Đó là nhận định của CBRE về thị trường bán lẻ Hà Nội trong quý III/2017.
Văn phòng cho thuê sống khỏe
Trong buổi họp báo công bố tiêu điểm thị trường BĐS Hà Nội diễn ra sáng 28/9, CBRE cho biết trong quý III/2017, thị trường văn phòng không có dự án nào mới đi vào hoạt động. Tổng nguồn cung lũy kế tính đến quý III đạt khoảng 1,2 triệu m2 sàn văn phòng cho thuê, trong đó văn phòng Hạng B chiếm đến 66%.
Về giá thuê, khảo sát của CBRE cho thấy không có quá nhiều thay đổi về mức giá chào thuê. Giá chào thuê (không bao gồm phí dịch vụ và VAT) Hạng A đạt 24,1 USD/m2/tháng và Hạng B đạt 13,7 USD/m2/tháng. Hạng A chứng kiến mức tăng trưởng khả quan 8,6% theo năm do nguồn cung hạn chế, trong khi đó Hạng B với áp lực nguồn cung mới vẫn đạt mức tăng nhẹ 1,4% theo năm.
Về tỷ lệ lấp đầy, tỷ lệ lấp đầy ở cả Hạng A và B đang ở mức khả quan lần lượt đạt 89% và 84% tại thời điểm quý III/2017 tương ứng với mức tăng 0,1 điểm % và 1,4 điểm % so với quý trước đó.
Trong các quý tới, một số khách thuê với diện tích trên 1.000 m2 đến từ ngành CNTT và Ngân hàng sẽ chuyển về các tòa nhà mới tại khu vực Đống Đa – Ba Đình sẽ giúp làm tăng tỷ lệ lấp đầy của các tòa nhà này. Về nguồn cung mới, dự kiến đến cuối năm 2018 thị trường mới có thêm văn phòng Hạng A đi vào hoạt động. Do vậy, hoạt động của các tòa nhà văn phòng Hạng A vẫn sẽ có những diễn biến tích cực trong thời gian tới.Về nhu cầu, tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 13.000 m2 trong quý. Diện tích hấp thụ chủ yếu đến từ các tòa nhà ngoài trung tâm. Trong quý III, nhu cầu vẫn tập trung ở các ngành quen thuộc như Tài chính/Ngân hàng, Sản xuất, BĐS với mục đích mở rộng và đổi địa điểm thuê văn phòng. Bên cạnh đó, nhu cầu tìm địa điểm mới của các không gian làm việc chung của cả các nhà vận hành Việt Nam và quốc tế cũng đang có xu hướng tăng.
Thị trường mặt bằng bán lẻ Tây Nam sẽ là điểm nóng
Theo CBRE, thị trường bán lẻ Hà Nội trong quý III/2017 không đón chào thêm dự án nào mới. Nguồn cung của cả thị trường vẫn giữ ở mức gần 790.000 m2. Trong số này, khu vực phía Tây Nam cung cấp lượng diện tích bán lẻ lớn nhất, chiếm tới gần 35% tổng nguồn cung.
Khu vực phía Đông với các TTTM lớn như Aeon Mall Long Biên, Vincom Center Long Biên, Savico Mall,... đứng thứ hai với 21,5%. Phía Tây bao gồm các quận Cầu Giấy, Từ Liêm hiện đang cung cấp 13% cho toàn thị trường.
Về diễn biến thị trường trong quý III/2017, cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy đều ở mức ổn định hoặc có cải thiện. Khu vực Trung Tâm chứng kiến mức tăng 0,5% đẩy mức trung bình của thị trường lên 0,1%. Trong khi đó, tỷ lệ trống của các TTTM ở Hà Nội giảm 2,7 điểm phần trăm, xuống còn 7,7%, tương đương với mức giảm 5,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Sự cải thiện này chủ yếu đến từ khu vực ngoài trung tâm với mức giảm 2,9 điểm phần trăm.Dự báo, trong một vài năm tới, thị trường bán lẻ Hà Nội mở rộng theo xu hướng phát triển của các dự án nhà ở và cơ sở hạ tầng. Khu vực dọc vành đai 3 và hai tuyến metro sắp ra mắt bao gồm phía Tây, Tây Nam và phía Nam sẽ là điểm nóng với hơn 380.000 m2 sàn thương mại sẽ được ra mắt. Một vài dự án nổi bật ở khu vực này bao gồm Aeon Mall Hà Đông, các TTTM của Vincom và FLC. Phía Bắc của thành phố cũng trên đà phát triển với dự án mới được công bố hồi đầu năm của tập đoàn Hàn Quốc Lotte.
Một điểm đáng chú ý trong quý này theo CBRE đó là việc Việt Nam đạt mức chỉ số niềm tin người tiêu dùng đạt mức 117 điểm cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, theo báo cáo của Nielsen. Chỉ số này cho thấy triển vọng của thị trường bán lẻ cũng như sự lạc quan về khả năng tài chính và mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng Việt. Mức tăng 5 điểm so với cuối năm 2016 này đã đưa Việt Nam lên đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ lạc quan. So sánh với khu vực, người tiêu dùng Đông Nam Á nhìn chung vào mức cao, trong đó Phillippines là nước dẫn đầu toàn cầu về mức độ lạc quan và Indonesia xếp ở vị trí thứ 4.
Nhật Bình
Theo Reatimes