Sự kiện hot
3 tháng trước

Hà Nội lên kế hoạch khởi công xây dựng cầu Tứ Liên vào năm 2025

Theo đơn vị đề xuất, dự án cầu Tứ Liên là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Thành phố Hà Nội, nằm trong Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hà Nội sắp xây cầu 20.000 tỉ đồng nối Tây Hồ với Đông Anh
Hà Nội lên kế hoạch khởi công xây dựng cầu Tứ Liên vào năm 2025.

Công trình nằm giữa cầu Nhật Tân và Long Biên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với mức đầu tư sơ bộ khoảng 20.000 tỷ đồng.

Dự kiến, khi vận hành, cầu Tứ Liên sẽ trở thành cầu dài nhất, đồng thời cũng là cây cầu có vốn đầu tư lớn nhất trong số những cây cầu bắc qua sông Hồng.Trong năm 2024, Hà Nội dự kiến khởi công 4 cây cầu vượt sông Hồng gồm: cầu Thượng Cát với tổng mức đầu tư khoảng gần 8.300 tỷ đồng, cầu Vân Phúc khoảng 3.444 tỷ đồng, cầu Hồng Hà khoảng gần 10.000 tỷ đồng và cầu Mễ Sở ước tính khoảng 4.881 tỷ đồng.

Cầu Tứ Liên là cầu quan trọng trong số 8 cầu dự kiến xây dựng mới trong khu vực đô thị trung tâm, kết nối trực tiếp đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Vành đai 3, khu vực đô thị của Đông Anh với trung tâm thành phố.

Dự án được tư vấn thiết kế bởi các chuyên gia của Mỹ với ý tưởng về phương án kiến trúc là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình.

Theo phương án thiết kế, cầu Tứ Liên có nhịp chính bắc qua sông Hồng, nối liền bờ phía Tây sông Hồng dọc tuyến đường Âu Cơ – Nghi Tàm thuộc địa phận các phường Yên Phụ, Tứ Liên, quận Tây Hồ với bờ Đông sông Hồng thuộc địa phận huyện Đông Anh.

Phạm vi dự kiến có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao QL5 với 5 nút giao trong đoạn tuyến gồm: Nút giao Nghi Tàm; nút giao Hữu Hồng; nút giao kết nối bãi giữa; nút giao Tả Hồng; nút giao Quốc lộ 5 kéo dài.

Trong đó, bờ phía Tây hiện là tuyến đường có lưu lượng giao thông rất cao do đang là đường vành đai chính kết nối đầu cầu Nhật Tân với cầu Long Biên, Chương Dương.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự án cầu Tứ Liên đã được UBND thành phố phê duyệt nghiên cứu tiền khả thi, sau đó giao Ban Giao thông tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Theo các phương án nghiên cứu, cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài khoảng 11,5km, từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao Vành đai 3 (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên). Trong đó, cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9km, cầu chính dài 1km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ.

Với phương án kiến trúc, cầu có thiết kế dây văng, kết hợp văng xoắn tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình. Với thiết kế này, cầu Tứ Liên được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng phát triển và kiến trúc mới của Hà Nội. Tổng mức đầu tư cầu Tứ Liên được tạm tính là 19.959 tỷ đồng.

Mới đây, Tập đoàn Vingroup vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề xuất tham gia đầu tư xây dựng dự án cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Đại diện Vingroup cho biết với kinh nghiệm đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông như: xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, Vingroup cam kết sẽ hoàn thành cầu Tứ Liên đúng tiến độ và chất lượng, xứng tầm là một trong những công trình biểu tượng mới của thủ đô.

Tiến Hoàng/KTĐU

Từ khóa: