Sự kiện hot
11 năm trước

Hà Nội: Lộ mặt chất lượng nhà thu nhập thấp

“Nhà ở thu nhập thấp (TNT) nhưng chất lượng không thấp” là lời trấn an của nhiều chủ đầu tư với người dân trước băn khoăn về chất lượng của loại hình nhà ở giá rẻ này.

“Nhà ở thu nhập thấp (TNT) nhưng chất lượng không thấp” là lời trấn an của nhiều chủ đầu tư với người dân trước băn khoăn về chất lượng của loại hình nhà ở giá rẻ này. Tuy nhiên thực tế lại khác, khu nhà “mẫu” TNT CT1 Ngô Thì Nhậm của TP Hà Nội chỉ sau thời gian ngắn đi vào sử dụng đã bị bong tróc, thấm dột…


“Công trường” sửa chữa thấm dột tại tầng thượng tòa nhà CT1 Ngô Thì Nhậm (ảnh chụp ngày 26/9). ảnh: L.M

Dột ngay sau khi hoàn thành

Theo ông Lê Văn Bình (Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh Tổ dân phố số 3 – khu nhà CT1), hiện tượng thấm dột xảy ra từ khi các hộ dân mới dọn đến ở khu CT1 Ngô Thì Nhậm - Hà Đông (tháng 3/2011). Tại thời điểm đó, cư dân đã có phản ánh và chủ đầu tư đã tiến hành khắc phục. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hiện tượng thấm dột tiếp tục xảy ra, gây bức xúc cho cư dân.

Theo ghi nhận của chúng tôi ngày 26/9, chỉ qua những cơn mưa nhỏ chuyển mùa nhưng đã có một số căn hộ các tầng 24, 25 bị thấm dột, trần và tường tại một số căn hộ bị nứt, ẩm mốc… Một cư dân phòng 2404 cho chúng tôi biết, có những vị trí thấm dột từ trước, có những vị trí thấm dột mới xuất hiện khi chủ đầu tư tiến hành khắc phục sự cố trong những ngày gần đây.

Theo cư dân tòa nhà, để sửa chữa hiện tượng thấm dột, khoảng gần một tuần nay, chủ đầu tư đã tiến hành kiểm tra, bóc dỡ một số vị trí trên tầng thượng tòa nhà để gia cố. Một thanh niên có mặt tại khu vực đang được bóc dỡ cho biết (người này tự giới thiệu là cán bộ của Công ty Vinaconex Xuân Mai), công việc sửa chữa đang được tiến hành, nhưng thời gian qua mưa liên tục nên làm gián đoạn công việc. Cũng theo anh này, có khoảng 4 - 5 căn hộ tại các tầng 24, 25 bị thấm dột, trong đó bị nặng nhất là căn hộ 2401.

Gần 5 tỷ đồng của dân ở đâu?

Dự án “mẫu” nhiều tai tiếng

Tòa nhà TNT CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông (25 tầng nổi, 1 tầng hầm do Công ty Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư) với 328 căn hộ được đưa vào sử dụng đầu năm 2011. Đây là tòa nhà dành cho người thu nhập thấp đầu tiên của Thủ đô Hà Nội nên mọi giai đoạn của tòa nhà đều thu hút sự quan tâm của công luận cũng như các cơ quan nhà nước (từ khi khởi công, xét duyệt hồ sơ, bốc thăm quyền mua nhà, bốc thăm chọn vị trí căn hộ, khánh thành và người dân dọn về ở). Tuy nhiên, đây cũng là tòa nhà bị nhiều tai tiếng, đó là việc: Hàng loạt người đi ô tô cũng đến nộp hồ sơ mua nhà; Cơ quan công an thanh phố đã phát hiện có gian lận trong làm hồ sơ mua nhà; Việc mua bán nhà trái quy định…

Đây là một trong 13 nội dung được đại diện các tổ chức đoàn thể (Chi hội Người cao tuổi, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Hội phụ nữ, Tổ trưởng Tổ dân phố) thuộc Tổ dân phố số 3 phản ánh tới Báo GĐ&XH ngày 26/9. Theo phản ánh của các cư dân, số tiền bảo trì tòa nhà do cư dân đóng góp gần 5 tỷ đồng đang là đồng tài khoản giữa chủ đầu tư và Ban quản trị (nhà CT1), được gửi tại ngân hàng Techcombank, nhưng ngày 1/9/2012 số tiền trên đã được ra gửi thành 3 sổ tiết kiệm đứng tên một số người với tư cách cá nhân chứ không phải đại diện của chủ đầu tư và Ban quản trị.

Qua tìm hiểu, cư dân phát hiện báo cáo thu chi của chủ đầu tư và Ban quản trị vênh nhau. Có những khoản chủ đầu tư ghi thì Ban quản trị không ghi, lãi suất tiền bảo trì tính nhập nhèm, không rõ ràng làm thất thoát nhiều triệu đồng. Hơn thế, qua phản ánh của phương tiện truyền thông, cư dân được biết tại TP HCM đã có trường hợp Ban quản trị “bỏ đi” cùng toàn bộ số tiền bảo trì của dân. Lo lắng cho số tiền mình đã đóng góp để bảo trì tòa nhà, cư dân đã tổ chức hội nghị bất thường. Tại hội nghị, cư dân đã đề nghị Ban quản trị cho xem 3 sổ tiết kiệm mà Ban quản trị đang giữ nhưng không được đáp ứng, đại diện Ban quản trị đã bỏ cuộc họp ra về.

Vì sao phường dừng hội nghị?

Ngày 26/9, khi chúng tôi có mặt tại tòa nhà CT1, ông Đoàn Thế Kỷ (Tổ trưởng Tổ dân phố số 3) đang đi dán thông báo với cư dân tòa nhà về việc hội nghị nhà chung cư CT1 Ngô Thì Nhậm vào hồi 19h30 ngày 26/9 vẫn diễn ra theo thông báo trước đó. Ông Kỷ cho biết, sở dĩ có thông báo trên do ngày 23/9, Phó Chủ tịch UBND phường Hà Cầu (Q. Hà Đông), ông Nguyễn Minh Thuận đã ký văn bản yêu cầu tạm dừng hội nghị này - hội nghị mà đã có trên 86% các hộ gia đình tại tòa nhà CT1 đồng ý tổ chức.

Không đồng tình với nội dung văn bản của UBND phường Hà Cầu, ngày 25/9, đại diện các đoàn thể Tổ dân phố số 3 đã có đơn gửi tới chính quyền quận Hà Đông và phường Hà Cầu. Trong đơn có nêu: Việc tổ chức, giám sát và kiểm tra, công nhận kết quả một hội nghị nhà chung cư là thuộc thẩm quyền của UBND cấp quận, việc phường ra văn bản hoãn và không tổ chức hội nghị nhà chung cư là vượt thẩm quyền. Đây là lần thứ 2 lãnh đạo phường ký văn bản yêu cầu cư dân không được làm các công việc có liên quan đến Ban quản trị … Đại diện các đoàn thể Tổ dân phố số 3 cho rằng, việc lãnh đạo phường Hà Cầu liên tiếp ra văn bản yêu cầu không được tổ chức hội nghị nhà chung cư và bàn các vấn đề liên quan đến Ban quản trị là điều không bình thường. Bởi theo quy chế, Ban quản trị là do cư dân tòa nhà bầu ra, nếu Ban quản trị không đủ uy tín với cư dân nữa thì phải bị thay thế bằng một Ban quản trị khác, trong một hội nghị nhà chung cư thường niên hoặc trong một hội nghị nhà chung cư bất thường.

Lê Minh
theo GĐ&XH

Từ khóa: