Sự kiện hot
5 năm trước

Gỗ Trường Thành - Sứ Thiên Thanh: Gỗ - Sứ sáp nhập, có làm nên chuyện?

Phương án sáp nhập giữa hai công ty với ngành nghề có vẻ ít liên quan - một bên chuyên về gỗ, một bên chuyên về sứ - vừa chính thức được thông qua. Chiến lược của Gỗ Trường Thành là gì khi sau sáp nhập Sứ Thiên Thanh, "vua" gỗ vẫn ngỏ ý thâu tóm thêm công ty của ông bầu Võ Quốc Thắng.

mai huu tin - vo quoc thang

ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào ngày 25/10 vừa qua của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán: TTF) đã thông qua toàn văn phương án nhận sáp nhập, phương án phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi và các vấn đề khác có liên quan giữa CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành và CTCP Sứ Thiên Thanh.

Cụ thể, Gỗ Trường Thành sẽ sáp nhập với Sứ Thiên Thanh, theo hình thức hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 8,21:1, có nghĩa là 8,21 cổ phiếu TTF hoán đổi lấy 1 cổ phiếu Sứ Thiên Thanh. Theo đó, số lượng cổ phiếu TTF dự kiến phát hành là 96,6 triệu cổ phiếu, với vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành tăng lên 3.112 tỷ đồng (trước đó là 2.146 tỷ đồng). Đối tượng phát hành là các cổ đông của Sứ Thiên Thanh.

ĐHĐCĐ cũng thông qua bản dự thảo hợp đồng sáp nhập sẽ được ký kết giữa hai công ty. Theo bản dự thảo này, Sứ Thiên Thanh sẽ được chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Sứ Thiên Thanh do Gỗ Trường Thành sở hữu 100% vốn (hoạt đông theo mô hình công ty mẹ - công ty con).

Công ty mới sau sáp nhập cũng đã lên kế hoạch tài chính cho năm 2019, với doanh thu hợp nhất khoảng 252,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 12,8 tỷ đồng.

Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường 2018 của Gỗ Trường Thành cũng thông qua việc đổi tên công ty mới thành CTCP ToTal Furniture (có tên tiếng anh là ToTal Furniture Corporation) và giữ mã chứng khoán là TTF.

Ngoài ra, Đại hội cũng thông qua tờ trình miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT của ông Hà Hoàng Thế Quang và bổ sung ông Nguyễn Trọng Hiếu (Phó TGĐ thường trục công ty) làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017- 2021.

Được biết, đơn vị định giá giá trị của TTF và Sứ Thiên Thanh lần lượt là 3.747 đồng/cổ phiếu và 30.600 đồng/cổ phần. Định giá này cũng là vấn đề gây nhiều khúc mắc nhất cho các cổ đông có mặt tại Đại hội. Nhiều cổ đông lo ngại về tính hợp lý của mức định giá và hiệu quả kinh tế sau khi thực hiện sáp nhập.

Theo giải thích từ phía TTF, đây là mức định giá được thực hiện bởi 2 công ty là Công ty Chứng khoán Bảo Việt (mã: BVS) và CTCP Thẩm định giá Đông Nam. Hơn nữa, Sứ Thiên Thanh là thương hiệu lâu năm và cũng đang sở hữu một lô đất 50.000 m2 có giá trị không nhỏ. Mục tiêu của TTF khi có Sứ Thiên Thanh là hợp tác với đối tác là một công ty nội thất lớn của Ý để làm sản phẩm phân khúc cao cấp hơn.

Gỗ nhập Sứ: thay tên có đổi vận?

Trong tháng 10 năm nay, Gỗ Trường Thành (TTF) đã giải thể liên tiếp 3 công ty con. Cụ thể, vào ngày 3/10, TTF đã giải thể hai công ty con là Công ty TNHH Kỹ nghệ gỗ Trường Thành có địa chỉ tại Đào Trinh Nhất, khu phố 4, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP.HCM và CTCP Lâm nghiệp Trường Thành Đắk Nông, địa chỉ tại quốc lộ 14, tổ dân phố 4, phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

Tiếp đến ngày 19/10, TTF lại giải thể thêm một công ty con là CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Trường Thành – Đắk Nông có địa chỉ tại thôn 3, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. Từ một công ty lớn trong top 3 của ngành gỗ, TTF có dấu hiệu dần đi xuống, rơi vào tình cảnh thua lỗ kéo dài. Người sáng lập, vốn là ông chủ cũ của công ty lâm vào cảnh phá sản ở tuổi xế chiều.

Đến nay, TTF vẫn chưa công bố báo cái tài chính quý III/2018. Trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu hợp nhất (đã soát xét) của TTF là 314 tỷ đồng, giảm 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lỗ sau thuế lên đến 732 tỷ đồng. Tuy nhiên, TTF vẫn có lợi thế cạnh tranh, cung cấp được mọi sản phẩm mà thị trường có nhu cầu chứ không riêng các sản phẩm về gỗ.

Công ty hiện đang cung cấp nội thất chủ yếu cho các dự án của Tập đoàn Vingroup. Ngoài Vingoup, công ty đã tiếp cập và tìm được các nguồn khách hàng khác. Theo lãnh đạo TTF, hiện giá trị tiền hàng ứng trước với Vingroup là gần 1.667 tỷ đồng với mức lãi 6,5%.

Với các chủ nợ chính, TTF gần như đã xử lý xong, chỉ còn khoản nợ khoảng 120 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á. Dự kiến những tháng cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019, công ty sẽ bán những tài sản còn lại để trả dứt điểm nợ. Mặt khác, công ty sẽ tiếp tục đóng cửa các công ty không hiệu quả, mục tiêu cuối cùng là giữ lại nhà máy chính ở thị xã Yên Hưng, Bình Dương.

Trong khi đó, có mặt trên thị trường từ năm 1950 và có tuổi đời lớn hơn Gỗ Trường Thành rất nhiều, CTCP Sứ Thiên Thanh là công ty con thuộc CTCP Đồng Tâm của ông bầu bóng đá nổi tiếng Võ Quốc Thắng (thường được gọi là bầu Thắng). Sản phẩm chính của Sứ Thiên Thanh là sứ vệ sinh (bồn, chậu,…), chủ yếu là phân khúc thấp. Sứ Thiên Thanh có số vốn điều lệ 117,6 tỷ đồng do CTCP Đồng Tâm nắm 47,27% cổ phần.

Trong năm 2018, Sứ Thiên Thanh lên kế hoạch doanh thu là 177,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5,1 tỷ đồng. Trước đó giai đoạn từ 2015-2017, doanh thu của công ty tăng từ 138,3 tỷ đồng (2015) lên 159,3 tỷ đồng (2017). Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn này lại giảm từ 12,6 tỷ đồng về còn 0,75 tỷ đồng.

Nói về việc nhận sáp nhập, ông Mai Hữu Tín - Phó Chủ Tịch HĐQT TTF cho biết, nói về sứ thì có vẻ không liên quan gì đến gỗ nhưng việc hợp tác với Tập đoàn Đồng Tâm đầu tiên có thể dẫn đến hợp tác khác giữa công ty con của Tập đoàn Đông Tâm với Gỗ Trường Thành để có thể có thêm các sản phẩm cung ứng cho các công trình mà công ty đang làm.

Sáp nhập song song với chiến lược đổi tên và tăng vốn điều lệ, liệu ban lãnh đạo mới công ty có giúp TTF thoát khỏi những khó khăn hiện tại? Chưa dừng lại ở đó, phía TTF còn cho biết công ty hiện cũng đang đàm phán với Cửa nhựa Đồng Tâm. Như vậy, sau Sứ Thiên Thanh, mối lương duyên của TTF với bầu Thắng liệu có tiếp tục?

Chu Kỳ
Theo Nhà đầu tư

Từ khóa: