Sự kiện hot
4 năm trước

Hà Nội: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của HĐND trong việc quyết định các vấn đề quan trọng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cần tận dụng tốt những cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù trong Nghị quyết 115 của Quốc hội để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn vào kết quả chung của đất nước.

Sáng 6/7, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội khai mạc kỳ họp thứ 15, HĐND khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc.

Hà Nội: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của HĐND trong việc quyết định các vấn đề quan trọng - Ảnh 1

Giải quyết dứt điểm các kiến nghị chính đáng của cử tri và các kết luận sau giám sát

Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp 15, HĐND TP. Hà Nội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng và biểu dương những cố gắng, nỗ lực mà Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân Thủ đô đã đạt được. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian qua, HĐND TP Hà Nội đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy, cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi; chọn “đúng” và “trúng” các vấn đề quan trọng, cấp bách để giám sát; nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Theo Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thành công tốt đẹp. Trong bối cảnh cả nước quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Quốc hội đã tiến hành đổi mới phương thức hoạt động, lần đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến liên tục trong nhiều ngày nhưng kỳ họp đã diễn ra thông suốt, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng, được các vị đại biểu Quốc hội, dư luận và cử tri đánh giá cao.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV cũng đã xem xét, thảo luận và thông qua 10 Luật, 21 Nghị quyết, cho ý kiến 06 dự án luật khác. Đây là những Luật, Nghị quyết quan trọng liên quan đến các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, tổ chức bộ máy, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đồng thời, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục hậu quả của dịch bệnh Covid-19.

Cùng với Luật Thủ đô, Nghị quyết số 97 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội, thì tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù dành cho Thủ đô Hà Nội, trong đó đã cho phép Hà Nội được thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù về quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước, về mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính.

"Đây chính là sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với Hà Nội để Thành phố sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đã có, huy động thêm nguồn lực nhằm thực hiện kết quả cao nhất các mục tiêu theo Kết luận số 22, ngày 7/11/2017 và Kết luận số 46 ngày 19/4/2019 của Bộ Chính trị", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Nhiều nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế- xã hội cần phải hoàn thành

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, 6 tháng cuối năm nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 được dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới. Nền kinh tế hiện có độ mở rất lớn, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã, đang và sẽ chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản, giải thể hoặc tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống của nhiều người dân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu HĐND TP. Hà Nội đánh giá, phân tích chính xác tình hình, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân nhằm đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, đồng thời quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch. 

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Thành phố cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cần tận dụng tốt những cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù trong Nghị quyết 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-8, để Hà Nội phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn vào kết quả chung của đất nước. 

“Trong khuôn khổ quy định pháp luật, thành phố cần có các giải pháp quyết liệt, thận trọng, nhưng linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phù hợp tình hình thực tế để phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Chuyển đổi phù hợp cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với minh bạch hóa các chế tài xử lý có đủ mức độ răn đe; giảm số lượng, tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra. Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố quan tâm làm tốt công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch trên cơ sở thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về quy hoạch; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đô thị, quản lý đất đai. Xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng. Nâng cao chất lượng công tác quản lý duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng; đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh, môi trường; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch, các dự án xử lý nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ, ao; tăng cường năng lực quan trắc môi trường tự động; giảm thiểu ô nhiễm không khí, nguồn nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, khắc phục các hạn chế, yếu kém trong công tác phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt tại các khu chung cư cao tầng, chung cư tái định cư, khu, cụm công nghiệp, làng nghề.

Bà cũng nhấn mạnh việc đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, không lơ là, chủ quan với những kết quả đã đạt được; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm...

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Hà Nội khắc phục ngay những tồn tại, yếu kém trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức.

Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng quy chế làm việc, trong đó phải quy định cụ thể về trách nhiệm của từng cấp, từng bộ phận, cá nhân, đặc biệt là của người đứng đầu để khắc phục cho được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Nội tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để lựa chọn, bầu ra được những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ Thành phố và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cần chú ý vấn đề nhân sự, tổ chức bộ máy phù hợp với việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội theo Nghị quyết 97 của Quốc hội bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Tạ Thành (tổng hợp)

Theo KTDU

Từ khóa: