Sự kiện hot
8 năm trước

Hà Nội: Khu "đất vàng" số 6 Lê Văn Thiêm đã bị thâu tóm như thế nào?

Từ một bãi đỗ xe, khu đất 1,5ha tại số 6 Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã được “hóa phép” trở thành dự án Thanh Xuân Complex. Đằng sau sự chuyển mình này là một kịch bản thâu tóm đất vàng “kinh điển” – khởi đầu từ sự thoái vốn của đơn vị nhà nước Công ty Cổ phần Đầu tư Vinamotor.


Dự án Thanh Xuân Complex tại Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Muôn việc đủ cả, chỉ chờ gió đông

Năm 2013, Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi 4 công ty liên kết, trong đó có Công ty Cổ phần Vận tải hành khách Thanh Xuân (đơn vị có phần vốn góp của Công ty Cổ phần Đầu tư Vinamotor, OTC: CIV – thành viên của Tổng công ty).

Tại thời điểm 2013, CIV đang sở hữu khoảng 408 nghìn cổ phần (bằng 4,08 tỷ đồng), tương đương 54,968% vốn của Công ty Cổ phần Vận tải hành khách Thanh Xuân. Giá chào bán khởi điểm được đưa ra là 50.000 đồng/cổ phần.

Việc CIV bán cổ phần tại Công ty Cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân có thể coi là một hành động bất đắc dĩ do tình hình kinh doanh của đơn vị này ngày càng sa sút.

Báo cáo kiểm toán của Công ty Cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân cho thấy trong giai đoạn 2011 – 2013, doanh thu của công ty này chưa khi nào vượt quá 10 tỷ đồng. Đã vậy, những biến động của tình hình kinh tế còn khiến doanh thu này giảm sâu vào năm 2012. Trong khi đó, giá vốn hàng bán (chủ yếu là tiền thuê đất) lại tăng không ngừng nghỉ. Tất cả đã khiến lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân sụt giảm nghiêm trọng và xuống mức âm 1 tỷ đồng vào năm 2012.

Với 1 doanh nghiệp làm ăn bết bát như vậy, điều gì thúc đẩy một doanh nghiệp khác lao vào mua cổ phần với cái giá "trên trời" 50.000 đồng/cổ phần?

Câu trả lời chỉ có thể là đất.

 

Dự án Thanh Xuân Complex manh nha hình thành sau khi CIV thoái vốn 

Theo tìm hiểu, từ năm 2000, Công ty Cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân đã được UBND thành phố Hà Nội cho thuê 15.000 m2 tại số 25 Lê Văn Thiêm trong thời hạn 15 năm để kinh doanh kho bãi (theo Hợp đồng thuê đất số 227-245/ĐC-NĐ-HĐTĐ với Sở Địa chính – Nhà đất Hà Nội). Đến năm 2013, thành phố Hà Nội đã có văn bản  điều chỉnh diện tích cho thuê xuống còn 14.744 m2 (Quyết định số 17/QĐ-UBND).

Cũng chính trong năm này, CIV bán cổ phần tại Công ty Cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân. Và một bên thứ 3 đã đứng ra mua trọn số cổ phần này.

Điều đáng chú ý là ngay sau khi CIV thoái vốn, khu đất 14.744 m2 của Công ty Cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân lập tức được chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở và hỗn hợp). Đây chính là tiền để để dự án Thanh Xuân Complex manh nha hình thành.

Như vậy có thể thấy, kế hoạch thâu tóm khu đất 14.744 m2 đã được lên kịch bản từ trước, chỉ chờ CIV thoái vốn là thực hiện. “Ngọn gió đông” CIV không chỉ “hóa kiếp” cho khu đất 14.744 mà còn đổi vận luôn cho Công ty Cổ phần vận tải hành khách Thanh Xuân. Chỉ ít lâu sau khi CIV thoái vốn, công ty này đã được đổi tên thành Công ty Cổ phần Phát triển Thanh Xuân – chủ đầu tư dự án Thanh Xuân Complex như ta thấy hiện nay.

Ai đã bơm vốn cho Công ty Cổ phần Phát triển Thanh Xuân?

Để làm chủ đầu tư một dự án bất động sản, Công ty Cổ phần Phát triển Thanh Xuân phải có số vốn bằng 20% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, tại thời điểm 2013, công ty này chỉ có vỏn vẹn 7,5 tỷ đồng vốn điều lệ thực góp.

Để đáp ứng nhu cầu, một bên thứ 3 đã bơm vốn cực mạnh cho Công ty Cổ phần Phát triển Thanh Xuân. Kết quả, từ một đơn vị “dặt dẹo”, công ty này bỗng lớn nhanh như Thánh Gióng, đạt vốn chủ sở hữu 305 tỷ đồng (tại thời điểm 31/12/2015) – “thừa” tiêu chuẩn làm chủ đầu tư dự án.

Năng lực tài chính của Công ty Cổ phần Phát triển Thanh Xuân còn mạnh tới mức, chỉ trong vòng 2 tháng, đơn vị này đã đóng hết tiền sử dụng đất 50 năm cho thành phố Hà Nội với tổng giá trị gần 500 tỷ đồng.

Ai đã bơm vốn vào Công ty Cổ phần Phát triển Thanh Xuân?

 

Phối cảnh dự án Thanh Xuân Complex

 

 Theo tìm hiểu, đó là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và thương mại – một pháp nhân được thành lập từ 2005 có vốn điều lệ 208 tỷ đồng. Trong quá khứ, công ty này từng có cổ đông là Tổng công ty sông Hồng (đại diện là các ông Phạm Đình Mạnh, Nguyễn Văn Hiến). Mặc dù sau đó Tổng công ty sông Hồng thoái vốn song vai trò của ông Phạm Đình Mạnh vẫn được duy trì khi ông là người đứng đầu Văn phòng giao dịch của công ty này.

Điều đáng nói, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và thương mại lại là một trong 4 cổ đông của Công ty Cổ phần Bất động sản Hapulico – chủ đầu tư dự án Hapulico Complex. Thậm chí đó còn là cổ đông lớn nhất, chiếm tới 88% vốn điều lệ.

Cá nhân ông Phạm Đình Mạnh từng là Phó Chủ tịch HĐQT của Hapulico. Và người đại diện pháp luật của Hapulico hiện tại cũng là một cá nhân cùng họ với ông – ông Phạm Đình Minh.

Như vậy có thể thấy khá rõ bàn tay Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hapulico trong thương vụ thâu tóm đất vàng Thanh Xuân để hình thành nên dự án Thanh Xuân Complex.

Một điểm cũng khá thú vị nữa là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Phát triển Thanh Xuân hiện tại cũng là một cá nhân mang họ Phạm Đình – ông Phạm Đình Việt.

Có thất thoát tài sản Nhà nước ở dự án Thanh Xuân Complex?

Hồi đầu tháng 5, Bộ Tài chính đã trình lên Thủ tướng Chính phủ danh sách 60 trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ 2014 – 2016 và kiến nghị thanh tra các dự án có dấu hiệu làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Thanh Xuân Complex của Công ty Cổ phần Phát triển Thanh Xuân là một trong số 60 dự án đó.

Theo tài liệu của Bộ Tài chính, khu đất của Công ty Cổ phần Phát triển Thanh Xuân rộng 14.744 m2; diện tích chủ đầu tư xin chuyển đổi mục đích sử dụng là 6.233 m2, số tiền phải nộp là 477 tỷ đồng. Như vậy, trung bình 1m2 tại đây chỉ có giá 76 triệu đồng – thấp hơn khá nhiều so với giá thị trường (100 - 120 triệu đồng/m2).

 Dự án Thanh Xuân Complex được cấp phép xây dựng ngày 6/5/2015, có quy mô diện tích 14.744 m2 gồm 2 hạng mục: hỗn hợp nhà ở cao tầng (24 tầng, không bao gồm 1 tầng kỹ thuật và 3 tầng hầm) và nhà ở thấp tầng (cao 4-5 tầng).

Điểm đáng chú ý là cơ cấu sử dụng đất của dự án thay đổi rất bất ngờ. Theo Quyết định 7193/QĐ-UBND cho phép chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất (ngày 28/12/2015), chủ đầu tư được sử dụng (dự kiến) khoảng 2.600m2 đất để thực hiện công trình hỗn hợp cao tầng và nhóm nhà ở cao 24 tầng và 5.609m2 dành xây nhà ở thấp tầng. Bên cạnh đó, phải dành 3.633m2 để trồng cây xanh, tạo cảnh quan và 2.902m2 cho đường nội bộ, đường quy hoạch...

Nhưng tới tháng 1/2016, dự án được cơ quan chức năng điều chỉnh chỉ tiêu đất với nội dung: phần diện tích đất xây nhà ở cao tầng "vọt" lên 6.233m2, trong khi diện tích đất phục vụ xây nhà thấp tầng (5.609m2) và đất làm đường nội bộ (2.902m2) không đổi.

Vậy, phải chăng 3.633m2 đất cây xanh, cảnh quan của dự án đã được "chuyển hóa" thành xây nhà ở cao tầng (2.600 + 3633 = 6.233m2)? Nếu quả thế, Thanh Xuân Complex sẽ là dự án đầu tiên được “bê tông hóa 100%" giữa nội thành Hà Nội.

Theo Lê Nguyễn/Vietnamfinance

Từ khóa: