Sự kiện hot
11 tháng trước

Hà Nội nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng nhà ở xã hội

Nhà ở xã hội rất cần thiết, bảo đảm an cư cho người dân, góp phần cải thiện điều kiện sống của cư dân đô thị thu nhập thấp và trung bình thấp, đồng thời góp phần ổn định xã hội, tạo sự công bằng dân chủ trong đời sống người dân đô thị.

Lãi suất cho vay ưu đãi với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở  xã hội
Hà Nội nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Theo đó, nhằm đáp ứng nguồn cung cho người dân, ngày 3/4/2023, Chính phủ công bố Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Đây là cơ hội sẽ giúp cho những người dân, người lao động thu nhập thấp có cơ hội mua nhà để yên tâm "an cư lạc nghiệp".

Thực hiện chương trình phục hồi kinh tế theo các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã khởi công xây dựng được 34.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Lũy kế đến thời điểm hiện tại, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 7,8 triệu m2.

Theo thống kê hiện cả nước đang tiếp tục triển khai 401 dự án với tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2. Số lượng nhà ở xã hội hoàn thành giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp được cải thiện, có chỗ ở ổn định.

Tại Hà Nội, để bảo đảm cho người dân ở Thủ đô Hà Nội có chỗ ở, "an cư lạc nghiệp", UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp…

Cụ thể, Kế hoạch phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt đã xác định mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1 - 2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2 - 3 khu.

Đặc biệt, trong Kế hoạch phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, TP. Hà Nội sẽ dành hơn 220 tỉ đồng để hoàn thiện và điều chỉnh các tòa nhà đang bỏ hoang hơn chục năm tại dự án ký túc xá cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội.

Dự án được khởi công từ năm 2009, trên khu đất có vị trí đắc địa ở phía nam Thủ đô, ngay cạnh cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giáp vành đai 3, đường Giải Phóng, gần nhiều trường đại học, cao đẳng, nhưng sau hơn 10 năm, chỉ có hai khối nhà hoạt động, còn lại các tòa nhà đã cơ bản hoàn thành xây thô, nhưng vẫn bỏ trống, gây lãng phí rất lớn.

Số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, hiện Hà Nội có 40 dự án được triển khai, trong đó 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025 với khoảng 870.000 m2 sàn, dự kiến hơn 12.000 căn hộ.

Và 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 22.400 căn hộ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, Hà Nội chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với khoảng 5.300 căn hộ.

Nhà ở xã hội hiện là loại hình chiếm đến 80% nhu cầu của người dân, tuy nhiên trong thời gian qua, nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, đẩy mạnh thực hiện các dự án nhà ở xã hội là việc làm rất cần thiết, cần vào cuộc mạnh mẽ từ các địa phương.

Tiến Hoàng
Theo Kinh tế & Đồ uống

Từ khóa: