phí lớn cho thành phố vì không phải chôn lấp, đồng thời giảm thiểu chất thải, tạo được tinh thần chia sẻ, liên kết mọi người với nhau. Việc trao đổi đồ cũ không chỉ mang lại niềm vui cho mọi người mà còn kêu gọi ý thức tiết kiệm, góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc hạn chế rác thải.

Theo VEF


Từ khóa: