6 đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa kết thúc.
6 đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa kết thúc. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về nhãn mác thuốc BVTV. Cục đã xử phạt hành chính 2 đơn vị sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV không đạt chất lượng và sản xuất thuốc không đúng với nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký thuốc.
Người tiêu dùng lo ngại vì xuất hiện thông tin thuốc thúc chín hoa quả.
Ảnh minh họa: Internet
Sai phạm chồng chất
Theo Sở NN&PTNT, toàn thành phố hiện có hàng ngàn cơ sở kinh doanh thuốc BVTV. Mới đây, thực hiện việc thanh kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm.
Đầu tháng 10, kiểm tra tại Cửa hàng Kinh doanh Thuốc BVTV Dũng Hà ở thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 13 loại thuốc đã hết hạn sử dụng với hàng trăm gói, nhưng vẫn được lưu giữ ở cửa hàng và gần 10.000 chai thuốc trừ cỏ sai nhãn mác.
Các sai phạm chủ yếu bị phát hiện là: Thiếu thủ tục pháp lý (giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ đủ điều kiện an toàn thực phẩm); sai phạm về nhãn mác hàng hóa và sai phạm về chất lượng sản phẩm.
9 tháng của năm 2013, Thanh tra Sở đã kiểm tra được 38 đơn vị, lấy 128 mẫu thuốc BVTV để kiểm tra. Qua đó phát hiện 48 mẫu không đạt tiêu chuẩn theo quy định (37,5%) và tịch thu 1,7kg thuốc BVTV ngoài danh mục, 1,8 kg thuốc BVTV hết hạn sử dụng
Lãnh đạo Cục BVTV cũng thừa nhận, các công ty, tập đoàn sản xuất thuốc BVTV hiện quá nhiều, vì vậy, lực lượng chức năng cũng khó lòng quản lý hết được. Nếu không muốn nói còn bị động trong xử lý.
Trong tháng 9/2013, Cục BVTV đã thành lập 6 đoàn đi thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV tại 6 công ty sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói. Qua đó phát hiện 6/88 trường hợp vi phạm về nhãn mác thuốc BVTV; xử phạt hành chính 2 đơn vị sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV không đạt chất lượng và sản xuất thuốc không đúng với nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký thuốc.
Trạm BVTV huyện Thanh Oai thông tin, chỉ vào thời điểm dịch bệnh trên cây trồng căng thẳng, nguy cơ lan rộng thì huyện mới hỗ trợ thuốc BVTV và giao cho các HTX nông nghiệp triển khai phun trừ sâu bệnh, còn lại đa số người dân phải tự túc đi mua thuốc BVTV ở các cửa hàng.
Hiện trên địa bàn huyện Thanh Oai chỉ có 4 cửa hàng thuốc BVTV lớn, còn lại là các cửa hàng nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. Đáng nói là hầu hết các cửa hàng thuốc BVTV này chưa được cấp chứng chỉ kinh doanh. Qua kiểm tra, chưa phát hiện có thuốc BVTV cấm, ngoài danh mục, nhưng thuốc quá hạn sử dụng thì có.
Hiện nay việc quản lý trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, thậm chí có cơ sở bán thuốc BVTV khi có đoàn kiểm tra còn gây khó dễ, thả chó ra để ngăn cản.
Thuốc giấm hoa quả bị thả nổi
Qua thanh tra thuốc thúc chín hoa quả, lực lượng thanh tra phát hiện một bao tải đựng thuốc thúc chín hoa quả xuất xứ từ Trung Quốc. Theo một thanh tra viên, đây là thuốc ngoài luồng, vì Cục BVTV chưa cấp phép cho bất kỳ loại thuốc bảo quản hoa quả nào được sử dụng ở Việt Nam.
Hiện nay, hầu hết các thuốc được sử dụng để giấm hoa quả đều có nguồn gốc từ Ethaphon, chỉ có khi nào cần tăng thêm độ nặng thì người dân có thể cho thêm NaCl (muối ăn). Nếu sử dụng đất đèn giấm trực tiếp lên hoa quả thì mới gây độc hại, nhưng hiện nay việc sử dụng đất đèn là rất ít. Đáng nói các loại thuốc giấm hoa quả có chứa Ethaphon của nước ta phần lớn được nhập lậu từ Trung Quốc.
Lo ngại hơn, trên bao bì của loại thuốc "thúc chín tố" vừa được Thanh tra Sở NN&PTNT phát hiện tại Ba Vì có in nhãn mác phụ bằng tiếng Việt ghi rõ: “Loại thuốc này có khả năng ăn mòn kim loại, có chất kích thích đối với mắt và da”. Ngoài ra, hướng dẫn sử dụng, pha 1 ống thuốc với 4 - 5 lít nước rồi phun hoặc nhúng trái cây vào, trái cây sẽ chín đều, đẹp. Thuốc được dùng với nhiều loại trái cây như mít, hồng, chuối, đu đủ, lê, cam, cà chua… Như vậy, với tính năng ăn mòn kim loại nguy cơ gây độc cho người tiêu dùng là hoàn toàn có thể.
Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Phạm Khắc Diến cho biết, thời gian tới, Thanh tra Sở vẫn tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhóm mặt hàng vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, do lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng nên để quản lý tốt việc sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV nói riêng, vật tư nông nghiệp nói chung cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương. Đồng thời, Nhà nước sớm hoàn thiện các thông tư hướng dẫn xử phạt hành chính và siết chặt cơ chế cấp giấy phép đăng ký sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này.
An - Văn
theo Thanh tra