Đây là đường cấp đô thị, loại liên khu vực, có chiều dài khoảng 2,78km thuộc địa bàn thị trấn Yên Viên và các xã Yên Viên, Yên Thường huyện Gia Lâm.
Vị trí tuyến đương trên bản đồ google Maps
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tuyến đường nối đường Yên Viên - Đình Xuyên - Phú Đổng đến hết địa bàn huyện Gia Lâm, tỷ lệ 1/500.
Theo đó, tuyến đường có chiều dài khoảng 2,78km thuộc địa bàn thị trấn Yên Viên và các xã: Yên Viên, Yên Thường huyện Gia Lâm.
Điểm đầu của tuyến đường tại vị trí giao với đường Hà Huy Tập, điểm cuối hết địa phận huyện Gia Lâm.
Tuyến đường có quy mô mặt cắt ngang điển hình rộng 40m, gồm: lòng đường 02 làn xe mỗi làn 11,25m, vỉa hè hai bên mỗi bên rộng 7,25m, dải phân cách giữa rộng 3m.
Theo phê duyệt sẽ Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng nút giao khác mức tại vị trí tuyến đường này giao cắt với tuyến đường sắt quốc gia kết hợp với tuyến đường đô thị số 1 và tuyến đường Hà Huy Tập.
Đối với các nút giao với các tuyến đường ngang khác thì theo quy hoạch tổ chức nút giao thông cùng mức. Chỉ giới đường đỏ tại các nút giao này sẽ được xác định cụ thể, bổ sung trong quá trình quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường hoặc các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường ngang được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Tim đường quy hoạch tuyến đường này được xác định qua các điểm tọa độ, kết hợp với các thông số kỹ thuật và điều kiện ghi trực tiếp tại bản vẽ. Chỉ giới đường đỏ xác định trên cơ sở tim đường, mặt cắt ngang đường, các thông số kỹ thuật, điều kiện khống chế, kết hợp nội suy và được xác định trực tiếp trên bản vẽ.
UBND thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác nhận hồ sơ chỉ giới đường đỏ; bàn giao cho UBND huyện Gia Lâm để tổ chức công bố công khai hồ sơ chỉ giới đường đỏ.
UBND huyện Gia Lâm chủ trì công bố công khai hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường; triển khai cắm mốc giới tuyến đường theo quy hoạch đồng thời với việc thực hiện thu hồ đất, giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tuyến đường để tránh lãng phí, chồng chéo trong công tác cắm mốc giới.
Hạ tầng huyện Gia Lâm sẽ được phát triển mạnh trong thời gian tới. Ảnh: minh họa
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2025/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chung xây dựng huyện Gia Lâm, tỷ lệ 1/500.
Huyện Gia Lâm nằm tại phía đông Hà Nội, ngăn cách với khu vực nội thành bởi sông Hồng. Huyện có 20 xã và 2 thị trấn. Dự kiến quy mô dân số toàn huyện đến năm 2030 khoảng 430 nghìn người.
Việc quy hoạch với mục tiêu cụ thể hóa các định hướng tổ chức phát triển không gian, các khu chức năng chính, hạ tầng kỹ thuật, bảo tồn di sản văn hóa lịch sử và thiên thiên trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt năm 2011. Cùng với đó là đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch một số khu chức năng phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó là định hướng quy hoạch phát triển các khu đô thị; không gian xanh và mặt nước; các khu vực phát triển nông thôn; làm rõ các cơ sở kinh tế kỹ thuật đầu mối quốc gia và thành phố trên địa bàn huyện, nhằm xây dựng Gia Lâm trở thành khu vực phát triển tại cửa ngõ phía đông Thủ đô.
Quy hoạch này cũng là cơ sở cho việc tổ chức các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; đề xuất danh mục các chương trình đầu tư và dự án phát triển kinh tế, xã hội; kiểm soát phát triển và quản lý đô thị; góp phần thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của thành phố Hà Nội và huyện Gia Lâm.
Theo Nhà Đầu tư