Nhà máy thủy điện Đắk Mi hứa xây cầu cho dân đi lại, nhưng chỉ xây được 1 mố 2 trụ rồi dừng thi công khiến người dân không thể qua sông thu hoạch cây cối, chăn nuôi trâu bò.
Nhiều người dân thôn 2, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam vừa ký đơn kiến nghị gửi UBND huyện liên quan đến dự án xây cầu bắc qua sông Trường trên địa bàn.
Người dân nơi đây cho biết, cây cầu này có mức đầu tư dự kiến là hơn 3,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án bị bỏ dở dang từ khoảng một năm trước, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của bà con.
Theo người dân thôn 2, trước năm 2012, khi nhà máy thủy điện Đắk Mi chưa xây dựng, người dân dễ dàng đi qua sông Trường để trồng keo, chăn nuôi trâu bò, xây dựng đời sống kinh tế. Việc vận chuyển lương thực, hàng hóa cũng dễ dàng vì nước sông cạn.
Tuy nhiên, cuối năm 2012, khi nhà máy thủy điện Đắk Mi trên địa bàn xây dựng xong, cho nước chảy về sông Trường thì mực nước cao, chảy xiết. Dòng nước đã ngăn cách khu rẫy với nơi ở khiến người không thể vào thu hoạch keo, chăn nuôi trâu bò được.
Người dân chỉ vị trí cầu xây bắt qua sông Trường xây rồi để đó khiến người dân không thể lên rẫy thu hoạch keo, chăn nuôi trâu bò. Ảnh: CTV
Ông Trần Danh, người dân thôn 2 cho biết, nhà ông trồng 20ha keo và nuôi nhiều trâu bò. Tuy nhiên, đến thời điểm này keo đã quá tuổi vẫn không thể thu hoạch để bán, càng không thể vào chăm sóc trâu bò được thường xuyên.
“Nước sông Trường luôn dâng cao, chảy xiết khiến người dân chúng tôi không thể nào qua chăm sóc trâu bò, thu hoạch keo bán cho thương lái.
Nợ vay thì ngân hàng đang giục mà chẳng thể làm gì được. Năm 2016, nhà máy thủy điện Đắk Mi hứa xây cầu cho dân đi lại, vậy mà xây được 1 mố 2 trụ rồi dừng thi công đến nay đã một năm khiến người dân cực khổ”, ông Danh nói.
Theo ông Danh, bên kia sông Trường có hơn 200ha keo, cây lâm nghiệp không được thu hoạch, đàn trâu bò không có ai chăm sóc thường xuyên vì người dân không vào được do cầu xây chưa xong.
Đơn vị thi công cầu xây một móng rồi dừng một năm chưa thi công lại. Ảnh: CTV
Chính vì những bức xúc đó nên người dân thôn 2 đã làm đơn gửi UBND huyện Hiệp Đức, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị giải quyết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Hữu Tấn - Tổng Giám đốc Công ty thủy điện Đắk Mi cho biết, cây cầu bắt qua sông Trường thi công chậm là do diễn biến mưa lũ bất thường trong thời gian thi công.
Ngoài ra, do tính toán mực nước sông Trường phục vụ công tác đắp đê quây của đơn vị tư vấn thiết kế không đúng với mực nước thực tế nên đê quây phục vụ công tác thi công bị cuốn trôi nhiều lần khi có mưa lũ.
“Dự kiến cuối năm 2017 cây cầu mới có thể tiếp tục thi công trở lại vì hiện nay đang vào mùa mưa”, ông Tấn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoa, Phó Chủ tịch huyện Hiệp Đức cho biết, Công ty thủy điện Đắk Mi đang chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành khảo sát, và tính toán lại phương án đắp đê quây.
Sau khi có phương án đắp đê quây tối ưu, đơn vị liên quan sẽ tiếp tục triển khai thi công cầu trở lại.
Quang Nam
Theo ĐSPL, Vietnammoi