Việc đưa ra một gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đang tiến gần tới kết quả, tuy nhiên xung quanh những tiêu chí lựa chọn đối tượng ưu tiên và cách thức thực hiện còn nhiều vấn đề cần làm rõ.
"NHNN đang dự kiến một gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ, tương đương với quy mô dư nợ khoảng 100.000 tỷ, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Lãi suất hỗ trợ dự kiến trong khoảng từ 3 - 4%/năm", đây là thông tin được ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiết lộ trong buổi toạ đàm "Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích" mới đây.
Con số trên được đưa ra sau khi NHNN đã tiến hành bàn bạc với Bộ Tài Chính ước tính giá trị gói cấp bù lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng, NHNN sẽ bù đắp lãi suất cho các ngân hàng qua cơ chế cấp bù lãi suất. Với tổng dư nợ tín dụng hiện nay của nền kinh tế khoảng gần 10 triệu tỷ đồng, quy mô của gói hỗ trợ trên chỉ tác động khoảng 1% tổng dư nợ.
Thận trọng sau bài học gói kích cầu năm 2009
Việc cần thiết có một gói hỗ trợ lãi suất nhằm cấp vốn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 là điều được nhiều bộ ban ngành và các chuyên gia đề cập tới trong thời gian qua.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần phải có sự cẩn trọng trong việc triển khai để hạn chế các rủi ro, tránh bài học không đáng có như gói kích cầu năm 2009. Gói hỗ trợ lãi suất ban đầu có quy mô khoảng 11.000 tỷ đồng, sau khi đó tăng thêm 19.000 tỷ đồng, với mức lãi suất hỗ trợ khoảng 4 - 5%/năm.
Việc cấp tín dụng dễ dàng đã khiến tăng trưởng tín dụng tăng quá mức, trên 37% năm 2009 và để lại hệ luỵ cho các năm tiếp theo. Lạm phát tăng cao, năm 2009 mới ở mức 6,88%, năm 2010 lên 9,19% và đặc biệt năm 2011 lên tới 18,58%.
Tín dụng tăng vọt, tiền cho vay lại không đi vào sản xuất mà chảy sang kênh chứng khoán và bất động sản, lạm phát đã lên tới hai con số..., trong khi GDP tăng trưởng là không nhiều.
"Trong các năm 2009 - 2013, GDP Việt Nam có sự tăng trưởng khoảng 5% - 7%, nhưng lạm phát lại tăng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng kinh tế", TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Ngoài ra, gói kích cầu 2009 cũng để lại nhiều hậu quả nặng nề cho hệ thống ngân hàng. Phần lớn các ngân hàng mua 0 đồng hay sáp nhập đều xuất hiện từ thời điểm đó. Điều này cho thấy cách làm thời đó còn khá chủ quan nhất là các "chốt" vi mô, vĩ mô không được đặt ra ngay từ đầu.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, năm 2009 Việt Nam sử dụng 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Nguồn tiền lấy từ Quỹ dự trữ ngoại hối nhưng đến nay, ngân hàng vẫn chưa được quyết toán hết.
"Mặc dù chính sách cấp bù lãi suất có hiệu ứng nhất định nhưng hậu quả để lại không hề nhỏ. Thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp vấn đề lớn, nợ xấu liên tục tăng cao", ông cho biết.
Những hệ luỵ để lại của gói kích cầu năm 2009 là lời cảnh báo cần có sự tính toán cẩn trọng trên mọi phương diện cho gói hỗ trợ lãi suất lần này.
Gói hỗ trợ cần đúng mức, đúng chỗ và đúng thời điểm
Trong dự thảo tờ trình xây dựng Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) nêu rõ Chính phủ cần phải có các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng.
Trong đó ưu tiên doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới, sử dụng nhiều lao động, có đóng góp lớn cho ngân sách, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công nghệ cao.
Bộ đề xuất NHNN nghiên cứu gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp trong ngành bị tác động nặng nề bởi COVID-19, doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc cơ sở sản xuất tại các địa bàn áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên 1 tháng (gói 100.000 tỷ được nói đến ở trên).
Trong đó, cần có gói hỗ trợ lãi suất tương xứng cho các các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh nhưng lại tác động lớn đến các ngành khác như hàng không, du lịch, giáo dục, đây cũng là thông lệ mà nhiều quốc gia đã thực hiện. Ước tính riêng cho doanh nghiệp ngành hàng không quy mô gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, ngành ngân hàng cũng nên có các giải pháp nhằm tăng mức tiếp cận tài chính, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), một trong những đối tượng bị tổn thương nặng bởi đại dịch COVID-19.
Xung quanh vấn đề đối tượng được hưởng gói ưu đãi lãi suất, các chuyên gia cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng không nên phân biệt đối tượng được hưởng gói hỗ trợ. Chính phủ nên xem xét giải cứu tất cả doanh nghiệp gặp khó khăn, không phân biệt là doanh nghiệp nào.
"Theo tôi chính sách hỗ trợ không nên phân biệt ngành nghề, phân biệt doanh nghiệp lớn, nhỏ hay siêu nhỏ,… mà họ đều phải được hưởng như nhau", TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.
Chuyên gia cũng cho rằng với quy mô gói khoảng 1% tổng dư nợ nền kinh tế là quá nhỏ, không thấm vào đâu để tạo sức bật cho nền kinh tế phục hồi rõ rệt và cần tăng quy mô gói lên cao hơn.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế, số lượng doanh nghiệp cần hỗ trợ rất lớn nhưng gói kích cầu thì có giới hạn. Điều này cũng đồng nghĩa rằng gói hỗ trợ lãi suất phải cần "có chọn lọc" hơn, không thể áp dụng được hết với tất cả các doanh nghiệp.
Tại sao lại ưu tiên hàng không, du lịch?
Có thể nhận thấy rằng hàng không và du lịch là hai ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và dễ thấy nhất khi đại dịch COVID-19 diễn ra. Các doanh nghiệp này đã phải "đóng băng" gần như mọi hoạt động, kéo theo hàng nghìn lao động ngành này bị mất việc làm hoặc cắt giảm mạnh công việc.
Theo Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, ngành hàng không vốn dĩ có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và là ngành có tính liên thông, lan toả lớn. Ước tính, một việc làm của ngành hàng không có tính liên đới tới 24 việc làm của các ngành khác.
Chuyên gia cho biết hàng không có ảnh hưởng lớn tới các lĩnh vực quan trọng như du lịch, thương mại dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu hàng hoá. Ngành cũng có những đóng góp trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài và nhu cầu quan trọng trong cuộc sống của con người là đi lại.
Theo thống kê của Hiệp hội Hàng không Việt Nam, doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không nội địa giảm hơn 60%, tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm trước. Hiện nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của ba hãng lớn nhất đã lên tới 36.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, ngành hàng không đóng góp một phần không nhỏ vào nền kinh tế. Riêng về ngân sách, trong năm 2019, ngành đóng góp trên 20.000 tỷ đồng thuế và phí/năm, tương đương đứng trong top 10 tỉnh, thành phố nộp ngân sách lớn nhất nước.
Du lịch cũng từng là ngành mũi nhọn của cả nước nhưng đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, các doanh nghiệp ngành du lịch, lữ hành điêu đứng, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, các khách sạn phải đóng cửa.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2020, cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa; nhưng có đến 90 - 95% các doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động.
Với tiềm lực phát triển và có sức lan toả lớn, những lĩnh vực này được đánh giá sẽ tạo động lực cho các ngành kinh tế khác, tạo đà phục hồi nền kinh tế khi dịch COVID được kiểm soát và bắt đầu mở cửa trở lại.
Những thuận lợi để có thể ban hành gói hỗ trợ
Những đề xuất đang được đưa ra và các bộ ngành cũng đang tiến hành gấp rút hơn trong việc tìm đên một gói hỗ trợ có tính hữu dụng và hiệu quả nhất cho nền kinh tế.
Trong cuộc làm việc với ngành hàng không ngày 28/9, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định NHNN sẽ hỗ trợ tối đa cho các hãng hàng không, sẵn sàng nới thêm room tín dụng cho các ngân hàng hoặc điều chỉnh quy định cơ cấu nợ.
Đồng thời, Phó Thống đốc cũng đề nghị các ngân hàng thương mại cần chủ động cho vay ưu tiên, mạnh dạn cho vay tín chấp cho doanh nghiệp hàng không vì đây là lĩnh vực quan trọng.
Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nếu giữ nguyên những tiêu chuẩn cho vay hiện nay của ngân hàng thì doanh nghiệp không còn tài sản bảo đảm, không có doanh thu như những gì đang diễn ra tại các hãng hàng không hiện nay sẽ khó tiếp cận được vốn vay.
Ông cho rằng để có thể cho vay với các điều kiện đặc biệt như trên thì cơ quan quản lý phải có cơ chế để các ngân hàng được phép giảm tiêu chuẩn cho vay đối với các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Chính sách này chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định phù hợp với từng giai đoạn.
Lê Huy - DIệp Bình
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết