Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật - UBND Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, khi đến các nơi công cộng như rạp chiếu phim, công viên, đường phố, sân vận động... người dân phải đeo khẩu trang để góp phần giảm lây lan dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19, nhất là trong kỳ nghỉ lễ.
Ngoài ra, văn bản đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn), hiệu quả của việc tiêm vaccine Covid-19 và các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền quy định thực hiện đeo khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi công cộng theo Quyết định số 2447/QĐ-BYT ngày 6/9/2022 của Bộ Y tế. Nơi công cộng được hiểu là nơi phục vụ chung cho nhiều người tại những địa điểm có không gian kín như: rạp hát, rạp chiếu phim, vũ trường, nhà hàng... hoặc các địa điểm có không gian mở như sân vận động, công viên, đường phố, bến xe... bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19.
Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với hành khách, người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng; nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc trực tiếp với hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng (máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, tàu điện, phà, xe khách, xe buýt, taxi...).
Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối.
Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với nhân viên phục vụ, người bán hàng, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại nơi có không gian kín, thông khí kém (quán bar, vũ trường; karaoke; cơ sở dịch vụ xoa bóp, làm đẹp; phòng tập thể dục, thể hình; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; rạp chiếu phim, nhà hát, rạp xiếc, nhà thi đấu, trường quay).
Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và người tham dự tại cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người (các công trình di tích; bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà trưng bày; khu du lịch, khu vui chơi, giải trí; sự kiện văn hóa, thể dục, thể thao; lễ cưới, lễ tang, lễ hội, hội chợ).
Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch.
Bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với tất cả các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực đã được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4 theo hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong 24h qua, cả nước ghi nhận 2.731 ca mắc COVID-19, tiếp tục tăng so với ngày trước đó và là ngày có số mắc cao nhất hơn 7 tháng qua.
Trong ngày, có 613 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.618.751 ca. Số bệnh nhân đang thở ôxy là 123 ca, trong đó thở máy xâm lấn có 24 ca, tăng 4 ca so với ngày trước đó.
Ngày 26/4, theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, một nam bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch, đồng thời dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tử vong sau gần 1 tuần điều trị tích cực tại bệnh viện.
Đó là nam bệnh nhân 54 tuổi, trú tại tỉnh Bình Dương được chuyển đến Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 17/4 trong tình trạng bệnh nặng phải thở máy.
Trước đó, bệnh nhân điều trị các bệnh lý tim mạch như: Cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim, suy tim, rối loạn sinh tủy (một dạng bệnh lý tiền ung thư huyết học) tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Như vậy, sau nhiêu tháng không có tử vong thì trong 5 ngày qua, đã có 3 cả tử vong do COVID-19 gồm: 1 trường hợp ở Hà Nội, 1 trường hợp ở Nam Định và 1 trường hợp ở Bình Dương.
Tiến Hoàng
Theo Kinh tế & Đồ uống